Chị Nguyễn Thanh Phượng. Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Xuất phát
Học và thực hành như trời với vực. Thực tế đó, dường như chưa hề lỗi thời. Nhất là với những người làm lãnh đạo cấp cao nhưng tuổi đời còn quá trẻ như chị. 25 tuổi, chị đã là Giám đốc đầu tư của Công ty Vietnam Holding Asset Management, Thụy Sĩ, với số vốn đầu tư 112 triệu đô la niêm yết trên thị trường chứng khoán London. Một hiện tượng! Giờ đây, khi vừa bước qua tuổi 30, đứng đầu một công ty quản lý quỹ nội địa có tổng tài sản quản lý lên đến 1.500 tỉ đồng, chị còn là chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán với 120 nhân viên, hiện hoạt động khá ổn dù vẫn đang đương đầu với bao khó khăn từ việc suy giảm của thị trường chứng khoán. Chị nhanh chóng nhận ra “điểm yếu của mình: kinh nghiệm, "thứ mà tôi không thể có nhiều ngay lập tức". Nhưng, chị tự tin không nhất thiết phải trải qua những bài học mà cái giá phải trả quá đắt để có được kinh nghiệm. Chị chọn con đường quan sát, lắng nghe và học từ kinh nghiệm của cộng sự, của những người đi trước.
Có lẽ nhiều người sẽ không tài nào hình dung nổi: người đàn bà ấy, suy cho cùng cũng là bậc nhi nữ thường tình, làm sao có thể giải quyết được hàng núi công việc khi chỉ có 24 giờ một ngày như bao người khác? Chị trả lời nhẹ bâng: tất cả là nhờ những cộng sự! Người ta hay nói, làm lãnh đạo là phải biết chấp nhận cô đơn nhưng chị không chấp nhận quy luật đó. Minh chứng rõ nhất là bên chị luôn có những cộng sự trẻ tuổi, tài năng và đầy nhiệt huyết. Họ đang cùng chị sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức để Công ty Bản Việt trở thành một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu, góp phần cho sự phồn thịnh của đất nước. Bên cạnh việc đầu tư tài chính sinh lợi, không phải ngẫu nhiên mà Bản Việt ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Tất cả là nhằm mục đích nâng cao điều kiện sống và giá trị cho xã hội. Chuyện Bản Việt đầu tư xây dựng bệnh viện tại Cà Mau và Huế là một ví dụ rõ rệt nhất, nhằm mang lại các dịch vụ y tế kỹ thuật cao cho người dân ở những vùng xa vốn ít có cơ hội tiếp cận những dịch vụ này. Hay mới đây, Bản Việt đã ký kết bản hợp tác chiến lược để cùng đối tác phát triển hệ thống trường học quốc tế nhằm phát triển mạnh hệ thống giáo dục chất lượng cao, cũng là cách chị và các đồng nghiệp thực hiện tôn chỉ: Giáo dục đóng vai trò then chốt quyết định tất cả. Thông qua sự ra đời của các trường học này, chị tin ít nhiều sẽ góp phần giải quyết chất lượng nguồn nhân lực.
Chị nói đùa, biết đâu chính nhờ những năm tháng làm “lãnh đạo" từ bé đã giúp chị rất nhiều trong việc thu phục người khác khi trở thành người đứng đầu. Nhưng, nếu biết chị đã vượt qua những thăng trầm trong kinh doanh, đã lèo lái doanh nghiệp vượt qua đợt khủng hoảng kinh tế như thế nào, sẽ lý giải được vì sao chị khiến nhiều người “tâm phục khâu phục”. Đó là khi thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh, chị không chỉ phải chịu áp lực từ phía nhà đầu tư mà còn phải đứng trước những quyết định khiến chị mất ăn, mất ngủ: Cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên. Những lúc ấy, vị chủ tịch HĐQT cứng cỏi biến đâu mất, thay vào đó là người phụ nữ yếu mềm trước cảnh gia đình nhân viên sẽ khó khăn nếu bị giảm lương, mất việc. Chị đã quyết định cắt giảm lương từ những vị trí cao nhất, những người mà chị tin rằng cuộc sống họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trước quyết định của chị. Chị đã thu phục các cộng sự của mình bằng những quyết định đi vào lòng người như thế.
Điểm tựa
Chị giống cha như khuôn đúc. Bản thân chị cũng tự nhận mình có nhiều nét giống mẹ nhưng lại thừa hưởng và ảnh hưởng nhiều từ cha, một chính khách nổi tiếng. “Từ bé, do đặc thù công việc, ba mẹ đã không có nhiều thời gian chăm chút cho mình và anh em. Nhưng ba mẹ luôn quan sát, có những định hướng rõ ràng, đúng lúc cho anh em mình. Và quan trọng hơn hết, là bọn mình cứ nhìn cách đối nhân xử thế của ba mẹ, nhìn những gì ba mẹ làm, để định hình nên phong cách sống". Tôi tin vào điều đó. Những ai có dịp tiếp xúc sẽ rõ, ở chị hội tụ cả sự khéo léo, bình tĩnh lẫn sự quyết đoán cần thiết của một người lãnh đạo.
