Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những người bạn TP HCM, mâu thuẫn trong cách dạy con là lý do dễ gây xung đột giữa vợ chồng. Và việc này cũng dễ hiểu do mỗi người có hoàn cảnh sống và được giáo dục theo cách khác nhau nên sẽ có quan điểm về cách dạy con khác nhau.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Cũng theo bà Trang, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vợ chồng trong cách giáo dục con cái là vì ai cũng nghĩ phương pháp của mình đúng. Trường hợp vợ chồng chị Lê - ngụ tại đường Âu Cơ, quận Tân Bình, TP HCM - là một ví dụ. Dạo gần đây, việc con trai thường xuyên bỏ học đã khiến không khí gia đình chị Lê khá nặng nề. Phát hiện con bỏ học, chồng chị mắng chửi không tiếc lời, thậm chí đánh con. Chị Lê thì bênh vực: “Con đang bước vào tuổi mới lớn, tâm sinh lý thay đổi nên mới vậy. Làm cha mà điều cơ bản đó cũng không biết thì làm sao dạy con”, khiến anh càng tự ái và những cuộc cãi vã nảy lửa giữa hai vợ chồng lại nổ ra.
Gia đình khá giả và có người giúp việc nhưng anh Phú - ngụ ở quận Phú Nhuận, TP HCM - vẫn luôn khuyến khích các con tham gia làm việc nhà để dạy con tính tự lập và quý trọng lao động. Tuy nhiên, vợ anh cho rằng việc đó là không cần thiết nên để các con tập trung học hành, vui chơi. Có lần, thấy cô con gái cắt rau bị đứt tay, chị nhằn anh cả ngày. Rồi khi thấy cậu con trai hì hục lau nhà cùng người giúp việc, chị đã mắng chồng. Phản bác cách dạy con của vợ, anh Phú lý luận: “Cứ đà này, các con quen được phục vụ rồi mai này lớn lên sẽ chẳng làm được trò trống gì”. Nghe vậy, nghĩ chồng ám chỉ mình, vốn là gái thành phố không thạo việc nhà, chị quay sang “chiến tranh lạnh” với chồng.
Hậu quả khôn lường
Bất đồng trong cách dạy con có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cách đây không lâu, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra vụ án mạng đau lòng chỉ vì không thống nhất trong cách dạy con. Bắt gặp con trai chơi game trên điện thoại di động, anh T. liền ném chiếc điện thoại ra sân và lấy roi đánh con. Chị N., vợ anh T., xót con nên lớn tiếng trách chồng. Trong cơn tức giận, anh T. đánh và đuổi chị N. ra khỏi nhà. Chị N. bèn chạy sang “lánh nạn” ở nhà cha mẹ chồng kế bên. Tưởng vợ đi tìm hung khí đánh lại mình, anh T. đuổi theo đánh tiếp. Lúc này, chị N. thấy con dao nhọn để trên bàn liền cầm lấy và thách thức: “Ông nhào vô là tôi đâm chết”. Nghĩ vợ không dám làm, anh T. lao vô thì bị chị N. đâm 2 nhát trí mạng vào vùng ngực và chết tại bệnh viện.
Không bi thảm như kết cục của chị N. và anh T. nhưng cuộc hôn nhân của vợ chồng anh Minh, chị Hà - ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM - đã tan theo mây khói bởi mâu thuẫn trong việc dạy con. Nếu như chị Hà yêu chiều con hết mực, luôn rộng lượng bỏ qua mọi lỗi lầm của con thì anh Minh nghiêm khắc đến mức độc đoán với con. Vì vậy, mỗi lần bàn tới vấn đề của con là anh chị lại hục hặc, đỉnh điểm là anh chị đã dắt nhau ra tòa khi biết tin cậu con trai duy nhất mắc bệnh trầm cảm và tự tử hụt khi đi du học tại Úc. “Thằng bé không muốn đi nhưng anh ấy quyết bắt con đi bằng được để bỏ tật “bám váy mẹ” và rèn tính tự lập. Chính anh ấy đã hại con mình” - chị Hà quả quyết. Còn anh Minh thì khẳng định tại chị Hà nuông chiều, bảo bọc con quá nên mới ra cơ sự.
Tôn trọng người bạn đời
Theo bà Lê Thị Thùy Trang, dù biết cách dạy con của vợ hoặc chồng sai, cũng không nên phản bác trước mặt con. Điều đó vừa làm đối phương mất mặt vừa phản tác dụng giáo dục với con cái khiến đứa trẻ mất phương hướng, không biết nghe theo ai, đôi khi chúng còn lợi dụng sự bất hòa của người lớn để đạt mục đích riêng, dẫn đến hình thành tính cách xấu ở trẻ. “Cùng chia sẻ, bàn luận với nhau, thống nhất cách ứng xử của mỗi người trong từng tình huống cụ thể là cách tốt nhất để vợ chồng giữ được hòa khí và nuôi dạy con thật tốt” - bà Trang khuyên.
Bình luận (0)