“Người Việt Nam có tuổi thơ kéo dài nhất thế giới, đến khi lập gia đình vẫn như đứa trẻ chỉ vì từ nhỏ, những việc thuộc về bản thân các em chẳng những không được quyết định mà còn được người khác làm hộ”. Đó là lời nhận xét hóm hỉnh nhưng không kém phần chua xót của bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ TP HCM.
Cả đời... làm tầm gửi
“Con muốn sung sướng thì phải nghe lời mẹ. Nếu không, muốn đi đâu, làm gì làm, mẹ không quan tâm” - chị Hạnh, chị họ của tôi, nói với cậu con trai của mình. Sống ở tỉnh giáp biên giới, trẻ em thường nghỉ học sớm, bị cuốn vào cuộc mưu sinh. Xác định thiết lập cho con mình một tương lai khác với những đứa trẻ nơi đây nên từ phổ thông, chị Hạnh đã đưa con vào học nội trú ở TP HCM. Sức học yếu, thằng bé không vào nổi đại học, chị tìm đường chạy cho con vào một trường cao đẳng. Con tốt nghiệp, chị lại tiếp tục chạy cho con làm ở một công ty nhà nước. “Cháu không thích công việc này nhưng không dám cãi lời mẹ” - Hoàng, con trai chị, tâm sự.
Trong buổi gặp mặt mới đây, chị Hương - nhà ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM - than thở: “Thời anh chị, cày ngày cày đêm mới trụ được ở TP, còn thời nay, cái gì cũng có sẵn nên tụi nó chẳng cần phấn đấu”. Chuyện là thằng Sơn, con trai lớn của chị, đã tốt nghiệp đại học gần 2 năm nay nhưng hằng ngày vẫn xòe tay xin mẹ tiền ăn, đổ xăng, uống nước với bạn bè. Tận dụng các mối quan hệ, chị đã xin cho con vài chỗ làm nhưng Sơn cứ chê lương thấp, sếp khó tính, đồng nghiệp thiếu thân thiện... rồi nghỉ. Nhiều lúc Sơn nghỉ ngang, không báo công ty một lời làm chị phải rối rít xin lỗi bạn bè. Còn đứa con gái cũng chẳng khá hơn khi suốt ngày chỉ biết son phấn, chưng diện. Mới đây, nó xin chị mấy chục triệu đồng để đi nâng mũi kiểu Hàn Quốc. “Khi chị từ chối, nó bảo: Nếu mẹ không cho, con cặp với đại gia, kiếm tiền. Chị không biết kiếp trước mình làm gì tội lỗi mà con cái cứ làm khổ cha mẹ” - chị nói trong nước mắt.
Tuổi 30 mà vẫn như trẻ thơ
Nhưng chính sự bảo bọc quá chu toàn này làm nhiều đứa trẻ mất hết khả năng thích nghi, không thể sống mà không có cha mẹ bên cạnh. Đó là hoàn cảnh của anh Hùng - ngụ ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM. Sáng sớm, anh đã đến gặp tôi để than thở: “Cha mẹ thương con cái hơn bản thân mình nhưng con cái không hiểu lòng cha mẹ”. Chuyện là tối qua, Trí - con trai nhỏ của anh - phản kháng dữ dội khi anh nhắc nhở nó đi chơi về khuya. Tôi thắc mắc: “Về khuya là mấy giờ hả anh?”. “Hơn 22 giờ. Nhưng không thấy mặt nó, tôi và mẹ nó cả buổi tối đi ra đi vào không làm được gì” - anh trả lời. Nghe anh nói tôi cứ tưởng thằng Trí bé bỏng lắm nhưng nó đã 24 tuổi, đã đi làm mấy năm.
Với vợ chồng anh Hùng, con cái mãi mãi là những đứa trẻ bé bỏng, lúc nào cũng cần sự che chở của cha mẹ. Đức - con trai lớn của anh - năm nay đã 30 tuổi, đã lấy vợ, sinh con và ở riêng nhưng chủ nhật nào anh cũng chở qua nhà con nào gạo, nước mắm, dầu ăn, thịt, cá... Ngày Đức ra riêng, không chỉ mua nhà cho con, anh còn sắm cả cây chổi quét nhà, thảm lau chân. “Để con thiếu thốn, làm cha mẹ sao chịu nổi” - anh giải thích. Chính vì thế mà vợ chồng Đức làm việc gì cũng chỉ dăm ngày, vài tháng rồi bỏ. Hết tiền, Đức nhắn tin và anh lại xuất hiện...
Bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc TP HCM:
Con cái ngày càng ích kỷ
Chính sự nuông chiều, bảo bọc quá kỹ của cha mẹ làm cho con cái tưởng mình là cái tâm của vũ trụ, hình thành nên lối sống ích kỷ, đua đòi, không quan tâm đến người khác. Nguy hiểm hơn, nhiều em không thể tự mình làm được việc gì nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cha mẹ. Điều này khó khăn khi các em bước vào đời.
Bình luận (0)