Khổ nhục kế là một trong những cách như thế của họ.
Cố đấm ăn xôi... .- Biết rõ ràng Tuấn chẳng tha thiết gì với mình như trước đây nữa nhưng Thu cứ mặc kệ. Cô vẫn mang tất cả đồ đạc đến phòng trọ của Tuấn ở liều. Để Thu cảm thấy bất tiện mà chuyển đi, nhiều đêm Tuấn ngủ luôn tại cơ quan rồi lại rủ thêm người bạn nữa đến ở cùng nhưng vẫn không thể “đuổi” được cô. Một tháng, hai tháng rồi nửa năm, nhìn cuộc sống của họ, những người mới chuyển đến khu trọ này cứ ngỡ đấy là vợ chồng. Tuấn 32 tuổi, bố mẹ đã già, mọi người giục anh lấy vợ khi ông bà còn có sức trông cháu. Lấy ai bây giờ? Thu đã án ngữ trước mặt như một thách thức “đố anh còn ý định với một ai khác” nữa. Không biết làm thế nào cho rảnh nợ, Tuấn đành phải cưới Thu “cho khỏi có tội”. Thế là Thu có chồng!
“Biết làm thế này chẳng hay gì nhưng chỉ như thế chị mới mong anh ấy nghĩ lại mà tính chuyện nghiêm túc với chị” - không giấu nổi nỗi ngượng ngùng, chị Trâm trút tiếng thở dài. Chuyện chị và anh Dũng yêu nhau, dân ký túc xá chúng tôi ngày trước ai cũng biết. Gọi là “yêu nhau” nghe cứ khiên cưỡng thế nào ấy bởi vì ngay từ hồi mới cưa cẩm có mấy khi chúng tôi thấy anh Dũng quan tâm tới chị đâu. Sinh nhật chị hay ngày lễ, ngày tết cũng vậy. Nhớ anh, muốn gặp anh thì chị lại phải đến nhà anh tìm. Khi chúng tôi góp ý chị nên nhìn nhận lại mối quan hệ này thì chị khăng khăng “tính anh ấy thế thôi chứ tình cảm sâu sắc lắm. Chị là người yêu anh ấy, chị biết”. Bẵng đi một thời gian dài, tưởng họ đã thành vợ thành chồng ai dè hôm nay gặp lại chị mới hay chuyện tình của chị vẫn giẫm chân tại chỗ. Bà mẹ của Dũng thương cho tình cảm chị phải “bơ vơ nhà trọ” bảo chị về ở cùng nhà và hứa sẽ cố gắng thuyết phục anh. Sau bảy, tám năm khổ sở với mối tình “không ra ngô cũng không ra khoai” - nhiều lúc chị cảm thấy như không đủ sức để theo đuổi nữa - giờ đã có thêm sự ủng hộ của “bà mẹ chồng” chị lại khấp khởi hy vọng. Hằng ngày, rời cơ quan chị lại về nhà anh, làm đủ mọi việc và luôn cố gắng là một “cô dâu” hiền thảo.
Ba bận đi chơi với nhau thì đến hai bận Tình phải chịu những trận “điên điên khùng khùng” của người yêu, bận thứ ba thì lại ăn tát. Nhiều khi hò hẹn với người yêu về mà tóc tai lại rối bù, mắt đỏ hoe, dù không nói gì nhưng ai cũng biết chuyện gì vừa xảy ra với cô. Mỗi lần mọi người khuyên nên sớm cắt đứt với người con trai đó thì cô lại khóc: “Anh ta muốn hành hạ thế nào cũng được miễn là cuối cùng chịu cưới mình. Bây giờ mình còn mối quan hệ nào nữa đâu. Bỏ anh ta thì lấy ai đây. Cả một thời xuân sắc mình dành hết cả cho tình yêu này rồi”. Đó là lý do khiến Tình “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận duy trì một mối quan hệ mà biết trước có “được lấy” thì cũng khó có được hạnh phúc khi mà người ta không coi mình ra gì nữa.
Xôi chẳng được.- Không phải ai cũng may mắn “lấy được chồng” khi đến “nằm vạ” như Thu. Phương kế này hình như không hiệu quả gì đối với Trâm dù chị đã tranh thủ được sự ủng hộ của bà mẹ và bạn bè của anh Dũng. Anh Dũng gần như không quan tâm đến sự có mặt của chị trong nhà mình. Chưa một lần chị được bước vào phòng riêng của anh, kể cả những lúc anh ốm. Nghĩ mình xử sự như thế thật quá đáng bởi vì chị đối xử với mẹ anh chẳng khác gì con gái, chị lại chẳng làm gì sai, Dũng không muốn lạnh nhạt nữa nhưng sợ nếu thế lại làm cho chị hy vọng... Bà mẹ anh sau bao lần thuyết phục anh nhưng không được, sợ chị mất cơ hội đi tìm hạnh phúc riêng chỉ vì con trai mình nên dù yêu quý chị thực lòng cũng đành nói bóng gió cho chị hiểu. Ngậm ngùi xách va li ra khỏi nhà anh, chị mang theo nỗi lòng nặng trĩu và một khối tai tiếng mà hẳn nếu người con trai nào biết cũng khó chấp nhận: “theo trai về nhà”, dù chị vẫn còn trong trắng. Với Tình, dù đã dám chịu tất cả sự thô bạo, hắt hủi nhưng cũng đành tuyệt vọng khi anh người yêu của cô sau buổi nói chuyện thẳng thắn, rõ ràng - anh xin cô tha lỗi vì cách xử sự không phải vừa qua của anh - đã cho cô biết anh vừa có quyết định vào Vũng Tàu công tác. Anh chưa có ý định lập gia đình, ít nhất trong vài năm tới. Còn Thu, dù đã lấy được chồng như ý nguyện nhưng từ sau ngày cưới cô luôn phải sống trong sự dằn vặt, khổ sở. Cô mang thường trực trong mình cảm giác bị bỏ rơi và coi thường. Tuấn từ lâu đã hết tình yêu với cô cho nên cô không thể đòi hỏi ở anh sự quan tâm mà bất cứ người vợ trẻ nào cũng hiển nhiên được chồng dành cho. Dù mới lấy nhau nhưng nhiều bữa cơm tối cô đành lặng lẽ ăn một mình vì anh ngủ lại cơ quan hoặc tận khuya anh mới về và lần nào cũng về trong tình trạng say bí tỉ.
Lấy chồng, lấy vợ xây dựng hạnh phúc gia đình là nhu cầu chính đáng không của riêng ai. Nhu cầu đó càng mãnh liệt hơn ở người con gái khi đến tuổi. Nhưng thật đáng tiếc cho những người con gái đã không tỉnh táo, sáng suốt khi xác định đối tượng hay mù quáng cố níu kéo một mối tình đã chết, khi nhận ra sự bế tắc thì thời xuân sắc cùng những cơ hội xây dựng hạnh phúc đã qua mất. Để rồi chấp nhận hy sinh cả sự kiêu hãnh của một người con gái - sử dụng đến hình thức: khổ nhục kế - như những cô gái nói trên - nhưng cuối cùng vẫn đành bất lực, nhận về mình sự thiệt thòi.
Bình luận (0)