Chỉ trong vòng 2 giờ, chương trình giao lưu trực tuyến Bạn trẻ và kỹ năng sống diễn ra từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 4- 4 trên Báo Người Lao Động điện tử đã thu hút gần 3.000 lượt truy cập. Điều đó cho thấy kỹ năng sống hiện nay cần thiết như thế nào.
Từ những phản biện
“Nói có vẻ... phản khoa học nhưng tôi thấy cuộc sống hình như lệ thuộc vào số mệnh? Vì vậy dù bạn có kỹ năng sống tốt thế nào chăng nữa mà bạn nghèo, bạn mồ côi hay gặp gia đình chồng bạc đãi... cũng thua! Cô bạn của tôi cũng cố gắng chòi đạp để vươn lên trong cuộc sống, nhưng vòng xoáy cuộc đời cứ cuốn cô ấy vào chỗ tối tăm. Liệu có kỹ năng sống sẽ giúp gì cho cô ấy?”. Đó là câu hỏi thú vị từ bạn đọc Phan Thị Anh Đào ngay sau khi chương trình trực tuyến bắt đầu. Các chuyên gia chưa kịp trả lời câu hỏi có tính phản biện ấy thì bạn đọc Ngọc Anh (anhngoc@hotmail.com) đã tiếp tục câu chuyện về người bạn của mình. Ngọc Anh cho biết, bạn của cô hoạt động phong trào rất giỏi, sống tốt với mọi người, được bạn bè, gia đình thương yêu, đồng nghiệp nể phục nhưng kết quả là cô ấy vẫn chưa tìm được nửa kia của mình dù đã hơn... 40 cái xuân xanh.
Năm 2008 có 3 khóa đào tạo “Bạn trẻ và kỹ năng sống” do Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Nhà Văn hóa Sinh viên tổ chức, khai giảng vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9. Điều kiện tham gia: Điểm trung bình học tập tại trường từ khá trở lên, có thành tích tham gia các hoạt động xã hội và đoàn thể. Kèm theo hồ sơ tham dự chương trình là một bài tự luận khoảng 800 từ về tầm quan trọng của kỹ năng sống và việc trang bị kỹ năng cho mình. Đăng ký tham dự tại Nhà Văn hóa Sinh viên, số 643 Điện Biên Phủ, P.1, Q.3- TPHCM. |
Hai câu chuyện khiến cái nhìn về sự tương quan giữa kỹ năng sống và sự thành công, hạnh phúc có phần “xung khắc” nhau đã khiến các chuyên gia tư vấn của chương trình phải chắt lọc từ ngữ để tìm câu trả lời thỏa đáng nhất. “Nếu các cô ấy biết trụ lại bằng kỹ năng vượt qua áp lực, chắc chắn cô ấy sẽ có thể vững vàng hơn hoặc ít nhất là không chùn bước một cách dễ dàng...”. “Đất” ứng dụng của các kỹ năng sống, đơn giản và gần gũi như vậy nhưng ít người nhận ra.
U60 sống cũng cần kỹ năng
Các chuyên gia tâm lý đã bật cười, đùa với nhau rằng: “Còn sống là còn cần kỹ năng” khi nhận được thắc mắc của bạn đọc Vương Thị Liên Chi (Hùng Vương, Q.5- TPHCM). Đang ở độ tuổi U60, lại sắp về hưu, chị không khỏi băn khoăn rằng liệu mình còn cần kỹ năng sống và kỹ năng nào thì cần cho khoảng thời gian “về vườn”. Thử đặt mình trong tình huống ấy, khi về hưu, tâm lý dễ bị khủng hoảng, những ứng xử không khéo của người thân cũng dễ làm họ tổn thương. “Hiểu biết và chấp nhận cá tính của người khác sẽ tạo bầu không khí thoải mái trong gia đình. Đó cũng là một kỹ năng sống”- chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ. Như vậy, rõ ràng, kỹ năng sống không chỉ dành cho người trẻ và khi không còn trẻ nữa, người ta vẫn cần, rất cần kỹ năng để sống tốt hơn ở các lứa tuổi khác nhau.
Cùng tâm trạng với chị Chi, bạn đọc La Thị Linh Kiều (Mỹ Tho, Tiền Giang) đề nghị chương trình mở rộng cho những người trên 40 tuổi để những người lớn tuổi có thể trang bị thêm cho mình các kỹ năng cần thiết, truyền dạy lại cho con, cháu. Đề nghị của chị cũng là đề nghị của những bạn công nhân, của một số học sinh còn ngồi ở các trường THPT... Chia sẻ về vấn đề này, ông Takashi Fujii, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam và ông Trần Thanh Hải, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phấn khởi: “Chúng tôi sẽ cố gắng để chương trình mở rộng cho nhiều đối tượng”. Tuy nhiên, điều quan trọng là từng cá nhân phải ý thức và cố gắng chắt lọc từng bài học của cuộc sống- tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Vẫn còn khoảng trống mênh mông
Trong hơn 300 câu hỏi gửi về chương trình, có đến gần một phần ba câu hỏi xoay quanh nội dung “Kỹ năng sống là gì?”, “Vì sao phải trang bị kỹ năng sống?”, “Làm thế nào để có được kỹ năng sống?”... Điều này chứng tỏ bạn trẻ rất quan tâm đến vấn đề này. Mặt khác, đây cũng là một tín hiệu không tốt vì rõ ràng, cho đến nay kỹ năng sống vẫn còn là thuật ngữ xa lạ với người Việt Nam. Những người trẻ vẫn chưa có đủ khái niệm các kỹ năng sống thì làm sao có ý thức trang bị các kỹ năng này cho mình?
Như góp ý của bạn đọc Lê Trương Khang (Bình Chánh- TPHCM), ba khóa học của chương trình chỉ là hạt muối bỏ bể, chưa thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của cộng đồng. “Thắp lên một ngọn lửa hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm”- Báo Người Lao Động, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, Nhà Văn hóa Sinh viên và các chuyên gia tâm lý đang làm điều này chỉ với một hy vọng: Từ những hạt mầm đầu tiên, các kỹ năng cần thiết của cuộc sống sẽ được nhân rộng, truyền tay từ bạn trẻ này đến bạn trẻ khác. Xa hơn nữa, là cho những ai muốn sống tốt, sống chất lượng hơn.
Ông Takashi Fujii, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam: Kỹ năng sống đang được quan tâm Trang bị kỹ năng sống là vấn đề rất quan trọng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hình như người ta ít quan tâm đến điều này. Thời gian gần đây, kỹ năng sống đã được nhắc đến nhiều hơn, chứng tỏ xã hội dành nhiều thời gian cho vấn đề tưởng như tự nhiên này. Khi kết thúc khóa học đầu tiên, chúng tôi đã nhận được thông điệp rất đáng khích lệ từ các bạn trẻ: Những kỹ năng mà các bạn được huấn luyện qua chương trình là hành trang quan trọng trên đường đến tương lai mà các bạn không được học ở giảng đường. Tuy vậy, chương trình huấn luyện 20 kỹ năng sống cơ bản nhất cũng chỉ trực tiếp “chạm” đến một bộ phận rất nhỏ trong giới trẻ và chúng tôi vẫn đang trăn trở để làm sao có thể đưa được những kỹ năng thiết thực này đến được với đông đảo mọi tầng lớp xã hội. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Nhận diện kỹ năng sống Kỹ năng sống là những kỹ năng tinh thần hay những kỹ năng tâm lý, kỹ năng tâm lý – xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. Những kỹ năng này giúp cho cá nhân thể hiện được chính mình cũng như tạo ra những nội lực cần thiết để thích nghi và phát triển. Kỹ năng sống còn được xem như một biểu hiện quan trọng của năng lực tâm lý xã hội giúp cho cá nhân vững vàng trước cuộc sống có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội trong thực tại... Có thể đề cập đến một số kỹ năng sống cơ bản của con người như: kỹ năng nhận thức bản thân, kỹ năng tự đánh giá, kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng thiết lập quan hệ xã hội, kỹ năng làm việc nhóm... |
Bình luận (0)