Có người quan niệm kết hôn là mất tự do, nên rủ chú rể đi nhậu một bữa xả láng trước ngày hôn lễ, để chia tay với ngày tự do cuối cùng. Thậm chí họ còn gọi tấm giấy đăng ký kết hôn là bản án tù chung thân! Thế nhưng, có phải ai lập gia đình rồi cũng đều mất tự do không? Điều đó còn tùy cách sống, hoàn cảnh sống của chính những người trong cuộc.
Hôn nhân như tù khổ sai.- Lúc chưa kết hôn, anh Hùng cũng là một tay chơi có hạng. Sống chung với cha mẹ mà họ chẳng thể nào biết được anh ở đâu, làm gì, thu nhập ra sao? Đã thế, anh lúc nào cũng say xỉn, bồ bịch lung tung. Chán quá, cha mẹ anh mới bàn nhau cưới vợ cho con để “trói chân nó”, giống như một hình thức “cải tạo không giam giữ”. Từ ngày có vợ, cuộc đời anh Hùng đổi sang một trang mới. Anh bị quản thúc từ giờ giấc, miếng ăn giấc ngủ đến điện thoại, email... Được sự hậu thuẫn của bố mẹ chồng, chị Thanh, vợ anh, lúc nào cũng dò xét, tra hỏi, xộc vào bất cứ ngóc ngách nào riêng tư của anh, từ cuốn sổ ghi công việc, số điện thoại đến túi áo túi quần, cặp táp, hộc bàn... Thậm chí cả trong giấc mơ của chồng, chị cũng kêu dậy hỏi: “Thanh là ai, trai hay gái, tại sao khi mớ lại gọi tên Thanh?”. Đi làm về, anh muốn được nghỉ ngơi, thư giãn, nằm đọc sách báo, chị cũng không để cho yên. Lúc thì vặn vẹo bảo nhớ con nào mà tư lự lúc thì kêu phim Hàn Quốc hay lắm coi đi anh. Chị lúc nào cũng muốn đứng sau lưng người đàn ông thành đạt, là một nửa liền kề, là người hiểu tận chân tơ kẽ tóc nên khiến anh nghẹt thở chịu hết nổi. Anh đi đâu chị cũng theo sát, từ quán nhậu cho đến karaoke, lúc nào cũng tay trong tay như “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”. Sống với nhau có hai năm mà gặp ai anh cũng than thở: “Còn hơn tù khổ sai!”.
Tù chung thân.- Trường hợp của anh Trí, nhân viên công ty xây dựng, còn bi đát hơn. Nhất là sau khi anh xin cho vợ về làm cùng trong cơ quan thì kể như một ngày hai mươi bốn giờ anh chẳng có một giây nào cho riêng mình. Sáng sớm, chị cùng anh đi ăn sáng, cùng đi làm. Chiều về chung, cùng đón con, nấu cơm. Lương, thưởng và tất cả những khoản phụ cấp khác chị đều nắm rõ và thu giữ không sót một đồng. Bạn bè của anh, chị quen hầu hết nên anh chẳng thể nào kiếm cớ để đi lai rai. Vừa hết giờ làm việc là chị đã thấp thoáng trước cửa phòng anh, chờ anh chở về. Anh bảo chị đi xe riêng thì chị vặn vẹo bảo: “Hai vợ chồng cùng làm chung, đi chung cho đỡ tốn tiền xăng nhớt, hao mòn xe”. Tiền tiêu vặt chị chỉ cho anh vài ngàn bạc mỗi tháng vì chị bảo cần gì đã có chị chi, chị luôn kề vai sát cánh bên anh mà sợ gì. Có hôm, trong phòng cần đóng mỗi người hai chục ngàn để góp tiền đám ma. Anh mở ví chỉ có mười ngàn bạc đành phải bảo họ lên phòng chị lấy mà mặt thì đỏ gay vì mắc cỡ.
Vẫn có những khoảng trời riêng.- Nếu ai kết hôn cũng trở thành tù nhân thì chắc là không ai dám bước vào đường thương đau đày ải nhân gian này. Nhưng vẫn không ít cặp tuy lấy nhau rồi vẫn giữ được cho nhau khoảng trời riêng cho mỗi người. Trường hợp anh Bình và chị Châm là một điển hình tấm gương gia đình hạnh phúc. Anh là một kỹ sư công trường thường phải đi công tác vài ba tháng. Mối quan hệ làm ăn cũng khá phức tạp, nhiều khi cũng phải ngọt ngào với đối tác để có hợp đồng. Tuy nhiên, chị không hề ghen tuông, quản thúc. Phòng riêng của anh, chị chỉ vào dọn dẹp khi có yêu cầu. Thư từ nào mang tên riêng của anh, chị không bao giờ mở. Bạn bè của anh đến, chị chỉ chào hỏi xã giao rồi rút ra nhà sau để anh tự nhiên. Chị tôn trọng những giây phút riêng tư, những mối tình thời trẻ cũng như những quan hệ xã giao của chồng. Có hôm, cô bạn gái cũ của anh từ Mỹ về, rủ anh cùng cô đi thăm nhà cha mẹ ở tận ngoài Nha Trang. Anh bối rối không biết nên đi hay ở. Chị cũng thoáng buồn nhưng lại bảo: “Anh hãy đi đi, vì nếu không đi anh sẽ nhớ hoài về chị ấy với những kỷ niệm thời trẻ trung mà em của hiện tại không thể nào sánh được”. Quả thật sau chuyến đi ấy, anh đã nhận ra vợ mình vẫn là người thích hợp nhất và cô bạn gái ngày xưa chỉ khơi lại chút tro tàn rồi bay biến. Anh tự do, nhưng vẫn không phản bội. Đó là cái hay trong cách giữ chồng của chị.
Bình luận (0)