Thời còn theo đuổi tôi, anh không mấy nổi bật, nhưng tôi vẫn đổ đứ đừ vì tình cảm chân thành của anh. Dù tôi có đòi hỏi “quái thai” cỡ nào, Thịnh vẫn hết mực đáp ứng. Chỉ bởi vì chồng tôi là một người đàn ông chân thực, hiền lành, rất biết nghe lời và luôn đối tốt với người con gái mà anh yêu thương. Rung động trước tấm chân tình của Thịnh, tôi quyết định dâng hiến cái quý giá nhất của đời thiếu nữ và gắn bó suốt đời bên anh.
Nửa năm tìm hiểu, anh chủ động đề nghị kết hôn. Vì đang chìm đắm trong mật ngọt tình yêu, tôi dường như phớt lờ những lo lắng về tương lai, ngắp tắp lự đồng ý chuyện cưới xin. Thực ra, hoàn cảnh kinh tế nhà tôi khá hơn nhà trai rất nhiều. Bố mẹ cũng vì thế mà năm bảy lần tìm cách ngăn cản. Nhưng đúng là càng yêu càng mù quáng. Các cụ không cho phép, tôi càng làm mình làm mẩy đòi kết hôn. Giờ nghĩ lại mới thấy mình thật trẻ con và bồng bột.
Biết thân biết phận, Thịnh gồng mình gom góp tiền bạc, sắm biện lễ vật đem qua nhà gái, cũng là để nở mày nở mặt với nhạc phụ, nhạc mẫu. Thực ra, tôi cũng đã dốc gần hết tiền dành dụm đưa cho anh, giúp hôn sự thêm phần suôn sẻ. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, tiền bạc chỉ là thứ yếu, miễn sao cuộc sống vợ chồng về sau được hạnh phúc cũng đủ thỏa lòng. Lúc tôi đưa tiền, Thịnh một mực từ chối. Biết anh có điều khó nghĩ, tôi vội xoa dịu: “Anh cứ cầm lấy mà lo liệu mọi việc, rồi dùng cả cuộc đời này để trả nợ cho em”. Nghe thấy vậy, chồng tôi mới chịu nhận tiền. Nhưng ai ngờ đâu, kinh tế gia đình tôi ngày càng sa sút. Sau khi cưới, công việc của Thịnh trở nên bấp bênh, thu nhập không ổn định, phần lớn chi tiêu trong nhà đều dựa vào lương bổng của tôi.
Vì sự nghiệp đi xuống, chồng tôi đâm ra cáu giận. Ngày sinh nhật của bố vợ, anh lẩn như trạch với lý do: “Anh mà vác mặt đến, thể nào cũng bị chê bôi này nọ”. Bố tôi dù có thành kiến với con rể, nhưng không vì thế mà đay nghiến, mạt hạ anh. Chưa một lần, tôi thấy ông than phiền về công việc của Thịnh. Chẳng qua, anh không muốn về nhà vợ vì sợ tốn kém quà cáp. Điều đó thì tôi rõ hơn ai hết.
Càng về sau, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng càng xoay quanh vấn đề tiền bạc. Chồng tôi luôn miệng kêu ca vợ không biết quản lý tài chính trong nhà, tiêu tiền như nước. Sao anh ta có quyền chỉ trích tôi như vậy? Tiền tôi tiêu đều là những đồng bạc mồ hôi xương máu, do tôi vất vả đêm ngày làm ra. Lẽ nào, chi chút đỉnh sắm sanh quần áo, nữ trang để làm đẹp cũng là tội lỗi? Là phụ nữ, ai chả thích xinh đẹp trong mắt bạn đời.
Hiện tại, vợ chồng tôi có cách sống khá lập dị, chẳng hòa hợp như các cặp đôi khác. Tiền ai nấy dùng - không quan tâm, không soi mói tới tài chính riêng của đối phương là phương châm sống được tôi và Thịnh cùng hưởng ứng. Tiền và tình cảm, liệu có tách rời như ai đó thường nói. Với tôi thì không, bởi một khi đã phân minh về tài chính, đồng nghĩa với việc, tình cảm giữa tôi và Thịnh cũng trở nên nhạt nhẽo, vô vị bội phần. Anh ấy luôn cư xử với tôi như người dưng nước lã, lại thường xuyên nổi giận vô cớ. Tưởng rằng, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã đến bờ vực tan vỡ, đột nhiên, mẹ chồng thông báo sẽ tới ở cùng trong một thời gian.
Sự xuất hiện của bà khiến chúng tôi đành phải giảng hòa. Tôi không muốn người già phải buốt lòng chứng kiến con cái tan đàn xẻ nghé. Mẹ chồng ở cùng một thời gian, tình cảm giữa tôi và Thịnh cũng tốt hơn hẳn. Chúng tôi không còn hầm hè nhìn nhau như hai kẻ thù địch, không còn diễn cảnh “chiến tranh lạnh” suốt một tuần trời. Nhưng cách sống “tiền ai nấy hưởng” vẫn được duy trì. Ít lâu sau, mẹ chồng phát hiện ra vấn đề. Bà hằn học cho rằng, tôi đã ức hiếp anh ấy, nên con trai bà mới phải lép vế về chuyện tiền nong.
Biết mình đã chịu oan ức, nhưng tôi chả buồn cãi. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng vì thế mà càng thêm xa cách. Có lần, tôi đang xem phim thì bị mẹ chồng vặn hỏi: “Tối qua, chị ngủ nghê thế nào?”. Tôi đáp qua loa rằng vẫn bình thường. Ai ngờ, bà tuyên bố một câu xanh rờn: “Từ nay về sau, nếu còn tiền ai nấy dùng, thì mỗi lần hai đứa diễn cảnh vợ vợ chồng chồng trên giường, tôi sẽ thu thuế. Chả phải cô muốn phân chia tiền nong rạch ròi hay sao? Thằng Thịnh đã sống vất vả như vậy, cô lại còn hành hạ nó mỗi đêm, sao tôi chịu nổi. Tiền này tôi thu cũng coi như chi phí bù đắp cho thằng con trai tội nghiệp của tôi”. Tôi cứ há hốc mồm nghe bà “phun châu nhả ngọc” mà không nói được gì.
Thật không ngờ, mẹ chồng lại tuôn ra những lời cay nghiệt và vô tình như vậy. Dù có thương xót con mình tới đâu, nhưng sao bà có thể suy nghĩ kỳ quái tới vậy. Bà nên tìm hiểu nguyên nhân khiến tôi phải sống khổ cực như thế. Có người vợ nào lại mong muốn một cảnh “phân chia chiến tuyến” với chồng như tôi đang chịu? Mâu thuẫn giữa tôi và Thịnh, đâu chỉ do tôi gây nên.
Tôi đem nỗi ấm ức bộc bạch với chồng. Anh ấy chỉ thờ ơ giải thích: “Mẹ nói vậy cũng chỉ vì mong chúng mình hòa hợp”. Không chịu nổi thái độ lập lờ đó, tôi nổi xung với chồng rồi bỏ đi gần một ngày trời. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, tôi dù sao cũng là phận gái có chồng. Dù chuyện kinh thiên động địa có xảy ra, tôi cũng không thể lang thang ngoài đường như vậy. Tôi trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối. Không khí thật nặng nề…Chẳng ai nói với ai nửa lời, nhưng trong lòng thì ôm cả bồ tức.
Trải qua những chuyện này, tôi mới nhận ra, trước đây, khi đồng ý lấy Thịnh, tôi đã nhầm tưởng là vì tình yêu, nhưng thực chất là tôi chỉ gả đi những cảm xúc bồng bột của chính mình. Khi cảm xúc không còn, đồng nghĩa với việc hôn nhân đâm vào ngõ cụt...
Trên đây là câu chuyện của một phụ nữ 27 tuổi, đã kết hôn ba năm. Mâu thuẫn trong tình cảm giữa cô và chồng xuất phát từ vấn đề tài chính. Trên thực tế, chuyện cơm áo gạo tiền là nỗi khó khăn thường gặp của phần lớn các gia đình trẻ. Điều quan trọng là cả hai biết sẻ chia và thông cảm cho nhau.
Bình luận (0)