Khổ trăm bề
Các cô dâu Việt làm việc torng một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở Đài Loan. Ảnh: Duy Quốc (NLĐ)
Lấy chồng ngoại khổ như vậy, nhưng theo tâm sự của nhiều cô gái miền Tây, lấy chồng nội còn khổ hơn nhiều. Chuyện cô dâu Nguyễn Đặng Xuân Thùy ở Cần Thơ thu hút dư luận mấy tháng qua dù sống ở thế kỷ 21 nhưng lại hội đủ các khía cạnh khắc họa hình ảnh người phụ nữ thiệt thòi thời xa xưa: lấy chồng sớm khi chưa tròn 18 tuổi, không đăng ký kết hôn và bị nhà chồng “trả về” vì nghi ngờ sự trong trắng là một ví dụ.
Rồi những Thắm, những Bông, những Nguyệt… luôn có vài vết bầm, sưng trên mặt vì chồng suốt ngày say xỉn, chửi mắng đánh đập. Người vợ ở miền Tây là đồng nghĩa với cảnh đầu tắt mặt tối làm lụng từ việc nhẹ tới việc nặng lo kinh tế gia đình trong khi chồng chỉ mê nhậu nhẹt và đá gà. Và, nếu như đến một ngày nào đó, chồng muốn rũ bỏ vợ chỉ cần vin một lý do đơn giản.
Rất nhiều người phụ nữ ra đi tay trắng bỏ lại sau lưng cơ nghiệp của bao năm làm dâu cực khổ. Có người cũng muốn nhờ cậy đến chính quyền, pháp luật để được bảo vệ quyền lợi, nhưng chỉ mới ở vòng hòa giải cấp xã đã nản chí bỏ cuộc vì phải đi lại nhiều lần, tốn tiền xe, bỏ công ăn việc làm... cảnh nghèo không sao kham nổi.
Tại hội thảo “Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình khu vực Tây Nam Bộ” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, những con số buồn minh họa cho nhận định “khổ như phụ nữ miền Tây” đã được đưa ra.
Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 67,6%, thấp hơn 19,3% so với nam giới (87,0%). Mức chênh lệch tỷ lệ nam - nữ tham gia lực lượng lao động này hiện là cao nhất so với các vùng miền trong cả nước (khu vực Đông Nam Bộ là 17,1%; Tây Nguyên là 7,8%; Trung du và miền núi phía Bắc là 3,0%). Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ chiếm 7,9% so với nam là 11,3% (số liệu chung của nữ là 14,3%).
Đây được xác định là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm các công việc giản đơn của phụ nữ như: bán vé số, sửa móng chân tay, vật lý trị liệu, làm việc trong các quán karaoke, nhà hàng….
Không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp cao (60,2%) hơn so với nam trong cùng khu vực (39,8%), và cao nhất trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 41,1%, Đông Nam bộ là 48,6%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 45,6%).
Bạo hành gia đình và lấy chồng người nước ngoài hiện là vấn đề nổi lên ở miền Tây Nam Bộ. Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực rất cao, trong đó bị bạo lực thể xác là 32,7%, bị bạo lực tinh thần là 60,1%; phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất cả nước, từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 70.000 phụ nữ trong vùng lấy chồng nước ngoài (chiếm 79% tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài), gấp 4 lần số phụ nữ đi xuất khẩu lao động.
Phần đông phụ nữ trẻ ở ĐBSCL lấy chồng nước ngoài đều nuôi hy vọng thay đổi cuộc đời. Nhưng bằng những cuộc hôn nhân vội vã đó đã dẫn đến nhiều bi kịch “hậu hôn nhân”. Hàng trăm phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã phải trở về nước do mâu thuẫn gia đình hoặc bị chồng bạo hành, cuộc sống bị ràng buộc do không đủ giấy tờ hợp lệ để thủ tục ly hôn, làm lại cuộc đời.
Đau lòng nhất là đã có 4 trường hợp cô dâu xuất ngoại bị chồng bạo hành tàn nhẫn dẫn đến những cái chết thương tâm.
Cái nghèo là nguyên nhân Tây Nam bộ cũng là khu vực có tình trạng tỷ lệ học sinh bỏ học cao so với cả nước, nhiều nhất là các tỉnh: Bạc Liêu 26,2%, An Giang 25,9%, Sóc Trăng 25,8%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt các trình độ sơ cấp, trung cấp nghề ở mức thấp nhất; đặc biệt, số trẻ em gái bỏ học nhiều hơn trẻ em trai. Theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình – Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thì chính cái nghèo làm cho phụ nữ và trẻ em miền Tây Nam Bộ thiếu cơ hội học tập, khiến họ phải chấp nhận những rủi ro trong kết hôn sớm, dễ chấp nhận việc bị chồng bạo hành. |
Bình luận (0)