Cầm trong tay số tiền ít ỏi chồng đưa hồi sáng, mắt chị Phương bỗng nhòe đi. Giấu nỗi buồn trong lòng, chị cố ngăn dòng nước mắt chực trào ra. Đã 10 năm chung sống với nhau, lúc nào chị cũng canh cánh một nỗi niềm: ôi chồng keo kiệt!
“Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”
Hồi mới tìm hiểu nhau, chị Phương ở quận 12 - TPHCM nhớ lại, lúc ấy chị cũng đã mường tượng được cảnh sống với một nửa kia, chị sẽ phải hy sinh một ít sở thích cá nhân, những quan hệ xã giao bình thường. Trong những lần đi chơi, đi ăn ở tiệm, bao giờ chị cũng giành quyền trả tiền mà tuyệt nhiên không thấy một sự phản ứng nào từ phía người yêu. Nhưng vì quá tin vào những lời hoa mỹ, họ đã đi đến hôn nhân rồi hàng loạt mâu thuẫn liên tục phát sinh do bản tính không thể thay đổi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của anh. Rồi khi đứa con ra đời, chị mất việc, đành an phận ở nhà cơm nước cho chồng con.
Cũng từ đây “bệnh” keo kiệt của anh ngày một nặng hơn. Mỗi tháng, anh quy định chị chỉ được tiêu xài trong số tiền 1 triệu đồng. Đã 10 năm nay, mặc cho giá cả leo thang, anh vẫn tỉnh như không có chuyện gì. Chị phải tận dụng miếng đất vườn bên cạnh nhà, vay tiền bè bạn dựng tạm vài phòng trọ cho công nhân thuê, số tiền thuê nhà được 2 triệu đồng xem ra cũng chẳng thấm vào đâu so với thời buổi đồng tiền trượt giá như bây giờ. Anh lại xem như chừng đó là quá dư dả, tiếp tục thắt lưng buộc bụng vợ. Nhiều bữa đi làm về mở chiếc lồng bàn ra, thấy thức ăn lèo tèo, anh cằn nhằn rồi đậy lại, phóng xe ra ngoài tiệm ăn một mình, chẳng cần biết vợ con ở nhà ăn uống thế nào. Mãi rồi chị đề nghị: Phát tiền chợ hằng ngày. Như chỉ chờ có thế, anh đồng ý ngay. Mỗi sáng, trước khi đi làm, anh rút bóp đếm tiền đưa cho vợ, chiều về nhà thấy còn vài ngàn lẻ để trên tivi, anh chẳng nói chẳng rằng lấy tiền cất lại vào bóp.
Cứ thế, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần, chị bắt đầu sợ chuyện chăn gối, coi đó như một nghĩa vụ, không hề thấy hứng thú. Cảm giác yêu thương bị mất đi từ lúc nào.
Bủn xỉn trở thành bản chất
Khác với chị Phương, hoàn cảnh chị Hường nhìn bên ngoài thấy “dễ thở” hơn, nhưng bên trong lại là cuộc chiến bất phân thắng bại. Hường là chủ một doanh nghiệp có tiếng, tiền kiếm được không phải ít. Mọi việc chi tiêu trong gia đình Hường đảm đương hết. Thấy các em trong gia đình khó khăn, Hường giúp đỡ cho mỗi người một chút. Chồng Hường biết được điều này khó chịu ra mặt, anh ta ra tay kiểm soát vợ, xét nét từng người thân trong gia đình vợ mỗi lần họ ghé thăm. Căn gác biến thành nhà kho cho anh chứa tất cả đồ cũ nát nhưng không vứt bỏ cũng chẳng cho ai. Mỗi lần có thiệp mời đám cưới là anh chuyển giao hết cho vợ cái công việc bỏ tiền mừng vào bao thư. Tiền làm được bao nhiêu, anh giữ nguyên trong két sắt không mẻ một đồng.
Chưa hết, anh còn cãi nhau cả với bà thu tiền rác khi bà đến đòi lì xì 10.000 đồng ăn Tết; anh không chịu đi thăm ông chú bệnh nằm liệt giường chờ chết vì sợ phải chi tiền mua đường sữa; anh không dám đi họp phụ huynh cho con vì sợ phải móc túi đóng tiền quỹ lớp.
Mỗi lần đi làm về anh hỏi con gái 10 tuổi: Bà ngoại có ghé không, mẹ có cho tiền bà không, cậu Hai điện thoại về vấn đề gì, xin tiền à, dì Tư qua đây làm gì, lại xin đồ cũ về mặc phải không... Riết rồi không một ai trong gia đình chị Hường dám ghé thăm. Hường biết được điều này, chị buồn lắm, nhiều lần chị gay gắt đặt thẳng vấn đề với chồng, nhưng sau mỗi lần “khẩu chiến”, chứng nào tật ấy, anh vẫn theo dõi chị mỗi ngày, trở thành đối thủ của tất cả mọi người trong gia đình. Ra đường, anh đối nhân xử thế cũng tệ như ở nhà. Ngày kia, anh vô tư khoe với vợ: “Hôm nay mấy người trong cơ quan rủ đi nhậu, anh vội chạy vào toilet giấu bớt tiền đi, chỉ để lại chưa đầy 100.000 đồng trong túi, ăn nhậu xong, mọi người chia đều, anh gãi đầu gãi tai móc hết bóp ra nhưng vẫn không đủ, mọi người vui vẻ cho qua” (?!).
“Bệnh” khó chữa
Không phải vì không làm ra tiền mà keo kiệt. Hầu hết những người đàn ông mắc “chứng bệnh” này đều có việc làm, có thu nhập ổn định, có vẻ bề ngoài dễ coi. Nếu không va chạm nhiều, khó mà biết được. Nạn nhân của họ chính là vợ con và những người thân trong gia đình. Song những người đàn ông mắc “bệnh” này không phải là hiếm gặp. Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa du lịch, từ lâu, người châu Âu có quan niệm tiền không có trong nhà thì hạnh phúc cũng ra đi. Chính vì vậy họ sống theo kiểu “góp gạo nấu cơm chung”. Nhưng ở Việt Nam lại quan niệm “của chồng công vợ”. Khi đã là của nhau rồi thì mọi tài sản coi như của chung và cả vợ lẫn chồng đều bình đẳng với nhau về vật chất. Song, xu hướng chung của xã hội hiện nay đang tìm đến quyền lực của đồng tiền, người đàn ông lúc này lại cho rằng nắm được tiền là có thể chi phối được tất cả. Chính vì thế, họ sống theo kiểu áp đặt, gia trưởng, bắt người vợ sống như một nô lệ. Người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này thường khó bộc bạch với ai vì cảm giác xấu hổ, dần dần hụt hẫng về tâm lý. Nếu không khéo léo trong quan hệ sẽ dẫn đến đối cực, gây đổ vỡ cuộc sống vợ chồng.
Bình luận (0)