icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân phẩm, danh dự quý hơn tiền

Trần Ngọc Hồng (20/29 Nguyễn Hữu Thoại, P.19, Q. Bình Thạnh - TPHCM)

Tiền là tiên là Phật, là sức bật của thanh niên, là cái duyên tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng... Đó là những câu nói nửa đùa nửa thật mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần nghe. Nhưng tiền không phải là tất cả và càng không thể là cái quý nhất

Từ một vật vô hại, đồng tiền đã bị những kẻ thoái hóa biến chất dùng làm công cụ để lo lót tiến thân, làm những điều sai trái bất chấp đạo lý và danh dự. Vì đồng tiền, họ có thể chấp nhận những việc làm tội ác, tàn bạo, làm hại đến cuộc sống của người khác và đặc biệt làm tổn hại đến sức mạnh của quốc gia. Chính cái nhìn đồng tiền lệch lạc và muốn sử dụng đồng tiền như chiếc cầu nối tới quyền thế và danh vọng, coi đồng tiền là “chiếc chìa khóa vạn năng” để mở toang mọi cánh cửa đã khiến bao kẻ trượt dài trên con đường tội lỗi.

Những vụ “đi đêm” của các quan tham PMU 18, rồi vụ “ăn đất” ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng). Vụ mãi lộ của công an giao thông, vụ án Hai Chi và mới đây là vụ chạy trường, chạy lớp xảy ra ở Trường THPT Lê Quý Đôn... vẫn là những trăn trở khôn nguôi về sự thoái hóa biến chất của những cán bộ có chức quyền.

Không chỉ dừng lại ở đó, tiền còn là nguyên nhân chính khiến bao gia đình phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”, khiến cho bao nhiêu đứa trẻ phải sống cuộc sống vất vưởng mồ côi. Cách đây không lâu, chứng kiến cảnh đổ vỡ của gia đình anh T. và chị H., tôi cứ băn khoăn mãi. Vì gia đình này trước đây khi đang còn trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống khó khăn, nhưng hạnh phúc lại ngập tràn, còn bây giờ, dù cuộc sống gia đình ngày càng phất lên nhưng những xung đột gia đình cứ liên tục diễn ra. Chị đổ lỗi cho anh cứ mãi lo kiếm tiền mà không quan tâm đến vợ con để con hư mà không biết, còn anh thì đổ lỗi “con hư tại mẹ”, cứ thế chẳng ai chịu nhường ai và kết quả thì hai vợ chồng dắt nhau ra tòa, còn đứa con thì chỉ biết khóc. Tiền đã đem lại cho họ cuộc sống giàu sang, nhưng cũng chính tiền làm tan nát hạnh phúc gia đình họ.

Tôi nhớ có lần anh bạn tôi nói đùa rằng tiền khiến cho bao cô gái mong muốn có cuộc sống đổi đời đã rời bỏ làng quê để theo chồng bất đắc dĩ sang Đài Loan, Hàn Quốc... dẫn đến bao chuyện dở khóc dở cười, tiến thoái lưỡng nan...

May mắn thay, trong xã hội ta những kẻ băng hoại về đạo đức không nhiều. Vẫn còn đó biết bao người làm ăn lương thiện, tự trọng và làm giàu bằng khả năng lao động chân chính của mình. Những con người như thế thì đồng tiền dù có sức mạnh thế nào đi nữa cũng không thể mua được danh dự và nhân phẩm của họ.

Tiền tác động quá lớn vào lối sống bạn trẻ

Tôi là dân TP chính hiệu mà đôi lúc còn “nhột” với chính các bạn mình. Bạn bè thường kết nhau theo kiểu “coi mặt mà bắt hình dong”, xe tay ga thì chơi với xe tay ga... đại loại thế. Đứa này có một mẫu điện thoại mới thì đứa trong nhóm phải phấn đấu thay “dế” cho bằng được. Nếu không “đua” thì bị cho là “lúa”, còn nếu vào cuộc đua thì quả thật rất mệt mỏi. Tuy chưa làm ra tiền nhưng nhiều bạn dựa bóng bố mẹ và ỷ vào tiền, thích hưởng thụ để chứng tỏ bản lĩnh. Nhất là ý nghĩ có một cuộc sống đã được bảo đảm sau khi ra trường khiến không ít bạn tỏ ra lơ đãng học hành.

Nhiều bạn trong lớp từ quê lên, họ phải nỗ lực rất nhiều, lo toan rất nhiều cho cuộc sống thường nhật. Nhiều bạn vừa đi học vừa đi làm nhưng kết quả học tập rất đáng nể. Nếu các bạn ấy cũng có đầy đủ điều kiện kinh tế, chắc chắn sức bật sẽ rất lớn.

Vũ Minh Sơn (Sinh viên ĐH Ngân hàng)

Cần sớm ý thức và điều chỉnh

Đồng tiền chi phối quá lớn trong cuộc sống hiện nay. Có nhiều gia đình anh em ruột thịt, vợ chồng xào xáo nhau vì tranh giành quyền lợi vật chất. Đồng tiền đã trở thành ma lực. Nhiều người cứ nghĩ có tiền là có tất cả. Lối sống và cách hành xử của con người với nhau ngày càng trở nên ích kỷ, lạnh lùng nếu không có tiền. Đạo đức, nghĩa tình dường như là thứ xa xỉ, thứ không tin được.

Bước chân ra đường là phải tiền. Mọi giao dịch đều phải tiền đi trước. Người ta chỉ cười được với nhau khi có tiền. Mọi thứ đều tồn tại theo quy luật mua bán. Con người dường như chai sạn hết cảm xúc. Nhiều khi nghĩ cũng giật mình nhưng xu hướng của xã hội thế, mình sống khác thì làm sao tồn tại được. Nếu không có những định hướng để mỗi cá nhân sớm ý thức và tự điều chỉnh thì cái giá phải trả thật ghê gớm!

Trần Thị Hải (72/500 M Phan Huy Ích - TPHCM)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo