xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học kỹ năng từ chuyện kể

Đặng Quý Yên

Bài học ẩn dụ phía sau những câu chuyện kể đã khiến những người trẻ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ đó, từng bài học về kỹ năng sống cũng được rút ra, truyền cho nhau

Sáng 8-11, hơn 1.000 sinh viên của các trường ĐH trên địa bàn TP Cần Thơ đã có mặt tại hội trường lớn Trường ĐH Cần Thơ để tham dự buổi nói chuyện chuyên đề Bạn trẻ và Kỹ năng sống do Báo Người Lao Động, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) và Trường ĐH Cần Thơ phối hợp tổ chức. Gần một nửa thời lượng chương trình, khán giả chỉ nghe kể chuyện. Từ chuyện cổ tích đến chuyện người thật việc thật.

Trăn trở của người thầy

Ngay từ khi mở đầu chương trình giao lưu, thay cho bài phát biểu, tiến sĩ Lê Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, đã gởi đến những người tham dự một câu chuyện có thật, kể về sinh viên Cần Thơ mỗi lần trông thấy khách nước ngoài là... bỏ chạy. “Điều này khác hoàn toàn với sinh viên TPHCM hay các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cứ thấy khách nước ngoài là họ sẵn sàng tranh thủ giao lưu. Đó là cơ hội để tiếp xúc, trau dồi ngoại ngữ mà các bạn từ chối”- tiến sĩ Hùng chia sẻ. Nỗi ấm ức của người làm công tác giáo dục xuất phát từ việc nhận thấy tính nhút nhát của sinh viên Cần Thơ nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, khiến những bạn trẻ tham dự chương trình không khỏi suy tư.

Tựa như phát pháo thần kỳ, câu chuyện của vị phó hiệu trưởng nhiều tâm huyết đã khiến không khí hội trường rộn ràng hẳn lên so với những phút đầu tiên. Không còn e ngại, mỗi khi được mời tham gia các trò chơi hay trắc nghiệm tâm lý, số người tình nguyện tham gia luôn vượt quá hơn phân nửa. Linh động điều phối để các bạn có nhu cầu đều có thể tham gia, Biện Chương Dương, hoạt náo viên của chương trình, phấn khởi: “Không ngờ sinh viên Cần Thơ khi bị thầy cô khích tướng, lại trở nên nhiệt tình như vậy”.

Mỗi câu chuyện, một gợi mở

Sự nhiệt tình của sinh viên còn góp phần đốt nóng cả nhiệt tình của diễn giả Huỳnh Văn Sơn. Anh say sưa mang đến cho người nghe câu chuyện sự quyết định của thượng đế về tuổi đời của con người, chuyện chiếc bình gốm bị vỡ, chuyện chiếc khăn làm quà của cô con dâu dành cho bà và mẹ chồng... Mỗi câu chuyện là một gợi mở cho những kỹ năng cần phải có. Huỳnh Phú Quang, sinh viên khoa quản trị văn phòng Trường CĐ Cần Thơ, gật gù: “Qua những câu chuyện này, tôi khám phá thêm được khá nhiều điều ở bản thân mình”.

Tuy nhiên, Quang cũng rất thật thà: “Nhiều chuyện kể, nhiều kỹ năng được diễn giả truyền đạt quá khiến tôi lĩnh hội không kịp”. Đúng là, so với cả khóa đào tạo kéo dài trong gần 6 tháng, một buổi trò chuyện chuyên đề khó thể nào truyền tải được hết các nội dung của kỹ năng sống. Những người làm chương trình chỉ còn biết cố gắng “chiến đấu” với thời gian để truyền đi nhiều nhất có thể các kiến thức cực kỳ cần thiết này. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Mỗi lần đến với các bạn là mỗi lần tôi được chia sẻ và nhận ra hình ảnh của mình nhiều năm về trước. Lúc đó, tôi đã rất cần kỹ năng sống, rất cần kỹ năng làm việc và rất cần kinh nghiệm”.

Gần cuối giờ, Minh Thùy, sinh viên khoa kinh tế Trường ĐH Cần Thơ, không giấu được sự phấn khích: “Giao lưu như vậy mới là giao lưu chứ!”. Trò chuyện với cô sinh viên năm II này, không khỏi bất ngờ vì sự chững chạc của cô. Thùy triết lý: “Cuộc sống bây giờ khó khăn hơn, xô bồ hơn. Muốn tồn tại, phải bon chen. Nhưng với những kỹ năng hôm nay tôi học được, có lẽ việc... bon chen cũng dễ dàng hơn nhiều”. Cái triết lý có phần tự nhiên của cô sinh viên ấy để lại cho chúng tôi nhiều trăn trở. Đúng là, cuộc sống, quá trình hội nhập sâu với thế giới đang đặt ra nhiều thách thức với những người trẻ. Họ có cơ hội nhiều hơn nhưng cũng đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn. Với thực tế này, rõ ràng ngoài khiến thức nền, những kỹ năng sống mới là yếu tố quyết định để họ có thể vượt lên phía trước.

Ông Takashi Fujii - Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam:

Hẹn trở lại đất Tây Đô

Cần Thơ là một trung tâm đào tạo trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu tổ chức sao cho thật sự phù hợp với thực tiễn ngày nay để các bạn trẻ cảm thấy gần gũi, hứng thú... Mặc dù sinh viên đến tham dự hôm nay đang theo học những chuyên ngành khác nhau, nhưng qua sự nhiệt tình của các bạn khi tham dự những bài trắc nghiệm tâm lý, tôi có thể cảm nhận rằng mỗi người trong các bạn đều đã tìm thấy cho mình những điều thật sự bổ ích và thiết thực trong việc định hướng và phát triển bản thân. Chúng tôi sẽ trở lại để tiếp tục mang đến cho các bạn những chương trình hữu ích như thế.

Tiến sĩ Lê Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:

Chương trình thực sự hữu ích

Nhà trường vừa thay đổi cách giảng dạy truyền thống sang đào tạo tín chỉ. Cách dạy này còn quá mới so với sinh viên tỉnh nên phần lớn sinh viên tỏ ra bỡ ngỡ, đôi lúc vẫn giữ thói học vẹt, đọc chép... Khái niệm và cách thực hành kỹ năng hoạch định cuộc đời; làm chủ thời gian cũng như kỹ năng ứng xử... mà chương trình đã mang đến cho sinh viên chúng tôi thật sự là điều mà nhà trường đang mong mỏi. Rèn luyện được những kỹ năng ấy, các bạn sinh viên sẽ thoát khỏi tình trạng lúng túng hiện nay. Ban giám hiệu nhà trường trân trọng cám ơn Báo Người Lao Động, Dai-ichi Life Việt Nam đã mang đến một chương trình thực sự hữu ích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo