xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một tiếng “nhà”

VŨ HẠNH

Trong khi khuyên nhủ chúng ta phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng đó là cái vốn ngàn đời của dân tộc. Và trong cái vốn rất phong phú ấy, chúng ta có thể tìm thấy thêm được nhiều điều về dân tộc mình.

Có lẽ ngôn từ đầu tiên đã khiến nhiều người quan tâm, đó là tiếng ăn. Không chỉ có nghĩa trong vòng ẩm thực, như là ăn uống; tiếng ăn còn đi xa hơn, từ sự trang phục, đó là ăn mặc; đến sự giao hòa nam nữ, như là ăn nằm, từ sự sinh hoạt xã hội, như là ăn ở; đến sự liên kết tinh thần, như là ăn ý... Tiếng ăn trước hết cho thấy một sự đói khát cùng cực, triền miên trong quá trình hình thành, tiến hóa của dân tộc ta qua nhiều khổ ải, gian truân. Cũng như tiếng đi, từ một động từ như là đi ăn, đi ngủ đã chuyển thành một trạng từ như là ăn đi, ngủ đi... và ta có thể hiểu rằng tiếng đi, ở đây, khởi nguồn là một thúc giục hãy ăn rồi đi, hãy ngủ rồi đi như khá nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã cho thấy được quá trình dài dặc của những chuyến đi lịch sử mà dân tộc này đã phải trải nghiệm từ nơi xuất phát, là Đông Phi châu, gần hai trăm ngàn năm trước đến khi tạm dừng ở Mũi Cà Mau vì biển cả ngăn tiếp nối con đường.

Ngoài hai ngôn từ ăn, đi, có lẽ tiếng nhà cho chúng ta thấy được chiều sâu của cuộc sống này.

 

Ảnh : TRẦN CHÍ KÔNG
Ảnh : TRẦN CHÍ KÔNG

 

Không chỉ có nghĩa là nơi trú ẩn bình thường của những con người trên mặt đất này, nhà còn một nghĩa hẹp và một nghĩa rộng hết sức đáng yêu. Về nghĩa hẹp, không biết có dân tộc nào trên thế giới, như người Việt Nam, dùng tiếng “nhà tôi” khi vợ hoặc chồng nói về bạn đời với người thứ ba.

“Nhà” gợi lên một hình ảnh lớn lao, vững chãi - dầu là nhà tranh vách đất - và có ý nghĩa cố định. “Nhà” cũng là nơi đùm bọc, chở che, lưu trữ bao nhiêu giá trị về mặt tinh thần cũng như cất giữ bao nhiêu vốn liếng về mặt vật chất. Đó là khởi điểm để mỗi sáng mai con người cất bước ra đi, vừa là tụ điểm khi chiều xuống con người quay gót trở về. Đối với người Việt, nhà có ý nghĩa quan trọng dường nào. “Sống cái nhà, già cái mồ”, nhà là điểm tựa, là dinh lũy trong cuộc sống, nhà bảo vệ người trước những đe đọa thiên nhiên, từ thời tiết bốn mùa mưa nắng đến thú dữ các loài.

Giá trị của nhà có thể biến đổi nhưng không suy giảm theo thời gian; nhà mới thường được thiên hạ ăn mừng với những quà tặng và những mâm cơm hoan hỷ nhưng nhà xưa luôn được sự trìu mến, kính yêu. Được quay về mái nhà xưa là niềm hy vọng và nguồn an ủi vô cùng sâu đậm.

“Nhà tôi” là một danh xưng bình đẳng cho vợ và chồng. Tính bình đẳng ấy là một đặc điểm ở trong gia đình Việt Nam ta xưa, trước khi tập nhiễm quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” vay mượn từ ngoài. “Nhà tôi” còn là tiếng nói ám chỉ mỗi một cá nhân nhưng lại bao hàm cả một cộng đồng.

Tiếng “nhà tôi” ấy như muốn khẳng định một niềm chung thủy. Ai cũng quyến luyến ngôi nhà đã ấp ủ mình và dù có việc đi xa vẫn mong quay về chốn cũ, tìm lại hơi hướng quen thân. Không ai có thể phản bội lại ngôi nhà mình. Trái lại, người ta luôn có ý tưởng vun bồi, tô điểm cho ngôi nhà ấy thêm phần tươi đẹp, khang trang - tô lại nền gạch, xây thêm bờ tường, sắp xếp, chưng bày sao cho vừa bụng của mình và cũng cho đẹp mắt thiên hạ. Có lần, trong cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà thơ Cù Huy Cận đã nói về tiếng “nhà tôi” mà ông cho rằng có một ý nghĩa nhân bản sâu xa - hẳn rằng đa số chúng ta thảy đều đồng ý với nhà thơ lớn. Và tiếng “nhà tôi” còn đó, trong ngôn ngữ Việt, như một chứng tích của quan niệm vợ chồng, của một liên hệ lứa đôi cần được trân trọng, bảo tồn.

Về nghĩa rộng tiếng nhà lặp lại - nhà nhà - có thể hiểu là toàn quốc, toàn dân; ghép với tiếng quê - quê nhà - đó là quê hương và gia đình. Tiếng nhà ở đây không chỉ là thứ đỡ nắng, che mưa mà là một tập thể người đã được hình thành theo một truyền thống, sắp xếp theo một hệ thống, có thể tồn tại nhiều đời, làm nền tảng vững chắc cho một xã hội. Khi người dân nói: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha, kính mẹ, ấy là chân tu” thì tiếng nhà đồng nghĩa với gia đình vậy. Từ lâu, cùng với những biến chuyển lớn trên thế giới, gia đình cũng có những sự đổi thay nhưng ta chưa được thấy công trình nào nghiên cứu thấu đáo về chủ đề này.

Tiếng “nhà tôi” ấy như muốn khẳng định một niềm chung thủy.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo