xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không có sự lựa chọn

YÊN NHẠN (Theo phunuonline)

Sống trong sự trì kéo, hằn học, hẹp hòi của các con, đôi vợ chồng già rổ rá cặp lại thật sự mỏi mệt. Hai ngôi nhà và vòng vây của các con trở thành chốn ngục tù. Họ quyết định ra riêng, tìm sự bình yên cho mình trong căn phòng trọ nhỏ nhưng rồi cũng đường ai nấy đi

Tuần rồi, đôi vợ chồng già chính thức trả phòng sau nửa năm kể từ ngày dọn đến ở trọ. Suốt thời gian ở trọ, có ai hỏi thăm ông bà luôn cười buồn trả lời: “Chưa biết ở bao lâu, có thể sẽ dọn đi bất ngờ”.

Họ đi rồi, người tỏ ra tiếc nuối lại là chị chủ nhà. Cả khu trọ ai gặp chị cũng nghe than: “Tiếc quá, họ yêu nhau lắm mà không thể vượt qua”.

Chuyện ông Thuận, bà Lan - đôi vợ chồng già ấy yêu nhau thế nào gần như ai cũng biết, qua cái cách hai người chăm sóc cho nhau. Nhưng, điều gì khiến họ không thể vượt qua? Ngồi tỉ tê với chị chủ nhà mới vỡ lẽ, hai mái đầu bạc trắng ấy tuần sau sẽ đến tòa ly hôn, lý do là ông muốn trả bà về cho cô con gái, bà cũng muốn trả lại ông cho các con riêng, để đổi lấy bình yên trong mỗi gia đình.

Cuộc hôn nhân giữa ông Thuận - bà Lan kéo dài được mười năm. Đến với nhau ở tuổi 50, ông đã qua một đời vợ, bà thì chồng mất đã lâu. Con gái riêng của bà, năm đó mới học lớp 10; ngày học một buổi, buổi còn lại phụ mẹ bán quán nước trước cổng trường đại học. Kết hôn xong, ông chuyển về Thủ Đức sống với mẹ con bà. Lương mỗi tháng của ông dù ít nhưng vẫn đủ lo cho hai mẹ con nên bà thôi bán quán.

img

Tằn tiện, chắp vá, cuối cùng ông cũng hoàn thành trách nhiệm nuôi con gái bà học thành tài. Năm cô tốt nghiệp cũng là năm ông nghỉ hưu. An tâm cô đã trưởng thành, có công việc ổn định, ông đưa bà trở lại quận 7 sống với vợ chồng con trai ông. Sóng gió nổi lên từ dạo ấy.

Cô ghé thăm mẹ, thấy cảnh bà vừa phải chăm cháu nội của ông, vừa tất bật lo toan chợ búa cho cả nhà sáu thành viên liền nổi cơn tam bành, một hai gói hành lý đưa mẹ về Thủ Đức. Ông đi theo, bị các con cản trở quyết liệt, nói ông… mê mẹ con bà mà bỏ con bỏ cháu. Ông vẫn đi. Hôm trở về thăm cháu nội, ông bị con trai nặng nhẹ “phang” ngang: “Bị người ta bỏ phải không?”.

Bà theo ông về, bị con gái đay nghiến: “Mẹ đi được thì đi luôn”. Nói thì nói vậy nhưng hễ ông đến với bà chừng nửa ngày, con trai lại điện thoại nhờ ông về chăm cháu đang bệnh; bà sang ông chừng hai giờ đồng hồ, con gái gọi hăm dọa: “Mẹ không về, con bỏ nhà đi”. Nghiệt ngã hơn, con gái tuyên bố bà có muốn về thăm ông, thì chính ông là người sang rước; ngược lại, con trai ông lớn giọng, bà đi được về được, không cho ông đón đưa.

Sống trong sự trì kéo, hằn học, hẹp hòi của các con, ông bà thật sự mỏi mệt. Hai ngôi nhà và vòng vây của các con trở thành chốn ngục tù, họ quyết định ra riêng, tìm sự bình yên cho mình trong căn phòng trọ nhỏ.

img

Nhưng, cuộc chiến giành cha giành mẹ vẫn chưa kết thúc. Cứ mười bữa nửa tháng, viện cớ sợ bạn bè, đồng nghiệp chê cười không làm tròn chữ hiếu chăm sóc cho cha mẹ, hết con gái của bà đến tìm ông nhiếc móc, đề nghị “buông tha” cho mẹ mình để bà có cuộc sống an nhàn, đầy đủ.

Con trai ông gặp bà lớn tiếng tuyên bố, hễ ông có chuyện gì, dù đau bệnh cũng không để bà yên. Chỉ có những người trong xóm trọ nhìn thấy sự hạnh phúc trong nỗi phập phồng của đôi vợ chồng già qua cách bà tỉ mẩn nhặt từng lá trà xanh nấu cho ông mỗi sáng; còn ông ân cần bóp tay chân cho bà mỗi khi bà đau nhức… Đỉnh điểm khiến họ rời bỏ nhau là hôm bà đổ bệnh, con gái đến khóc lóc, đổ lỗi ông đã không chăm sóc bà chu đáo…

Hôm họ quyết định trả phòng, chị chủ nhà sang chơi, thấy hai người đang trấn an nhau: “Con cái giận hờn cha mẹ, chứ mẹ cha nào trách hờn con cái. Tôi với bà không còn được các con tác hợp, sống mệt mỏi vậy thì nên chia tay, ai về nhà nấy”. Bà gật đầu, mắt ngấn nước sau câu nói của ông.

Hôm đó đang trưa, xóm trọ giật mình nghe giọng chị chủ… la ầm lên: “Mắc mớ gì phải thua con thua cháu. Ông bà thương yêu thì cứ sống với nhau. Con chăm cha không bằng bà chăm ông, thời gian sẽ khiến các con thông cảm. Tuổi này, phải biết sống cho mình chứ. Miễn mình thấy hạnh phúc là được. Bỏ cuộc bây giờ là tự thua. Lỗi đâu phải các con mà tất cả ở mình. Còn thương mà không quyết liệt đến cùng, mai mốt sẽ hối hận”. Rồi chị sụt sùi kể chuyện của mình, ngẫu nhiên có phần tương tự, như bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ.

Chuyện của chị chủ nhà, xóm trọ nhiều người biết. Chị thường nói chân tình là chính chị chứ không ai khác đã tự chôn vùi hạnh phúc của mình. Chị là người đến sau, khi chồng đã có một đời vợ và hai đứa con riêng. Những ngày sống bên nhau, chị không chịu nổi cảm giác hờn ghen khi chồng chị dành nhiều ưu ái, tình thương cho các con riêng; cả những lần chị nép mình buồn tủi khi người phụ nữ kia đến thăm con, nhận được lời hỏi han, quan tâm và giúp đỡ hết mình từ chồng cũ. Quẫy đạp trong những cảm xúc ghen tuông ấy, tình yêu dành cho anh của chị không đủ mạnh để vượt qua nên hai người quyết định chia tay. Sau này, mỗi khi nhắc lại, chị thường tự trách mình đã sớm tự bỏ cuộc, thay vì tìm cách hóa giải…

Tiếc thay, câu chuyện của chị vẫn không thay đổi được quyết định của ông Thuận - bà Lan.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo