icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm rể

HUYỀN NGÂN

. Ca dao: “Công anh làm rể đã lâu/ Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô”. Những chàng rể như trong câu ca dao đó, ngày nay vẫn còn. Nhưng cách đối xử tốt nhất là cha mẹ vợ nên coi con rể như con ruột, giúp con gái mình được hạnh phúc.

So với việc “làm dâu” thì bổn phận “làm rể” xem ra có vẻ dễ thở, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Người ta hay nói “phận làm dâu” (ngầm ngụ ý về một số phận hẩm hiu, bị áp bức v.v...) chứ có ai nghe nói là “phận làm rể” bao giờ. Điều đó nói lên một điều là mối quan hệ giữa chàng rể và cha mẹ vợ ở mọi thời đại đều thoải mái và phóng khoáng!

Rể là con.- Anh M.T là người ở tỉnh lên thành phố từ cái thời còn là sinh viên, rồi ra trường có việc làm tốt nên chọn luôn phương án lấy vợ ở thành phố. Khi mới lập gia đình, điều kiện tài chính chưa có nên anh xin được ở rể, thế mà đến nay đã ngót nghét 8 năm. Nhiều lần anh cũng đã có ý định ra riêng nhưng cha mẹ vợ cứ một mực không cho. Một phần vì ông bà mến 2 đứa cháu ngoại, phần khác cũng là vì mến tính tình chàng con rể cởi mở, năng nổ lại chịu khó. Trừ những lúc phải đi làm hoặc bận công chuyện đột xuất, còn thì bất kỳ lúc nào rảnh anh lại xắn tay áo vào làm chuyện nhà, không việc này cũng việc kia. Chiếc quạt máy bám bụi đen xì, anh hì hụi mở ra mang đi rửa. Cái tivi hình ảnh, âm thanh nhòe nhoẹt lúc to lúc nhỏ, anh tự động vác bỏ lên yên xe chạy vù tìm chỗ sửa. Chiếc xe máy của cha vợ không nổ ư? Anh tháo bugi, chùi vặn một chút là xong ngay. Mẹ vợ thích xem phim bộ Hồng Kông ư? Anh mướn một lèo hai ba chục cuốn cho mẹ xem để khỏi bị đứt quãng. Còn cậu em vợ thì chỉ khoái đi mua linh kiện vi tính với anh Ba, vì chỉ có anh Ba mới rành giá cả, biết lắp ráp... Cứ thế, anh hòa nhập với không khí gia đình vợ một cách tự nhiên không màu mè, khách sáo, đến nỗi ai không biết cứ tưởng anh là con ruột chứ không phải rể. Nhiều lúc anh đi công tác xa nhà có vài ngày, cả nhà cứ ngong ngóng đến “thằng Ba”, không biết đến bao giờ nó mới về vì trong nhà đâu có ai biết “xử lý” với cái vòi nước bị xì, nồi cơm điện bị cháy hay cái dây điện thoại bị đứt...

Rể là khách.- Hồi cưới vợ, anh Đ.B (Q.8) phải chấp nhận điều kiện “gửi rể” vì chị là con gái út, đang ở chung với cha mẹ già. Vậy mà thời gian qua đã lâu, anh vẫn chưa quen với sinh hoạt nhà vợ, lại còn canh cánh một nỗi niềm “ở nhờ bên vợ” nữa. Ở ngoài anh cũng tháo vát, nhanh nhẹn không thua kém ai, nhưng cứ về đến nhà thì anh lại chẳng muốn nhúng tay vào làm việc gì vì ngại sự xét nét của cha mẹ vợ, càng ngại vợ “cậy gần nhà” lên mặt coi thường. Vì thế, anh hay tìm cách “ở ngoài đường càng nhiều càng tốt”, chỉ về nhà khi nào “không thể không về” mà thôi. Ngay đến việc đối xử, ăn nói của cha mẹ vợ và cả vợ con cũng luôn phải có ý tứ, cẩn thận vì rất dễ khiến cho anh tự ái. Có lần chị lỡ miệng, phê bình anh là “chẳng chịu làm giùm việc gì cho ba má”. Anh đã nổi giận, xếp quần áo, đồ đạc dọn vào cơ quan mà ở nhờ, làm cả nhà cứ cuống cuồng lên đi kiếm, rồi năn nỉ mãi anh mới chịu quay về. Mẹ vợ đâm ra e dè với con rể, chẳng bao giờ dám sai bảo anh điều gì, chỉ khi nào có công việc gì mà ông già bà lão cùng đàn bà con nít trong nhà không làm được, mới phải nhờ vả đến anh. Còn thì hàng xóm vẫn thường nghe bà mắng át con gái: “Mày làm thế không sợ thằng B. nó tự ái sao, ai lại bắt nó phải phơi quần áo như thế? Nó đi làm cả ngày về, mệt mỏi...”. Hoặc giả khi bà không bằng lòng chàng rể điều gì, bà chỉ biết “bỏ nhỏ” với con gái: “Con phải nói với chồng con làm thế là không nên”. Vì chẳng bao giờ bà “dám” phê bình hay mắng mỏ trực tiếp với con rể cả!

Và rể... trời đánh.- Không biết thân phận ở rể, thế mà N.C lại còn lộng hành ngược nữa chứ! Bà mẹ vợ càng lúc càng già thêm thì C. càng lúc càng trở nên ông tướng ở trong gia đình chỉ có toàn là “phụ, lão và ấu”. Đã không ít lần, hàng xóm trông thấy cảnh C. cầm dao rượt mẹ vợ chạy vòng vòng quanh mảnh vườn chỉ vì bà “dám” lên tiếng chửi con rể về cái tật nhậu nhẹt đã đời rồi về nhà còn đánh mắng vợ con. Mấy năm đầu hắn cũng chưa đến nỗi ngang ngược đến như thế, nhưng đã 15 năm trôi qua, chẳng những C. chẳng có ý định tách ra riêng mà còn mặc nhiên xem như đấy như là nhà của chính mình, với lý do “nếu như không có tôi ở đây giữ nhà, làm vườn cho bà thì miếng đất 1.500 m2 này đã bị con Tư, thằng Năm làm áp lực với bà, bán từ hồi sốt đất còn đâu!”. Nghe đâu C. còn có ý định buộc bà mẹ vợ gần đất xa trời kia viết di chúc cho vợ chồng hắn đứng tên trọn mảnh vườn vì hắn có công canh tác cực khổ bấy lâu nay, còn các em vợ thì miễn chia vì chúng đâu có công trạng gì!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo