Trong xã hội hiện đại, khi mọi người ai cũng hối hả với công việc, đã có lúc chúng ta quên đi những bữa cơm đầm ấm với những người yêu thương. Theo thống kê mới đây, ở các đô thị lớn của Việt Nam, có đến 30%-40% gia đình ít có bữa cơm có đầy đủ thành viên.
Cơm nhà ngon nhất
Ngày nay, có gia đình mà các thành viên cả tuần không ăn cơm nhà đã trở thành bình thường, một phần do nhịp sống hiện đại với nhu cầu giao tiếp ngoài xã hội ngày càng cao. Mặt khác, do hệ thống dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển, chỉ cần bước chân ra đường, quán xá, nhà hàng mọc lên khắp nơi, phục vụ từ nhu cầu ăn sáng đến bữa ăn chính, tiếp khách, hội hè...
Đa số các ông chồng ngày nay khi được hỏi về bữa cơm gia đình đều bảo rằng vì vợ bận việc không nấu, quen ăn hàng quán. Còn chị em phụ nữ thì biện hộ rằng công việc quá bận rộn, không có thời gian để nấu nướng.
Chị Châu (ngụ tại quận 3, TP HCM) cho rằng ngoài vấn đề thời gian eo hẹp, việc nấu nướng ở nhà sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Hơn nữa, trong gia đình, người về sớm, người về muộn, người ăn, người không ăn nên thường gây ra tình trạng dư thừa, lãng phí thức ăn… Do vậy, ăn ở tiệm là tiện lợi hơn cả.
Đồng cảm với ý kiến của chị Châu, tại buổi tọa đàm “Tầm quan trọng của bữa cơm gia đình” do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM tổ chức mới đây, chị Mai (ngụ tại quận 2,
TP HCM) nhận định việc tổ chức bữa ăn gia đình hằng ngày tuy khó nhưng có thể thực hiện nếu được sự đồng thuận và chia sẻ của các thành viên trong nhà. Bởi lẽ, bữa ăn gia đình không nhất thiết phải do người phụ nữ chuẩn bị mà cần khuyến khích chồng con cùng thực hiện.
“Tôi đi làm xa và là người đi sớm về muộn nhất nhà. Tôi chỉ chuẩn bị được bữa ăn sáng cho cả nhà. Bữa tối do chồng và các con tôi nấu. Chính bữa cơm gia đình và sự chia sẻ công việc giữa các thành viên giúp chúng tôi gắn bó hơn, các cuộc nhậu của chồng tôi cũng ít đi. Thậm chí khi sinh nhật, chồng tôi cũng đề nghị được tổ chức tại nhà” - chị Mai kể.
Phụ nữ phải là đầu tàu
Chị Nhi - hội viên CLB Gia đình hạnh phúc ở quận 10, TP HCM - nhìn nhận sau 1 ngày làm việc vất vả, bữa ăn chính là thời gian dành riêng cho gia đình. Mỗi món ăn là tình cảm của người vợ, người mẹ dành cho chồng, cho con. Đó chính là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.
“Bữa cơm cũng là cơ hội tuyệt vời để vợ chồng tôi hiểu thêm về việc học hành của các con, các mối quan hệ bạn bè và cả những mong ước của chúng. Từ đó, chúng tôi có thể theo dõi việc hình thành tính cách của con và uốn nắn kịp thời” - chị Nhi thổ lộ.
Bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Gia đình Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM, cho rằng với những lợi ích thiết thực của bữa ăn gia đình, nếu bỏ qua thì thật đáng tiếc. Do vậy, nếu không có điều kiện thực hiện hằng ngày, mỗi gia đình có thể tổ chức bữa ăn vào những ngày cuối tuần.
“Để tổ chức bữa cơm gia đình, phụ nữ phải giữ vai trò đầu tàu, là người lên kế hoạch và vận động các thành viên cùng hưởng ứng. Khi đã quyết tâm thực hiện thì các thành viên trong gia đình phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. Có như vậy, mỗi gia đình mới có bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc” - bà Nhã nhìn nhận.
TS Nguyễn Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐH Sư Phạm TP HCM:
Thiếu bữa cơm gia đình dẫn đến nhiều hệ lụy
Nhiều người còn đặt nặng việc kiếm tiền, chưa nhận ra được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình. Việc thiếu những bữa cơm gia đình có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy: vợ chồng ít dành thời gian cho nhau, lâu dần đi đến sự thiếu chia sẻ, thiếu cảm thông và phai nhạt tình cảm, rạn nứt hôn nhân; cha mẹ thiếu sự quan tâm, không gần con cái, dẫn đến không kịp uốn nắn hành vi đạo đức khiến trẻ bị lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.
Bình luận (0)