Mỗi báo tùy theo đối tượng độc giả “ruột”, thường phơi bày, giải lý vấn nạn này theo cách riêng của mình. Có báo lên án nghiêm khắc, xem ngoại tình là một sai trái đạo đức. Có báo thì thông cảm, bao dung nhiều hơn phê phán, bởi lẽ họ xem ngoại tình là hậu quả của một lầm lẫn trong tình cảm, một “ngõ thoát” cho cuộc hôn nhân xộc xệch...
Luật pháp Đông Tây xưa nay không có chỗ để cảm thông hay khoan thứ ngoại tình, cái tội mà chế độ hôn nhân một vợ một chồng (monogamy) kết án cho ông có vợ (hay bà có chồng) lại trót quan hệ yêu đương với kẻ thứ ba.
Thay vì nói ngoại tình (adultery), có khi người ta nói giảm là không chung thủy (infidelity, unfaithfulness), là lừa dối (cheating). Qua nhiều thời đại, không ngạc nhiên rằng ngoại tình là một chủ đề thường có mặt trong văn học Đông Tây. Bởi đó là một góc cuộc sống con người, song hành cùng đời sống hôn nhân.
Vì hôn nhân và gia đình được xem là nền tảng xã hội, văn học viết về ngoại tình thường phơi bày nỗi xung đột, giằng xé của những kẻ trong cuộc khi họ phải đứng giữa áp lực xã hội và sự đấu tranh của bản thân để tìm cái mà họ cho là hạnh phúc.
Kinh Thánh Cựu Ước được xem là một trong các thư tịch cổ xưa nhất sớm chép về ngoại tình. Quyển Sáng thế ký (Genesis, 12:10-20) kể việc ông Abraham trốn nạn đói đã sang Ai Cập. Sợ bị người Ai Cập giết để đoạt vợ ông là Sarah xinh đẹp, ông bảo bà hãy khai với người Ai Cập rằng họ là hai anh em. Bà nghe lời, và sau đó được đưa vào đền vua (Pharaoh); vua tặng Abraham nhiều chiên, dê, bò, lừa, lạc đà, tôi trai tớ gái. Một số nhà bình giảng Kinh Thánh đã xem đấy là sự kiện ngoại tình (dẫu Sarah ở vào tình thế bắt buộc).
Ngoại tình cũng là tình tiết cốt lõi mà William Shakespeare (1564-1616) viết trong ba vở kịch: Othello; Câu chuyện mùa đông (The Winter’s Tale); Các bà vợ vui vẻ ở thị trấn Winsor (The Merry Wives of Windsor).
Trong các tiểu thuyết nước ngoài sau đây, nhân vật ngoại tình là chồng: Nàng Liza ở khu Lambeth (Liza of Lambeth, 1897, của Somerset Maugham, Anh); Bác sĩ Zhivago (Doctor Zhivago, 1956, của Boris Pasternak, Nga); Tắm truồng (Skinny Dip, 2004, của Carl Hiaasen, Mỹ) v.v...
Nhưng cũng lắm kẻ ngoại tình là vợ: Con chữ đỏ thắm (The Scarlet Letter, 1850, của Nathaniel Hawthorne, Mỹ); Bà Bovary (Madame Bovary, 1857, của Gustave Flaubert, Pháp); Anna Karenina (1875-77, của Leo Tolstoy, Nga); Mái ấm và thế gian (The Home and the World, 1916, của Rabindranath Tagore, Ấn Độ) v.v...
Và chẳng loại trừ cảnh “ông ăn chả bà ăn nem”: Chàng Gatsby tuyệt vời (The Great Gatsby, 1925, của F. Scott Fitzgerald, Mỹ); Cái đầu chia ba xẻ bảy (A Severed Head, 1961, của Iris Murdoch, nữ sĩ Ái Nhĩ Lan), Trời đất ghen tuông (The Jealous God, 1964, của John Braine, Anh) v.v...
Ngoại tình thường được hiểu là hành vi cấu thành khi hai bên nam nữ liên can có quan hệ xác thịt. Tuy nhiên đôi lúc người ta còn nói tới “ngoại tình trong tâm tưởng” (adultery in one’s heart), tức là không vi phạm luật hôn nhân và gia đình mà chỉ có thể vi phạm giáo luật hay luân lý xã hội.
Xét về phương diện ngoại tình trong tâm tưởng, người diễn đạt tài tình nhất có lẽ là nhà thơ Trương Tịch (khoảng 766-830) sống vào đời nhà Đường (Trung Quốc). Ông viết bài thơ Tiết phụ ngâm, là lời tâm sự của người đàn bà đẹp, không dám phụ chồng mà cũng chẳng nỡ cự tuyệt nữ trang của kẻ đến sau. Nàng ủ món quà (một đêm?) trong áo lót lụa hồng để tẩm hơi hướm (thật lãng mạn!) rồi mới đem trả lại người ấy, khóc hận cho duyên phận bẽ bàng. Ngô Tất Tố (1894-1954) dịch:
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
Cụ Trương thơ đã hay, cụ Ngô dịch càng khéo. Và người đẹp nào của đời Đường sao lại đa tình đến thế? Ôi, thật cảm thương cho một chữ Tình trong vòng nhân gian hệ lụy!
Bình luận (0)