Khi đồng tiền chân chính đến được tay người lao động thì trong đó đã hòa lẫn những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình. Còn nếu đó là những đồng tiền dễ dàng kiếm được từ việc “ăn trên ngồi trốc”, từ những “phi vụ đen” hay những món “lại quả” béo bở... thì người có chúng cũng dễ dãi trong cách tiêu xài, dẫn tới phóng túng bạt mạng.
Học cách tiêu tiền cũng chính là học cách làm chủ mình trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi ngày nay. Nhưng học bằng cách nào? Học ngay từ nhỏ, học ngay từ khi cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời. Lúc này rất cần sự gương mẫu của những người xung quanh, nhất là ở người làm cha, làm mẹ. Sự nuông chiều quá mức, hoặc sự nghiêm khắc thái quá trong việc dạy con ứng xử với đồng tiền đều không có lợi. Điều cần nhất lúc này với trẻ là dạy cho chúng dần biết giá trị của sức lao động thông qua những đồng tiền kiếm được. Chỉ khi biết giá trị của sức lao động, chúng mới hiểu giá trị của đồng tiền mà bố mẹ chúng làm ra. Hãy tập cho trẻ tính tiết kiệm, sự hăng say lao động thông qua những việc làm như “kế hoạch nhỏ”... Còn khi lớn? Khi lớn, chúng ta nên học cách kiềm chế trước những cám dỗ của cuộc sống. Nói cách khác là phải sống có bản lĩnh trước sức hút của đồng tiền. Hãy biết trân trọng sức lao động của chính mình.
Chỉ khi nào xác định cho mình những mục tiêu đúng đắn trong cuộc sống, chúng ta mới đủ ý thức và bản lĩnh để có thể làm chủ đồng tiền. Làm ra đồng tiền là để đồng tiền trở thành phương tiện phục vụ cho cuộc sống (vật chất, tinh thần) chúng ta chứ không phải ngược lại!
Ý thức sử dụng tiền Có lẽ không ai lại không cần tiền. Nhưng ít ai chịu nghĩ: Tiền chỉ là phương tiện để cho ta có thể trao đổi (thỏa mãn) nhu cầu vật chất và tinh thần. Điều quan trọng là mình phải làm chủ bản thân mình, phải biết giữ mình, đừng chạy theo, đừng đua đòi - đánh mất mình. Phải biết khả năng có tiền của mình đến mức nào và tự bằng lòng với mức mình có được để thỏa mãn nhu cầu với chính khả năng của mình. Nên có ý thức sử dụng tiền, biết cân đối hài hòa cuộc sống. Không có tiền thì sẽ rất khó khăn trong cuộc sống. Nhưng không vì thế mà bị lệ thuộc vào đồng tiền. Vì sao có “Vòng xoáy đồng tiền?”. Tôi nghĩ, có lẽ vì đô thị hóa, hội nhập, cơ chế thị trường v.v... nên chúng ta dễ bị hòa tan, mà sức đề kháng ở mỗi người không ai giống ai. Ta thử nhìn và nghĩ lại quá khứ, thử so sánh cuộc sống, không khí hằng ngày ở nông thôn và thành thị? Từ đó, mà mỗi người chúng ta sống đừng nặng nề về tiền bạc. Vì đồng tiền không phải mua được tất cả mọi thứ. Trần Xuân Điền (Q.Tân Bình - TPHCM) |
Bình luận (0)