Chị không phủ nhận những lợi thế về gia đình mà mình có được, nhưng cũng chính những lợi thế đó đã gây áp lực không nhỏ cho cuộc sống của chị. Có những lúc chị mệt mỏi đến cùng cực khi phải chịu quá nhiều những điều tiếng, thị phi, những ganh ghét đố kỵ. Không ít lần chị đã chán chường khi mọi cố gắng đều bị cho là "đã được sắp đặt" hoặc “là lẽ đương nhiên". Chị còn nổi tiếng hơn cả... siêu sao, khi chỉ cần gõ Google là có thể thấy hàng loạt thông tin, thậm chí có những câu chuyện được thêu dệt đến nực cười và cay độc về gia đình chị. Chị cười buồn: Sao họ không nhìn vào cách mình ứng xử với những lợi thế đó chứ?
Nhưng rồi chị nghĩa nếu buồn chán, mình cũng chẳng thay đổi được gì! Có thể từ bỏ những người thân mà mình luôn thương yêu để làm hài lòng dư luận? Câu trả lời là: Không! Thứ mà chị quyết định từ bỏ chính là những điều tiếng vô nghĩa kia. Chị tìm đến Phật pháp để bình thản hơn khi đón nhận khó khăn trong cuộc sống, giúp chị trân trọng và hài lòng với những gì đang có. Chị tìm sự bình yên qua việc đem lại niềm vui cho người khác. Chị hiện là chủ tịch quỹ từ thiện mang tên Sống để yêu thương tại Việt Nam với mục đích thật giản đơn: Giúp người cần giúp. Sống để yêu thương đã cùng chị đến với hàng ngàn học sinh nghèo ở các tỉnh Long An và An Giang, đến với những bệnh nhân nghèo không đủ khả năng chữa bệnh ở tận Thái Bình xa xôi... Giờ thì chị đã có thể quay sang... cảm ơn những xì xào không hay kia vì nó đã giúp chị có thêm sức mạnh để sải những bước đi vững vàng hơn, có thêm động lực làm những việc có ích cho người, cho đời.
Chị không quên nhắc đến điều may mắn nữa của mình khi có được điểm tựa vững chắc là người chồng hết mực yêu thương và sẵn sàng san sẻ những khó khăn, những áp lục của vợ. Chồng của chị, doanh nhân Nguyễn Hoàng Bảo, người cũng... nổi tiếng không kém vợ, hiện là Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam. Chỉ với chuyện Bảo, một cử nhân xuất sắc của Harvard, “chịu” về nước lập nghiệp, hẳn đã làm không ít người ngạc nhiên. Anh chăm chỉ học tiếng Việt để không chỉ thuận tiện cho giao tiếp mà còn để hiểu thêm về cuộc sống của vợ mình, về những người xung quanh chị. Nhiều người, chắc sẽ như chúng tôi, cũng thắc mắc chuyện nhà của đôi vợ chồng đầu tắt mặt tối vì công việc, vì những hoạt động xã hội này có khác người? Chị bảo bình thường lắm, về nhà thì buông hết công việc. Và, dứt khoát phải ăn sáng cùng nhau trước khi hai người lên xe đi hai ngả, có khi đến tối mịt mới trở về. Quan trọng là người này phải tìm hiểu gu của người kia để chưa nói đã biết “đối phương” cần gì, vợ biết chồng yêu thích xem những kênh thể thao, nghe nhạc rock, xe cổ, rượu vang; chồng hiểu vợ có “chân đi”, thích hành hương về đất Phật, mê vẽ, yêu nghệ thuật đương đại...
Hoàng Bảo không đòi hỏi vợ phải xắn tay áo lao vào bếp nhưng chị muốn tự tay chăm chút mỗi bữa ăn cho chồng, tự tay tổ chức cuộc sống gia đình, sắp xếp đồ đạc, bếp núc. Họ còn dành cho nhau những phút thong thả hiếm hoi trong cuộc sống thường nhật bộn bề để được cưỡi ngựa hành hương trên Hy Mã Lạp Sơn, ngắm nhìn "nóc nhà thế giới" giữa mùa hè nắng vàng chói chang, óng ả; dành cho nhau những ngày mùa đông chỉ có tuyết rơi trắng xóa, để bàn tay tìm đến bàn tay, để họ hiểu mình cần có nhau trong đời; dành cho nhau những mùa xuân hoa nở lung linh sắc màu trên thảo nguyên xanh thẳm ở Vương quốc Bhutan, đẹp như cổ tích, đẹp như chuyện tình của họ.
Chị già dặn hơn tuổi 31 của mình. Nhưng với tôi, nhận xét ấy là sự thán phục dành cho chị, Nguyễn Thanh Phượng.
Bình luận (0)