xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng biến người yêu thành... “thùng rác”!

NGUYÊN MINH

Tình yêu cần có sự sẻ chia nhưng sẻ chia như thế nào để đôi bên thấy mình được yêu thương, chứ không có nghĩa là phơi bày tất tật những gì trong cuộc sống của mình trước mắt người yêu

Yêu nhau, ai lại không muốn người yêu mình thổ lộ hết tâm tư, suy nghĩ, cũng như mọi nỗi buồn, niềm vui trong cuộc sống. Khi được chia sẻ với bạn tình, họ sẽ thấy rất hạnh phúc và tự hào. Vì họ nghĩ rằng, họ là nơi đáng tin cậy, là chỗ dựa bình yên nhất để người kia tìm về.

Những sẻ chia không mong đợi

Thế nhưng, có một số người lại quá vô tư và vô tâm, cứ hồn nhiên chia sẻ với người yêu những câu chuyện mà người tiếp nhận “không hề mong đợi”. T. Vân, nhân viên kế toán một ngân hàng Nhà nước, thở dài: “Chàng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nên thường chia sẻ với mình về cảm xúc khi tiếp cận từng đối tượng được chụp, kể cả những cô gái chàng vô tình bắt gặp, hay đã quen thân như thế nào. Có điều, mỗi khi đi ngoài đường, thấy cô nào có nét đặc biệt là chàng không ngần ngại reo lên: “Em ơi! Cô bé đó có mái tóc đẹp quá!” hoặc: “Em! Trông khuôn mặt cô kia xinh ghê!”. Rồi cứ thế mà xuýt xoa mãi. Đã vậy, lúc không có mình, nếu bắt gặp ai đó cũng về kể lại đầy vẻ háo hức, kiểu: “Em biết không, lúc nãy trên đường anh gặp một cô nước da trắng mịn, đẹp gì đâu...”. Tôi nào phải gỗ đá mà không chạnh lòng chứ!”.

Đành rằng chia sẻ với nhau mọi việc là điều đáng quý nhưng nên khéo léo và tinh tế, cần nghĩ đến cảm xúc của đối tượng tiếp nhận câu chuyện mà đề cập vấn đề cần nói cho phù hợp. Rất nhiều cô nàng xinh đẹp, đã có người yêu nhưng vẫn không ngớt vệ tinh xoay quanh. Các nàng lấy làm tự hào và cũng rất thật thà khai báo mọi hành động của những chàng kia cho người yêu mình nghe. T. Hưng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ngao ngán bày tỏ: “Tôi biết cô ấy không có tình ý gì và tôn trọng tôi mới đem mọi chuyện ra kể. Nhưng ngày nào cô ấy cũng kể rất hào hứng. Và qua cách kể, tôi nhận ra rằng cô ấy cũng thích được các anh chàng kia săn đón, chiều chuộng. Tôi thật sự buồn vì chuyện này...”.

Rất nhiều người có khả năng chia sẻ với người bạn đường của mình để cùng nhau bước qua mọi thử thách trong tình yêu và cuộc sống, nhưng đôi khi, họ lại không để tâm đến những mảnh vụn mà tìm cách tránh xa, khiến nó cứ găm dần vào tình yêu của chính họ mỗi lúc một nhiều mà không hề hay biết. Những mảnh vụn ấy cũng như các câu chuyện tưởng... rất vặt trên.

Lắng nghe hay chịu đựng?

Mỗi lần phản ứng về việc phải “nghe”, K. Tâm, nhân viên bán hàng siêu thị, lại nhận được lời càm ràm từ người yêu của mình: “Em phải tự hào, em là người gần gũi anh nhất, anh mới nói em nghe hết mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình chứ!”. Tự hào đâu chẳng thấy, K. Tâm chỉ điếng người khi nghe chàng, là một hướng dẫn viên du lịch, thổ lộ: “Em à, sắp tới anh sẽ dẫn tour cho một gia đình Việt kiều quen thân. Mà con bé ấy trước giờ thích anh lắm. Con gái sống bên Tây từ nhỏ rất dạn dĩ, anh sợ thể nào cũng xảy ra... chuyện ấy!”.

Có nhiều sự sẻ chia mà người tiếp nhận ước gì đừng bao giờ biết, đừng bao giờ nghe thấy thì có lẽ tốt hơn. “Người yêu thì phải biết chia sẻ, biết cảm thông nhưng họ không phải là tổng đài 1080 để có thể nghe tất tật mọi chuyện” – một chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.

Các câu chuyện, tình huống họ kể với người mình yêu thương, đôi lúc thực chất chỉ là để giải tỏa tâm lý, hay chỉ đơn giản là có người để... xả những gánh nặng, những ưu tư trong đầu. Họ không cần biết đến cảm xúc, suy nghĩ mà người tiếp nhận phải trải qua sau lời kể ấy. B. Thương, công nhân dệt may, cô gái được mọi người cho là chịu khó lắng nghe, biết cách chia sẻ, tỏ ra bức xúc khi nói về người yêu: “Mỗi khi gặp nhau, tôi hầu như chỉ ngồi nghe. Từ chuyện gia đình, bạn bè, cơ quan... anh ấy đều kể với tôi. Tôi vẫn thường đưa ra lời góp ý hoặc cách giải quyết, có cả an ủi, động viên khi anh ấy gặp chuyện rắc rối từ các mối quan hệ”. Là người lắng nghe mãi, cô cũng chạnh lòng: “Tôi cũng có những niềm riêng muốn được trò chuyện, vậy mà, gặp thì nghe chuyện của anh đã hết thời gian rồi. Mà tôi có nói thì anh ấy cũng không nhiệt tình lắng nghe, chỉ hỏi qua quýt rồi thôi. Lâu dần, tôi thấy mình như cái thùng rác, để anh ấy xả stress vậy”. Cô bạn T. Vân thì băn khoăn: “Đôi lúc tôi không biết mình đang được chia sẻ, hay là tôi đang chịu đựng nữa”.

Quả vậy, sức ép tâm lý với người tiếp nhận câu chuyện là rất lớn, họ vừa phải biết dung hòa tình cảm của mình vừa phải biết cách hưởng ứng cho đẹp lòng người kể. Ai cũng có “rác”, nhưng cần biết cách thanh lý nó đúng lúc, đúng nơi thì mới không biến người mình yêu thương thành một người “giỏi chịu đựng” và là nơi trút “rác” vô thời hạn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo