Phố sách cũ” Sài Gòn là đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai gần bùng binh Ngã Sáu. Khu vực này ước chừng có 40 tiệm bán sách. Tiệm nào sách cũng ngồn ngộn. Không như cách đây 5 - 7 năm, cái thú chơi sách cũ dường như chỉ còn “vang bóng một thời” và nghề bán sách cũ không còn ăn nên làm ra như trước nữa.
Sách cũ không còn là sách xưa...
Muốn tìm Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên được tái bản trước năm 1975 hay bộ truyện Harry Potter mới nhất, cứ ghé phố sách cũ mà tìm là ắt có. Sách khoa học kỹ thuật, lịch sử, văn học, hội họa, truyện tranh, tạp chí, báo..., thứ gì cũng có cả và nhiều ấn phẩm còn mới tinh tươm trên kệ. Bây giờ, khái niệm “sách cũ” không còn là sách xưa nữa mà được hiểu là sách không còn mới, đã qua xài rồi. Sách xuất bản vào thế kỷ 19 thuộc vào loại hàng hiếm, trước năm 1975 cũng không có nhiều mà chủ yếu được in từ 1980 đến... 2004. Nhìn trên kệ, từ quyển Cổ học tinh hoa do Trung tâm Học liệu Sài Gòn in năm 1973 bìa đã ố vàng, cho tới tờ Nhịp Cầu số tháng 9-2004 cũng hiện diện. Theo chị Bình, người bán sách ở tiệm 480A, đại đa số sách bán tại “phố sách cũ” được mua từ các nhà in, các thư viện hoặc người đọc đem bán lại. Ngoài ra, các chủ tiệm còn thu gom cả những ấn phẩm mới nhất với giá rẻ. “Vài năm sau chúng sẽ trở thành hàng cũ, sẽ bán được. Chỉ có sách quý chúng tôi mới săn tìm, còn sách như thế này thì ngồi nhà cũng có vô khối vì nhiều khách mang tới đổi, bù tiền thêm mua sách mới” - chị Bình nói. Dạo một vòng quanh “phố sách cũ” Sài Gòn, không còn bắt gặp cảnh đông đúc, tấp nập như gần một thập niên về trước. “Thời đại Internet mà, cái gì cũng tìm được nhanh gọn bằng vài cú “click”. Sách bây giờ được tái bản tràn lan, mẫu mã đẹp nên đẩy sách cũ ra thị trường bằng ngõ hẹp” - chị Bình nói.
Người đi mua sách cũ bây giờ chủ yếu là sinh viên, học sinh ít tiền, trí thức thu nhập thấp và trẻ em. Cầm quyển Chuông nguyện hồn ai của E. Hemingway (in năm 1958) trên tay, Thương, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Văn hóa, giải thích: “Sách tuy cũ, giấy dỏm, bìa xấu nhưng quan trọng là giá rẻ, chỉ 10.000 đồng. Sách này quyển mới phải là 50.000 đồng. Đắt!”. Ngoài kia, một thằng bé mua quyển Đô-rê-mon với giá 2.000 đồng, nói vọng vào: “Ngày mai con trả lại sách, bù thêm 1.000 đồng lấy cuốn mới, cô nhé!”.
Không bỏ thú đam mê
Khi số nhà sách tại TPHCM tăng mạnh và có hệ thống, số lượng đầu sách cũng ngày càng nhiều với kỹ thuật in hiện đại, chất lượng giấy tốt, hình thức đẹp..., những tiệm sách cũ làm ăn ngày càng khó khăn. Theo lời những người bán sách, thời kỳ thịnh đạt của nghề kinh doanh sách cũ đã qua, vài ba năm nay, nghề này đang suy, đơn giản là vì người mua không chuộng sách cũ nữa, người bán tồn đọng vốn, nhiều người gặp khó khăn vì buôn bán không sinh lời để trang trải, nói gì đến chuyện làm giàu. Dù kinh doanh gặp khó, nhưng không có tiệm sách nào đóng cửa. Bán sách cũ ế ẩm, nhiều tiệm linh hoạt chuyển qua làm lịch hoặc liên kết xuất bản... và lợi nhuận từ những nguồn này dùng để “nuôi dưỡng” tiệm sách. Ông Hai Kỷ, một người bán sách lâu năm ở đây, cho biết: “Bán sách cũ chưa phải là cái nghề thực sự, nhưng khó khăn mấy cũng không bỏ được. Hồi trước, sách quý nhiều, có ngày lời cả triệu bạc, còn giờ thì vất vả lắm. Được cái là mình còn thú đam mê. Khi còn người đọc sách cũ thì còn người bán sách cũ”.
“Đạo” đọc sách, chơi sách
Bây giờ, muốn mua một cuốn sách cũ, bản gốc thật không dễ. Có cuốn như Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, khách đặt hàng, chồng trước tiền nhưng chủ tiệm tìm mấy tháng trời vẫn không ra. Nghe đâu cả Sài Gòn chỉ còn một quyển nằm trong Thư viện Tổng hợp TP. Trước đây, có một số người chuyên đi sưu tầm sách cổ, sách quý. Họ xem đó như là một thú vui tao nhã, xem chuyện gìn giữ con chữ là thiêng liêng của cả đời người. Một thời, có không ít người từ TPHCM ra Hà Nội để lùng mua Từ điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ (bản gốc, bộ 2 quyển). Bộ từ điển gây “sốt” này sau đó được dân chơi sách Hà Nội mua với giá 1,5 triệu đồng. Khi những cuốn sách thuộc dạng hàng hiếm đã yên vị trong tủ của những người chuyên sưu tầm sách quý, trào lưu chơi sách cũ, sách cổ cũng dần lùi vào dĩ vãng. Thỉnh thoảng, khi hay tin trên thị trường có lưu hành một cuốn sách quý thì dân “săn” sách mới lại vào cuộc. Chị Linh ở tiệm sách 472C đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, dù đã được tái bản năm 1974 nhưng nay cũng thuộc dạng best seller với giá 700.000 đồng/bộ 2 quyển. Sở dĩ như thế bởi 2 năm trước, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị bản gốc (độc bản), in lần đầu vào năm 1896 bất ngờ xuất hiện tại quận Gò Vấp, “hút” cả giới mê sách cổ từ Hà Nội vào. Bản sách quý này đã được chủ nhân của nó, là một ông giáo già bị mắc bệnh nan y, rao bán với giá... 2,5 triệu đồng, dù đã sờn gáy, giấy úa vàng. Thật may, người học trò cũ của ông giáo, biết bệnh tình của thầy, đã nhờ người nhà mua lại với giá cao gấp đôi, để cho thầy có tiền chữa bệnh. Về sau, nghe nói anh ta đã mang bản sách đến tặng lại cho thầy mình. Thế mới biết, đọc sách không chỉ đơn thuần là một thú vui, một niềm đam mê, mà nó đã được nâng lên thành “đạo”.
Bình luận (0)