Câu khuyên răn của người xưa "Người vợ là cái toi giỏ" xem ra không còn đúng nữa. Ngày xưa, mơ ước đi du lịch quanh Hà Nội thôi cũng còn phải nghĩ ngợi chán. Giờ thì "chuyện nhỏ", ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Tp.HCM, chiều lại sang Hồng Kông ăn tối. Muốn thử thêm món sushi của Nhật à, "no vấn đề", tiền không quan trọng, quan trọng là bao nhiêu tiền thôi. Mà đô la kia, xếp đầy ngăn, mở tủ phải đứng lệch người kẻo bị đè gãy chân, lại không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm ra thì cớ gì mà không phung phí. Tội gì! Tuổi già xồng xộc như ma đuổi đằng sau lưng, mà đàn bà nó "có thì"…
Nếu đem so sánh thì cái sự vung tay của các bà, có lẽ dạng đàn em “chíp hôi” năm nào nhân dịp sinh nhật tặng cho bạn bè 9 cái A còng còn thua xa mấy bậc. Chồng càng giàu, các “quý bà” càng phung phí tiền bạc vào những trò tiêu khiển vốn là niềm đam mê của phụ nữ. Sáng bảnh mắt ra, họ rủ nhau đi cà phê Window, nhất định phải là Window, dù cà phê thì ở đâu cũng thế. Một cốc cà phê có đắt gấp chục lần cũng là chuyện của muỗi, cái chính là được khoe "hàng" mới thửa. Cái chính là để bộ váy "Cindy mới mặc có một lần" - (như lời quảng cáo của cô người mẫu mới mở shop hàng hiệu trên phố Huế quảng cáo, giá bèo lắm, đâu có 2 ngàn cộng mấy đô lẻ thôi mà) đáng được xuất hiện ở cái nơi tương xứng với nó. Kẻo mà, mấy cái hạt đá đính ở váy rơi ra thì "tội lắm ai ơi".
Nếu như đàn ông có tiền rủ nhau đi chơi bời, massage và những trò tương tự như thế thì đàn bà lại chỉ thích mua sắm quần áo, trang sức và làm đẹp có lẽ cũng xuất phát từ cái thói nhỏ nhen "nữ nhi thường tình", lúc nào cũng muốn mình phải hơn người khác chăng. Trong trò tiêu khiển bằng đồ hiệu thì V. là số một. Chị là vợ của một giám đốc điều hành người nước ngoài của một công ty có trụ sở tại Hà Nội. Mỗi lần vợ chồng có chuyện xích mích hoặc khi nào cần giải tỏa stress, V. đều lao vào các cửa hàng mà cả tháng may ra mới bán được vài cái áo.
Chị chỉ thích xài hàng của các hãng nổi tiếng Versace hoặc Gian Franco Ferre và không có lần nào mua mà trả tiền dưới 2 ngàn đô. Nhưng V. bảo, hàng hiệu ở Việt Nam bị hàng Tàu nhái nhiều lắm, muốn “xịn” hẳn phải nhờ mua ở nước ngoài. Có lần chị khoe với tôi, cái áo sơ mi mới mua 900 đô, cái quần đâu có hơn 5 "xanh", đôi giày da hươu kiểu dáng mới nhất cũng chưa đến 5 "vé". Chả trách mà vừa nói chuyện, V. vừa trông chừng thằng bé đánh giày, kẻo nó lại không biết giá trị thực, mang tuốt ra gần ga Hà Nội bán mấy chục ngàn thì toi công từ Ý mang về. Đấy là chưa kể bộ trang sức trị giá hàng ngàn đô và cái đồng hồ Rolex có giá đến 28 ngàn tiền Mỹ thì chị đúng là một khối tài sản di động. Trộm cướp nó không để mắt tới mới là sự lạ. Mỗi lần stress lại được ôm tiền đi xài như chị thì chắc nhiều người cũng muốn stress suốt đời thôi.
Lâu lâu mới gặp nhau, từ Sài Gòn bay ra, chị rủ tôi lên một khách sạn 4 sao ngủ cho… mát, dù nhà tôi cũng đã kịp lắp điều hòa trong đợt nóng hè qua. Tối, rủ chị đi ăn phở Hà Nội, chị lắc đầu: "Ngồi tầng 9, vừa ăn vừa ngắm Hà Nội sướng hơn". Khách sạn không có phở, chỉ có mì tôm, uống thêm chai nước suối, một ly kem, vài điếu thuốc, tôi choáng váng nhìn hóa đơn thanh toán hơn trăm ngàn đồng. Choáng hơn nữa là chị móc hết số tiền Việt ném cho anh bồi, nhờ đi mua mấy cái đĩa ca nhạc về xem cho đỡ buồn. Mà chỉ cách khách sạn có dăm bước chân, gói mì tôm chị phải trả đến mấy chục nghìn kia chỉ có giá hơn nghìn đồng. Thế cũng chưa là gì so với cốc nước hoa quả được uống trên tầng 33 của tòa nhà cao nhất Việt Nam. Nhóm của V hôm ấy có 5 người, tất tật đều phụ nữ. Thói thường, đàn bà hay giật mình và hay bù lu bù loa với những gì họ cho là sốc. Thế nhưng, 5 cốc nước nho ép với cái giá cao hơn cả trời, tận những gần 500 ngàn đồng xem ra chẳng làm giật mình được ai. Vậy đấy, dù rằng 500 ngàn có thể mua được gần chục ký nho loại ngon, 5 người ăn có họa tái cả môi cũng chưa chắc đã hết, nhưng được ngồi "trên ý", họ bảo sướng hơn, vì thấy mình như đang ngồi trên đầu thiên hạ. Kể ra, có được cảm giác ấy thì cũng sướng thật. Đời người ta, mấy ai dám mơ phút giây "mông mình ngang mặt nó" như cái anh chàng nhà quê lần đầu tiên được trèo lên xe A còng cơ chứ. Bỏ ra có vài trăm ngàn mà mua được cảm giác ấy thì cũng đáng lắm. Cái sự ăn bây giờ không đặt nặng nề như trước nữa nhưng lại quá cầu kỳ và tốn kém đối với những người như V. và các bạn của chị. Cua nào chả là cua, ốc nào chả là ốc, thế nhưng ăn hải sản thì cứ phải là "Phố Biển" cơ, cái nhà hàng trên phố Tràng Thi toàn đón khách đi ôtô ấy có thấy đám nhà V. thì cứ gọi là "thần tài gõ cửa". Có lần "tây tây", một cô bạn của V. hứng chí rút 500 ngàn ra "boa" cho một em bé chừng 2 tuổi, theo bố mẹ đi ăn đang lẫm chẫm gần đó, chỉ vì chị "thấy bé xinh quá".
Bình luận (0)