Loại hình này vừa mang tính lễ hội vừa mang tính nghệ thuật với những ngẫu hứng sáng tạo, vừa mang tính giải trí giao lưu và là một môn thể thao dưỡng sinh.
Có nhiều lý do khiến khiêu vũ thu hút được nhiều thành phần tham gia, làm cho các sàn tập, các câu lạc bộ luôn chật kín người... Đám choai choai coi đây là sân chơi và cơ hội tốt để giao lưu, tìm kiếm đối tượng. Giới trí thức khiêuvũ nhằm hạ nhiệt sau một ngày làm việc căng thẳng. Ông già, bà lão dìu nhau ra sàn nhảy như một môn thể dục bổ ích để yêu đời, yêu cuộc sống hơn.
“Thế giới này nếu chỉ có đàn ông hoặc đàn bà thì không thể nào có được bộ môn khiêu vũ” - một chuyên gia trong lĩnh vực này đã từng nhận xét như vậy. Trong tiếng nhạc dập dìu, ánh mắt ngưỡng mộ, nụ cười ấm áp của bạn nhảy... và những va chạm của người khác giới đủ để làm nên bầu không khí lãng mạn. Trên sàn nhảy, mọi lo lắng và ưu phiền của cuộc sống thường nhật dường như tạm lắng xuống.
Một bạn trẻ tên H.N, 16 tuổi, học viên lớp khiêu vũ ở Trung tâm Thể thao quận 1 cứ dặn đi dặn lại chúng tôi phải giấu tên vì sợ phụ huynh phát hiện ra em đang đi học... nhảy. H.N giải thích, má em cấm vì một lý do đơn giản “nhảy qua... lắc mấy hồi”. H.N học khiêu vũ đã được bốn tháng. Em cho biết, em vốn rất nhút nhát, đi đâu cũng chỉ câm như... hến. Mỗi lần thầy giáo khảo bài, dù thuộc làu làu nhưng em vẫn quýnh không trả lời được thành ra phải chịu điểm thấp. H.N được bạn bè mách nhỏ, thế là sau bao ngày đắn đo em quyết định theo lớp. “Lúc đầu, thầy hướng dẫn thế nào em cũng không bước được, vì ngượng. Nhưng rồi nhạc nổi lên dập dìu và không khí thân thiện giúp em quên đi mọi sự ngại ngùng...
X.L và T.N là đôi bạn nhảy rất ăn ý ở CLB khiêu vũ Hướng Dương (Cung Văn hóa Lao động). Trong lúc nghỉ giải lao, X.L bật mí rằng họ là người yêu của nhau. Cô học môn này đã gần ba năm. Lúc đầu, X. L năn nỉ T.N theo học cho vui nhưng anh ấy nhất quyết từ chối. Năm ngoái, lớp X.L tổ chức gặp mặt bạn bè cũ, cô dẫn người yêu theo để “trình làng”. Hôm ấy tiết mục văn nghệ rất xôm nhưng T.N có vẻ hơi buồn. Và hôm sau, đưa người yêu đi học, T.N nhờ hướng dẫn vài điệu để nhảy cho vui. Sau này, khi đã trở thành một vũ công điệu nghệ, T.N mới “bật mí”: Hôm bạn bè lớp cũ khiêu vũ, nhìn cậu lớp trưởng ôm lấy X.L theo điệu nhạc tình tứ, T.N thấy hơi bị nóng mặt. Thế là T.N quyết định đi học khiêu vũ đề phòng khi kẹt. Bây giờ chính anh cũng không ngờ mình lại nghiền nó... Và tình cảm của hai người càng thi vị hơn.
Liều thuốc hạnh phúc
Trong cuộc sống, có những quy định bất thành văn nhưng ai cũng phải dè chừng. Ví như, ai đó đến rạp chiếu bóng, công viên... mà đi một mình thì bị xem “có vấn đề”. Nhưng bạn thử đi khiêu vũ một mình xem sao! Chắc chắn bạn sẽ luôn được săn đón. Chính vì lẽ đó, những ai có tâm sự buồn luôn coi khiêu vũ như một giải pháp giải sầu hiệu quả.
Như trường hợp của M.V, sinh viên năm 2, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. M.V là dân tỉnh lẻ, lúc nào cũng nhớ như in lời má dặn lúc tiễn chân cô: “Thành phố nhiều cạm bẫy khó lường, ráng giữ thân nghe con”. Trong mọi mối quan hệ, M.V luôn giữ khoảng cách. Ngày thường việc đến giảng đường, thư viện và dạy thêm đã chiếm trọn thời gian. Nhưng vào chủ nhật cô lại thấy sợ vì ngày dài và buồn khủng khiếp. Cũng có vài chàng trai theo đuổi nhưng M.V không đủ can đảm và tự tin để đón nhận. Cuối cùng cô theo đám bạn tôn thờ chủ nghĩa “phòng không” đi học khiêu vũ nhằm giết thời gian và quên đi nỗi cô đơn.
Chị T. Th, ở quận Bình Thạnh, đến TTVH học khiêu vũ lại vì một lý do khác. Chồng chị là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có tiếng ở TP. Để chồng yên tâm công tác, chị thôi việc lui về quán xuyến chuyện con cái gia đình. Dạy dỗ con ngoan, lại khéo ăn nói nên không khí gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nhưng rồi điều không ngờ lại xảy ra trong ngôi nhà hạnh phúc kia. Cách đây một năm, chị phát hiện ra ông xã có bồ nhí! Chị suy sụp hoàn toàn. Suốt chuỗi ngày dài, chị sống trong tâm trạng hụt hẫng và mất ngủ triền miên. Chia tay để giải thoát ư? Nhìn hai đứa con vô tư đùa giỡn với bố, chị không đủ can đảm ký vào đơn. Cuối cùng chị tìm đến trung tâm tư vấn. Sau khi gặp gỡ chuyện trò với kẻ tình địch, chị dành nhiều thời gian chăm chút mình hơn. Chiều chiều, chị trang điểm kỹ, chọn bộ cánh hợp thời... rồi đi học khiêu vũ. Lúc đầu, chồng chị rất ngạc nhiên nhưng sau vài lần đi làm về không được vợ rót nước, cởi áo khoác... mâm cơm do người giúp việc dọn ra, chống đũa ngồi một mình, anh hiểu thế nào là sự chờ đợi ! Anh đến TTVH đón vợ. Trong tiếng nhạc dìu dặt, người phụ nữ với nhịp bước còn vụng về nhưng được ánh mắt của người đàn ông khác cổ vũ là vợ anh đó ư? Phải kiềm chế lắm anh mới không nổi dóa lên. Sau bản nhạc, chị cười thật tươi cảm ơn người bạn nhảy. Nụ cười ấy làm anh ghen! Lâu lắm rồi, cái thằng đàn ông luôn ngạo nghễ vì chiến thắng và luôn nhận được những ánh mắt tình tứ của người khác phái ngưỡng mộ bị tổn thương... Bây giờ, bão dông đã đi qua ngôi nhà của họ. Chị T.Th đã kéo được chồng trở về. Và như để chuộc lại lỗi lầm với vợ, những ngày đi làm anh đều thu xếp công việc để về nhà sớm và cùng chị đi khiêu vũ lúc rảnh rỗi.
Khiêu vũ là một loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp mọi người có cơ hội soi lại mình trong cách ăn mặc, trang điểm, giao tiếp. Nhiều người đã xem đây là sân chơi bổ ích để hâm nóng tình bạn, tình yêu và quẳng bớt đi những ưu phiền trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng lắm kẻ coi sàn khiêu vũ là nơi thuận lợi để mồi chài cho những cuộc “bay đêm”. Nhiều người thích ăn vụng thì xem đây là nơi có thể công khai ôm ấp nhân tình trong tay... mà khi bị vợ hoặc chồng phát hiện ra thì chạy tội bằng cách đổ thừa cho... khiêu vũ!
Bình luận (0)