Không muốn con... lấy vợ
Mẹ chồng chị Hoàng Phương là một giáo viên. Ngày xưa, khi còn quen nhau, mẹ anh luôn ngăn cản hai người. Điều làm chị khó xử là bà luôn cười nói tử tế với chị. Chị biết rõ điều đó nên càng bối rối hơn. Khi tình cờ đọc được lá thư bà viết cho anh, bên trong toàn những lời miệt thị chị một cách tồi tệ, chị đã khóc òa. Bà biết điều đó và cũng từ ấy tỏ rõ cho chị biết là bà không thích chị, không thích con trai bà có gia đình sớm!? Vượt qua những gian khó từ chính mẹ anh tạo ra, hai người cương quyết để đến được với nhau.
Từ ngày cưới, khi nói chuyện với mọi người, mẹ chồng lúc nào cũng gọi chị là con gái. Vì theo bà, bà không thích có từ mẹ chồng con dâu, bà sẽ coi chị như con gái. Ban đầu chị không thấy gì nhưng càng lúc, điều ấy càng làm chị khó chịu, nhất là khi cái tình không được như cái cách xưng hô ấy. Bà đối xử với chị rất lạnh nhạt, hay chê bai, xét nét với chị dù miệng thì vẫn gọi là con gái. Chị không quan trọng tiếng xưng hô mà chủ yếu là cái tình đối đãi với nhau. Con dâu thì cứ gọi là con dâu, mẹ chồng thì vẫn phải gọi mẹ chồng. Trong mắt bà, chị lúc nào cũng không xứng với anh. Bao giờ mở miệng ra, bà cũng bảo anh giỏi giang và có tài. Chị mệt mỏi khi phải ngồi nghe những điều đó. Chị biết, anh là một viên chức bình thường, hiền lành, và quan trọng là anh yêu chị. Chị làm gì, bà cũng không vừa ý lắm. Thế là chị ngày càng ngại gặp bà. Thêm chuyện đường sá xa xôi, chị ngán ngẩm chuyện về quê chồng.
Là mẫu người phụ nữ hiện đại và rất tôn quý những giá trị hạnh phúc từ tình cảm gia đình, chị chia sẻ: “Cả vợ chồng đều mong được thoải mái khi đưa con về quê nội nhưng điều ấy thật khó. Khó vậy nhưng cũng phải ráng đưa về để con còn biết yêu thương quê nội. Hai vợ chồng chỉ mong bà sẽ gần gũi, dần yêu thương cháu”.
Không muốn con... đi xa
Chuyện của Như, cô bạn thân của tôi, lại khác hẳn. Chồng cô là con trai một nên hai vợ chồng sống cùng mẹ. Nhà Như ở xa. Cô rất muốn tranh thủ sắp xếp để về quê thăm cha mẹ và anh chị em nhưng mẹ chồng cứ muốn giữ cô lại. Có khi Như ẵm con, vừa đi một chặng đường dài về tới nơi thì mẹ chồng cô đã gọi điện bảo sắp xếp về sớm. Như thừa biết rằng có về lại TP thì cũng không có việc gì quan trọng. Nhưng mẹ chồng thì lúc nào cũng muốn trong nhà có đủ người cho ấm áp. Cũng vì vậy mà vợ chồng Như từ ngày lấy nhau đã gần tám năm mà chưa lần nào đi du lịch hoặc đi chơi xa nhà. Nhưng nghĩ cho cùng, mẹ chồng cô rất tốt và thương yêu con cháu, kể cả con dâu. Như không hề thấy sự xa cách hay phân biệt nào trong cách đối xử của bà. Bà lo hết mọi việc lớn nhỏ, từ chuyện đóng tiền điện nước đến nội trợ trong nhà rồi trông cháu cho Như làm việc. Đi chợ thấy bộ đồ ngủ đẹp, bà cũng mua về cho con dâu.
Để giải quyết việc này, chồng Như cứ mỗi năm lại mời gia đình vợ sắp xếp công việc và thời gian lên TP chơi một chuyến. Mẹ chồng Như được thể tiếp khách, là người nhà của con dâu rất chu đáo. Tuy không đông đủ và vui bằng việc Như về thăm nhà nhưng cô cũng thấy ổn và vui vẻ hơn nhiều. Như nói: “Mẹ chồng mình cũng già rồi, cứ theo ý mẹ một chút cho mẹ vui”. Bên cạnh đó, Như cũng về bàn với chồng thuyết phục mẹ. Mỗi năm đi du lịch một lần với bạn bè trong hội hưu trí. Ban đầu bà không chịu nhưng rồi bà cũng xuôi tai. Bà đi về thấy vui hơn hẳn, còn vợ chồng Như cũng nhân lúc ấy mà khi thì đưa con về quê ngoại, khi lại tổ chức đi chơi cùng bạn bè.
Hai câu chuyện vừa nêu là hai thái cực giữa mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Rõ ràng, cả hai nàng dâu đều khó xử trước cách cư xử của mẹ chồng nhưng sự cố gắng của vợ chồng Như và thái độ chịu hợp tác của mẹ chồng đã thay đổi cục diện gia đình. Giữa nhịp sống hối hả, tình cảm gia đình, sự yêu thương của cha mẹ - con cái, ông bà và cháu đã là tài sản không gì sánh được. Kiên trì kết nối sợi dây tình cảm thiêng liêng luôn gắn kết bền chặt là cách lựa chọn tốt nhất để cho suối nguồn yêu thương được tuôn chảy mãi trong lòng mỗi người.
Bình luận (0)