“Bố mẹ cho biết trước đây em rất ngoan nhưng càng lớn càng khó dạy, luôn bắt mọi người đáp ứng các đòi hỏi của mình. Khi không vừa ý, em sẵn sàng xông vào đánh và xé đồ đạc của anh mình, dù anh khá hiền và luôn nhường nhịn em”. Bà Nguyễn Thị Diệu, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Tư vấn và Trị liệu tâm lý Trẻ Em, nhắc lại lời của cô bé Ngọc, 11 tuổi, nhà tại quận 7, TP HCM. Bà Diệu cho biết hiện có rất nhiều trẻ gặp vấn đề về cư xử, học tập mà nguyên nhân bắt nguồn từ cảm giác ghen tị, ức chế với anh em trong nhà.
Ghen tị
Ngọc khá lầm lì và bất cần, phải đến lần gặp mặt thứ 3, em mới chịu mở lời nói chuyện. Qua trò chuyện và tìm hiểu thông tin từ gia đình thì được biết nhà Ngọc thuộc loại khá giả, cha mẹ đều có học vấn cao.
Anh trai của Ngọc học rất giỏi. Cô bé cũng khá thông minh nhưng thành tích học tập không bằng anh. Không những không khen ngợi Ngọc, cha mẹ còn hay đem anh trai ra làm gương. Từ đó, cô bé nảy sinh sự ghen tị và thù ghét anh mình.
Một số chuyên gia tâm lý nhận định sự ghen tị xuất phát khi còn bé, nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ làm mất đi tình cảm anh em, sự yên ổn trong gia đình, đồng thời rất dễ hình thành nên những tranh chấp nghiêm trọng giữa anh chị em khi trưởng thành.
Điều này đã được chứng minh tại phiên xử về tranh chấp tài sản thừa kế giữa 2 anh em ruột tại TAND TP HCM mới đây. Sau phiên tòa, Tr., người đứng đơn kiện, cho biết nhà chỉ có 2 anh em. Khi còn nhỏ, L., em gái Tr., luôn được cha mẹ cưng chiều. Anh cảm thấy dường như cha mẹ chẳng quan tâm gì đến mình. Mỗi lần chơi với L., khi em khóc hay bị ngã, không phải lỗi của Tr. nhưng anh vẫn bị cha mẹ la mắng, đánh đòn. Đã vậy, những gì của anh nếu em gái thích đều bị buộc phải nhường… Điều này làm cho tình cảm giữa Tr. và em gái ngày càng xa cách.
Khi lớn lên, Tr. có việc làm ổn định, mua được nhà riêng. L. thì lận đận, trải qua 2 lần lấy chồng, một mình nuôi 2 con nhỏ. Khi người cha mất, mẹ họ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu căn nhà cho L. với lý do mẹ con cô khó khăn, cần nhà hơn Tr. “Thật ra, tôi đi kiện cho mẹ thấy những ấm ức mình phải chịu đựng suốt thời gian qua. Nếu trước đây bố mẹ tôi đối xử công bằng hơn, có lẽ giờ mọi chuyện đã khác” - Tr. buồn rầu giải thích.
Cha mẹ thiên vị gây bất hòa?
Một giáo sư tâm lý học người nước ngoài đã từng nhận định: “Cha mẹ không thể yêu thương tất cả các con mình đồng đều, vì chúng là những con người khác biệt và chắc chắn sẽ có những phản ứng khác nhau đối với chúng”. Do vậy, trong cuộc sống gia đình, các bậc cha mẹ khó tránh khỏi sự đối xử thiên vị với con cái dù muốn hay không. Sự thiên vị của cha mẹ cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự bất đồng giữa những đứa con bởi nó làm nảy sinh sự ghen tị.
Ông Phạm Anh Duy, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý Duy Anh, cho rằng anh chị em thường ghen tị, tranh giành nhau mọi thứ, từ tình yêu thương của cha mẹ đến tài sản, tiền bạc… Dù bậc cha mẹ nào cũng mong muốn những đứa con của mình luôn yêu thương, hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau nhưng đôi khi cách hành xử thiếu tinh tế trong cuộc sống hằng ngày của họ lại chính là nguyên nhân dẫn đến bất hòa giữa các con.
Song, theo ông Duy, cha mẹ cũng chính là cầu nối tốt giúp các con vượt qua sự khó chịu, nhận ra sai lầm và giải quyết mâu thuẫn. Bởi lẽ, không ai có thể hóa giải xung đột nội bộ tốt hơn chính các thành viên trong gia đình đó.
Biến xung đột thành động lực phát triển
“Những cãi vã, bất hòa giữa anh chị em trong gia đình là điều rất tự nhiên và bình thường. Nếu cha mẹ biết cách dạy dỗ thì những va chạm này sẽ trở thành động lực phát triển khá tốt cho con bởi trong cuộc sống sau này, khi giao tiếp với người khác, các con cũng sẽ gặp phải những vấn đề tương tự mà họ đang trải qua với anh chị em ruột” - bà Nguyễn Thị Minh, chuyên viên tư vấn tâm lý, trị liệu đài 1088 TP HCM, nhận định.
Bình luận (0)