Vượt qua 400 thí sinh dự thi với gần 600 tác phẩm, hai chàng trai Đỗ Đức Thắng (Q.11- TPHCM) và Đào Quang Trung (Q.1- TPHCM) đã giành được 2 giải cao nhất cuộc thi Thiết kế nhẫn cưới kim cương Kita lần thứ nhất năm 2005.
Tìm ý trung nhân
Đào Quang Trung, người đoạt giải nhất cuộc thi, là chàng thợ bạc chuyên nghiệp. Nghề của anh được gia đình truyền cho từ năm 14 tuổi. Nay anh Trung đã có 21 năm gắn bó với nghề, có xưởng sản xuất nữ trang riêng ở quận 8. Anh Trung nói lý do anh tìm đến cuộc thi: “Muốn thử thách chính bản thân mình, xem sáng kiến có phù hợp với thị trường, có được các nhà chuyên môn nhìn nhận không”. Tác phẩâm dự thi của Trung là một cặp nhẫn được thiết kế rất đơn giản, mang phong cách Á Đông có tên “Thuyền và biển”. Ý nghĩa của cặp nhẫn muốn thể hiện: Tình yêu là bước khởi đầu của hôn nhân, cuộc sống vợ chồng phải vượt qua nhiều sóng gió, gian khổ mà “chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông dường nào; chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu”. Sáng tạo mẫu mã này, Trung cũng muốn gởi gắm tình cảm của mình: Tìm được một ý trung nhân hiểu và thương yêu, gắn bó với mình như thuyền với biển. Từng chiếc nhẫn có đính kim cương tấm nên giá thành trên 5 triệu đồng/chiếc. Còn nhẫn trơn thì chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/ chiếc.
![]() |
Tác phẩm "Thuyền và biển" (giải nhất) của Đào Quang Trung |
Nói về nhẫn cưới trong nước, Trung nhận xét: Nhẫn cưới của VN còn đơn điệu, chỉ là chiếc nhẫn trơn bằng vàng. Vài năm gần đây, nhờ giao lưu kinh tế mà nhiều kiểu nhẫn mới bằng vàng trắng với mẫu mã phong phú được du nhập từ nước ngoài vào, tạo một sức sống mới cho thị trường nữ trang VN . Tuy nhiên, những mẫu mã này không phù hợp lắm với bàn tay thon nhỏ của người VN. Yêu cầu của nhẫn cưới phải thanh mảnh, không gồ ghề, không vướng víu vì đây là chiếc nhẫn mà vợ chồng phải đeo suốt trên tay. Giá thành của nhẫn cưới chỉ dao động trên dưới 1 triệu đồng. Muốn sang hơn nữa thì đính thêm vài hạt kim cương vào, giá trị chiếc nhẫn sẽ tăng gấp bội.
Sau cuộc thi này, Thắng và Trung dự định sẽ tham gia vào Hiệp hội Nữ trang VN để có nhiều cơ hội giới thiệu nữ trang ra thị trường thế giới, khẳng định được khả năng sáng tạo của người thợ bạc VN.
Thông điệp tình yêu qua nhẫn cưới
Với nụ cười thật tươi, Đỗ Đức Thắng tự giới thiệu anh là giáo viên dạy tin học tại Trung tâm Tin học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Anh biết nghề thiết kế nữ trang từ hồi còn nhỏ do có cơ hội “làm quen” một thời gian ngắn nhưng không có đủ điều kiện để hành nghề sau này. “Với tôi, nghề này rất thú vị chứ không khô khan như mọi người lầm tưởng. Bởi ngoài đôi tay khéo léo, người thợ phải có tâm hồn nghệ sĩ khi sáng tạo ra một tác phẩm”.
![]() |
Tác phẩm "Chỉ có tình yêu" (giải nhì) của Đỗ Đức Thắng |
Và chàng nghệ sĩ Thắng đã bị cuốn hút khi tình cờ đọc báo và biết chủ đề cuộc thi thiết kế nhẫn cưới xoay quanh việc ngợi ca tình yêu, sự thủy chung trong đời sống lứa đôi. “Đó là niềm mong ước của tất cả những đôi lứa yêu nhau, bất luận thời gian”- Thắng nói. Trong đầu anh liên tưởng đến kỷ niệm ngày cưới sắp đến của mình, 20-11. “Tôi muốn tặng vợ mình một món quà thật đặc biệt, ý nghĩa, vĩnh cửu nhưng không quá đắt tiền!”. Anh cứ loay hoay trong suy nghĩ: Món quà nào rồi cũng hư, cũng cũ, chỉ có nhẫn cưới là mãi mãi trường tồn. Thế là anh quyết định dự thi. Anh Thắng gởi đến Ban Giám khảo 3 “sáng tác” mang tên “Chỉ có tình yêu”, “Forever”, “Vì đó là em”. Và cuối cùng tác phẩm “Chỉ có tình yêu” đoạt giải nhì với phần thưởng là 6 triệu đồng và một cúp pha lê.
“Cặp nhẫn của tôi thiết kế đơn giản, chỉ có những đường hoa văn lượn sóng, quấn vào nhau mang ý nghĩa cuộc sống muôn màu muôn vẻ, cặp vợ chồng nào cũng phải tựa vào nhau, khắng khít thủy chung để vượt qua những gian nan thử thách của cuộc đời”- anh Thắng cho biết cặp nhẫn chỉ trị giá khoảng 2 triệu đồng, đúng bằng một tháng lương của anh! Nhưng chắc chắn vợ anh nhận được món quà này sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, nhất là khi cô ấy hiểu đuợc tấm lòng và những thông điệp mà anh nhắn gởi.
Bình luận (0)