xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những trẻ nghèo say ca Huế

Đoàn Cường – Trần Hòe

Mới đây thôi các em còn lang thang nơi đầu đường cuối chợ. Vậy mà giờ đây, các em đang say mê tập luyện những làn điệu quê hương với ước mơ cháy bỏng: trở thành nghệ sĩ hát ca Huế

Cuối con đường Hồ Tùng Mậu, TP Huế thi thoảng lại văng vẳng điệu hò xen lẫn với tiếng ngân nga của đàn nguyệt vang lên từ Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú.

Sống với khúc hát quê hương

Trong căn phòng nhỏ với dăm bộ bàn ghế cũ, bà giáo già đang mải mê cất lên làn điệu du dương của một bài lý đậm chất Huế. Trên tay bà, hai chiếc chén nhỏ đang được gõ tanh tách rất điêu luyện theo từng nhịp trầm bổng của bài ca. Trong bộ đồ biểu diễn truyền thống, các em cũng cách cách thanh gõ trên tay, vài em khác thì chập chững gảy đàn theo từng phách nhạc. Sau một lúc tập luyện, 15 em nhỏ cùng hát lại đoạn nhạc mà bà giáo già vừa truyền đạt. Bà giáo của những trẻ em lang thang, mồ côi này chính là nghệ sĩ Minh Mẫn, năm nay đã 81 tuổi. Khi thấy chúng tôi đến, nghệ sĩ Minh Mẫn ra hiệu cho lớp ngừng hát. Bà nói một cách dí dỏm: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Các em chỉ có một giờ để học. Còn tôi thì tuổi già quá gần kề”.

Cách phòng học hai dãy, trong căn bếp nhỏ, Bùi Quang Nhật (11 tuổi) đang nấu cơm, trên tay em là đôi đũa bếp mà em biến thành thanh gõ và xướng lên từng đoạn của bài Lý tình tang một cách rất vô tư. Bé Pháp (12 tuổi), đang nhặt rau cũng hát theo. Cạnh đó, Phước (18 tuổi), đứng trước nồi thức ăn đang sôi trên bếp cũng góp vui cùng. Phước hồn nhiên bảo: “Hôm nay đến phiên bọn em vào bếp nên không đến lớp được. Bọn em tự tập hát trong bếp cũng vui”.

Nghệ sĩ Minh Mẫn tâm sự: “Dù mệt nhưng tôi cũng cố gắng để truyền đạt hết các nhịp, phách, ngân... của một số bài lý như: Lý tử vi, Lý tình tang... cho các em để đến lúc hát các bài ca Huế theo điệu Nam ai, Nam bình sẽ dễ dàng hơn. Thật tình, nếu tập bài bản thì mất rất nhiều thời gian nên tôi động viên các em phải cố tập luyện nhiều hơn nữa”. Khi cô giáo ra về, các em gái vẫn còn xếp hai hàng để hát lại bài hát lần cuối mới yên tâm dùng bữa trưa. Theo học từ những ngày đầu, Võ Thị Hạnh (16 tuổi) bật mí thêm: “Chúng em chỉ mong nhanh đến chủ nhật để hát cho đã. Sai chỗ nào còn có cô giáo sửa cho. Mới đêm hôm qua thôi, chúng em chia thành hai đội, lấy cầu thang giả làm bờ sông để diễn tập hò đối đáp nam - nữ như thật vậy”.

Làn điệu của niềm vui

Những đứa trẻ đến với Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú đều là những mảnh đời kém may mắn và bất hạnh. “Mỗi em một tính cách. Thậm chí có những em còn nhiễm thói xấu từ cuộc sống hè phố. Nhưng khi vào lớp học ca Huế thì các em trở nên ngoan hơn và đã tìm thấy được niềm yêu thích thực sự” - Giám đốc trung tâm Dương Quỳnh Nhi nói.

Nguyễn Thị Na (17 tuổi), quê tận Gia Lai, từng lang thang khắp nơi trước khi về mái ấm Xuân Phú. Cô bé luôn khao khát trở thành một nghệ sĩ hát ca Huế chuyên nghiệp. “Em biết để hát được ca Huế không dễ. Nhưng em sẽ cố gắng hết sức mình” - Na tâm sự. Còn Phước cũng bén duyên cùng những điệu Bắc với nốt nhạc vui tươi, thoải mái; những điệu Nam với những nốt buồn, chậm rãi và sâu lắng từ khi nào không rõ. Bé Hạnh thì rất vui khi đã tự biểu diễn bài Lý tình tang tặng người cha đã thay mẹ chăm sóc mình từ nhỏ vào dịp sinh nhật. Chính những bài ca Huế đã đưa những đứa trẻ bất hạnh lại gần nhau, đối xử với nhau như anh chị em trong một gia đình.

Cũng vì tấm thực tình của những đứa trẻ trong trung tâm đã “thu phục” hai nghệ sĩ lão làng của ca Huế là nghệ sĩ Minh Mẫn và nghệ sĩ Thanh Hương (75 tuổi). Hai cô giáo dù tuổi đã cao vẫn sẵn sàng ngồi xe đạp do các em làm tài xế để đến lớp học này truyền lại những điệu hò, câu lý quê hương cho các em. Họ không quản ngại khi phải hát cả giờ và chỉ dạy tận tình từng điệu nhạc của ngũ tuyệt (năm đàn dùng trong ca Huế) lại cho các em. Nghệ sĩ Minh Mẫn cho biết: “Những đứa trẻ có khả năng và chăm ngoan như thế này mới thật đáng quý. Hơn nữa, tình cảm chân thực chúng thể hiện trong bài hát luôn làm tôi xúc động”. Và hai giáo viên già đã có thể tự hào về những học trò đặc biệt này của mình khi trong một số chương trình văn nghệ của các đơn vị đã bắt đầu xuất hiện những tiết mục ca Huế của những “nghệ sĩ” nhí này.

Bà Dương Quỳnh Nhi cho biết: “Sắp tới đây chúng tôi sẽ nhận thêm những trẻ em yêu thích và có khả năng hát ca Huế về đào tạo một cách bài bản. Và ca Huế của trung tâm sẽ không chỉ là sân chơi, mà trở thành một hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mong ước, các em nhỏ ở trung tâm cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội để khi rời trung tâm sẽ có nhiều nơi đón nhận các em”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo