Chọn thời trang thiết kế
Một lần cùng chị bạn đồng nghiệp đi sắm đồ ở Zen Plaza, Vân Anh “kết” luôn những bộ trang phục của các nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng được trưng bán ở đây. Và từ đó, cứ mỗi lần nhận lương, Vân Anh lại đến đây để chọn lựa những bộ đồ ưng ý. Với vóc dáng hơi đậm và công việc đòi hỏi luôn phải kín đáo, lịch sự, những chiếc áo bằng chất liệu ren, mềm và nữ tính kết hợp với quần vải thô, hơi rộng của NTK Vũ Thu Giang được Vân Anh coi là hợp “gu” với mình.
Theo Vân Anh, chơi hàng thiết kế dù giá khá cao nhưng yên tâm vì là hàng “độc”, khỏi lo đụng hàng. Hơn nữa, kích cỡ cũng dễ vừa hơn là hàng nhập ngoại vì các NTK dựa trên số đo của người Việt. Zen Plaza- nơi hội tụ các thiết kế ứng dụng của những nhà tạo mẫu nổi tiếng trong nước như Nhật Huy, Hậu Nguyên Hàng, Vũ Thu Giang, Kiều Việt Liên... là địa điểm săn hàng thiết kế tiện lợi của nhiều bạn trẻ. Các dãy quần áo đủ kiểu dáng, lứa tuổi để khách hàng chọn lựa. Điều hấp dẫn của thời trang thiết kế là mỗi chất liệu và kiểu dáng chỉ có một chiếc cho một kích cỡ. Thích phong cách nhẹ nhàng, nữ tính thì có thể mua những chiếc áo kiểu chất liệu voan của Vũ Thu Giang có giá khoảng 230.000 đồng - 270.000 đồng/chiếc. Nhà tạo mẫu Hậu Nguyên Hàng lại có những thiết kế vest cho giới nữ khá lịch sự, trẻ trung với giá từ 300.000 đồng – 330.000 đồng/chiếc. Sơ mi nam - nữ với những chi tiết hoa văn độc đáo, cá tính của NTK Trọng Nguyên khoảng 200.000 đồng – 250.000 đồng/chiếc...
Nhà may lên ngôi, đồ xi được giá
Nghĩ ra một vài kiểu trang phục riêng rồi đến các nhà may yêu cầu thực hiện là một trong những cách để giới trẻ tạo ra những bộ cánh mang phong cách riêng cho mình. Hạnh Nguyên, nhân viên kiểm toán, thường xuyên đi sưu tầm vải rồi đến nhà may Scarlet trên đường Trần Quốc Toản, Q.3 - TPHCM để “lên” trang phục theo sự hình dung của mình. Ngoài ra, đôi lúc nhìn đâu đó trên các tạp chí, catalogue kiểu nào ưng ý là cô gom lại rồi cải biến một chút là có được một bộ đồ riêng với tiền công 60.000 đồng/quần và 70.000 đồng/áo. Không chỉ phái nữ, nam giới cũng ngày càng cầu kỳ hơn trong chuyện mặc. Không bằng lòng với những chiếc sơ mi may sẵn, đơn điệu, các quý ông chịu khó đi tìm vải và đến các tiệm may. Nhà may Tài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là nơi Nam Dũng thường xuyên đến may áo quần. “Đồ đi may bao giờ cũng vừa vặn, đôi khi mua được những tấm vải lạ lên áo không ai có” - Dũng nói.
Ngân Hà, nhân viên trung tâm tiếng Anh Hội Việt - Mỹ, lại thường diện những bộ trang phục khá đẹp, lạ mắt và hơi “bụi bặm” một chút rất hợp với cá tính của cô. Hỏi mua ở đâu, Ngân Hà không giấu giếm, đó là đồ xi (hay còn gọi là đồ si-đa). Hàng xi đáp ứng được tiêu chí rẻ và độc nên được giới trẻ ưa chuộng. Đồ si-đa đổ đống ở chợ Bà Chiểu rất rẻ, chỉ với 5.000 đồng - 20.000 đồng là có được một chiếc “không giống ai”. Đồ si-đa “cao cấp” hơn thì ở đường Trương Định, Hồ Xuân Hương... khoảng 40.000 đồng - 60.000 đồng/chiếc tha hồ chọn lựa. Theo một chủ bán hàng xi ở đường Hồ Xuân Hương, khách hàng của chị còn có giới nghệ sĩ, người mẫu và không ít người khá giả, có thể bỏ vài trăm ngàn để có được một chiếc áo cũ “không đụng hàng” mà không hề mặc cả.
Xa dần thiết kế truyền thống
Theo chị Bảo Ngọc, chủ tiệm may Scarlet, khách hàng đến với chị đều chọn những kiểu dáng in trên các tạp chí hoặc catalogue nước ngoài... Muốn là “bản sao” nhưng nhiều bạn trẻ không biết những bộ trang phục đó có tiện dụng và phù hợp với số đo, văn hóa của người Việt hay không. Không ít những bạn trẻ vô tư “khoe” những bộ trang phục ngắn, mỏng quá mức khiến nhiều người đi đường phải quay mặt. Rồi một thời ở đâu cũng có thể bắt gặp các cô cậu “hip hop”. Một số bạn trẻ còn gây sốc bởi những dòng chữ nước ngoài nực cười, phản cảm trên lưng, ngực áo...
NTK Việt Hùng cho biết, khách hàng trẻ đến với anh hầu hết chỉ chăm chăm chạy theo mốt này mốt kia. Một số thì yêu cầu anh may những bộ đồ y chang thần tượng của họ trong các bộ phim Hàn Quốc, Hồng Kông... “Tôi thường xuyên có những lời khuyên để họ nhận ra được điều không phù hợp trong một thiết kế mà họ muốn bắt chước từ các trào lưu nước ngoài hoặc từ các ngôi sao” - NTK Việt Hùng nói. Để tư vấn và định hướng cho khách hàng trẻ, NTK Việt Hùng cho biết anh luôn phải hỏi họ những thông tin cần thiết như nghề nghiệp, sở thích và các thói quen trang điểm để từ đó cho ra đời những thiết kế phù hợp. “Tôi vẫn thường gợi ý để các khách hàng trẻ đi theo những thiết kế mang dáng vẻ truyền thống của Việt Nam, nhưng thật tiếc, số chấp nhận “về nguồn” chỉ chiếm 5% - 7%” - NTK Việt Hùng nói.
“Xã hội càng văn minh thì càng cần đến thời trang và văn hóa mặc. Chúng ta phải biết chấp nhận những xu hướng thời trang thâm nhập từ nước ngoài và xem đó là một yếu tố tất yếu. Tuy nhiên, giới trẻ cần phải bình tĩnh, có trí tuệ và văn hóa để chọn lựa. Một người hiểu được chính mình sẽ biết cách tạo cho mình lối ăn mặc phù hợp”. (Nhà thiết kế Minh Hạnh, Giám đốc Viện mẫu thời trang Fadin) |
Bình luận (0)