Chị Ngọc cũng không chú ý lắm đến bọn trẻ cho tới khi chúng tản ra và chị thấy… cu Tin nhà mình đang ngồi bệt dưới đất. Vội vã chạy lại, chị thấy con mình ôm hai đầu gối rớm máu, mặt mũi tái nhợt. Chị hỏi gặng một hồi, cu cậu mới nói: “Bạn Hùng bắt con mỗi ngày đóng 1.000 đồng để bạn ấy chơi điện tử”.
Truy hỏi thêm, chị được biết gần một tháng nay, hầu như ngày nào thằng bé cũng bị khủng bố. Giờ thì chị đã biết thủ phạm của những vết bầm, vết thâm tím đầy trên cơ thể mà cu cậu cứ chối quanh co là bị ngã do chơi với bạn.
Vừa quẹt nước mắt, cu Tin vừa kể: “Bạn Hùng còn thường xuyên bắt nạt các bạn trong lớp. Hôm trước, nó hất nguyên lọ mực vào người bạn Bo chỉ vì Bo không cho mượn đồ chơi mới”.
Không chỉ ở trường mà cu Tin còn bị bạn bè trong xóm bắt nạt. Hôm qua, cậu bé về nhà trong tình trạng vết kem đầy tay chân, thấm loang lổ cả chiếc áo mới mặc. Đến giờ Tin mới thổ lộ, đó là kết quả của việc cậu không chịu nhường que kem hấp dẫn của mình cho một bạn trong xóm, chứ không phải do “vô ý để vấy kem lên người” như Tin mếu máo giải trình hôm trước.
Ở trường, nhiều trẻ bị rơi vào tình cảnh của cậu bé Nobita trong tranh truyện Nhật Bản Đôrêmon, luôn chị cậu bạn to lớn Chaien bắt nạt. Đây là một “vấn nạn” kinh niên, chẳng cách nào chấm dứt được. Nhiều người xem đó chỉ là trò trẻ con, không đáng quan tâm. Tuy nhiên, nếu không dạy bé biết cách phản ứng, các nạn nhân của “Chaien” có thể đâm ra chán học, sống khép kín và sau này sẽ khó hoà nhập xã hội.
Khi bị bắt nạt, hầu hết trẻ chọn giải pháp mách với người lớn, vài trường hợp lại giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, một số khác có phân giải phải trái với kẻ gây sự hoặc là đánh lại. Đâu là giải pháp toàn diện nhất?
Thật khó để lựa chọn, nhưng có một điều chắc chắn: phớt lờ như chưa có chuyện gì xảy ra không phải là cách giải quyết tốt nhất.
Theo các chuyên viên tư vấn tâm lý, tùy tâm sinh lý lứa tuổi và giới tính của con, các bậc phụ huynh cần áp dụng những phương pháp giáo dục thích hợp. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là dạy các bé tránh xa những trò bạo hành (về thân thể lẫn tinh thần).
Khi bị bạn trêu chọc, cách phản ứng hiệu quả nhất là giữ im lặng và báo cáo với thầy cô hoặc bố mẹ để xử lý.
Đừng tranh cãi đôi co để dẫn đến những phản ứng mạnh như đánh nhau. Với trường hợp bạo hành về thân thể, bạn không nên cổ vũ con trẻ phản ứng lại theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Giải pháp này hoàn toàn không ổn. Khi đánh nhau, ít nhất một trong hai bé sẽ bị “u đầu mẻ trán”.
Nếu đánh nhau ở trường, trẻ sẽ vi phạm nội quy. Vì thế, dù tự vệ, các bé cũng không được thầy cô châm chước giảm tội. Thay vào đó, bạn hãy hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn tuổi như bố mẹ, thầy cô hoặc từ sự ủng hộ của số đông bạn bè.
Ngăn chặn nạn “đầu gấu” từ xa
Biện pháp tốt nhất để giúp trẻ tránh xa nạn bắt nạt là phòng ngừa từ sớm. Đừng để đến khi con bị bạo hành bố mẹ mới tìm cách giải quyết. Nếu con bạn luôn là đối tượng của các trò gấu ó, chứng tỏ bé rất nhút nhát. Hãy nhanh chóng giúp bé trở nên tự tin, hoà đồng hơn ở trường.
Những trẻ có nhiều bạn ít có nguy cơ bị “tấn công”. Hãy khuyến khích con bạn gần gũi hơn với các bạn cũng là nạn nhân của những trò bắt nạt. Khi một bạn bị gây hấn, cả nhóm nên cùng nhau hợp sức chống lại kẻ đầu têu.
Bình luận (0)