Đang đi ngoài đường, tôi phải dừng lại vì tiếng điện thoại reo liên tục. Giọng Hằng, em họ tôi, hét toáng lên trong điện thoại: “Em vừa thấy ông Thanh, chồng chị Loan, vào khách sạn với cô nào đó. Nhìn ông ấy hiền lành thế mà...”. Hằng định nói thêm nữa nhưng tôi tắt máy và gọi ngay cho chị Loan. Tưởng đâu Loan sẽ gào khóc, hỏi ngay địa chỉ khách sạn để đến bắt tận tay, day tận mặt nhưng giọng chị yếu xìu: “Chị biết rồi”.
Vì con?
Chị Loan làm phó giám đốc chi nhánh ngân hàng tại quận 1, TP HCM; còn anh Thanh, chồng chị, làm trưởng phòng của một công ty chứng khoán. Họ có nhà lầu, xe hơi và 2 cô con gái đang du học ở Singapore. Nhìn họ, ai cũng ngưỡng mộ vì sự thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Khi biết anh Thanh có người khác, không chỉ Hằng mà tôi cũng sốc nặng. Chị Loan xinh đẹp, giỏi giang thế kia thì anh Thanh còn đòi hỏi gì nữa?
Hạnh phúc chỉ có từ những gia đình thật sự hạnh phúc. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: ANH VY
“Anh chị tuy sống chung nhà nhưng đã ly thân mấy năm nay rồi. Vợ chồng chị giao ước với nhau việc ai người đó làm, có người mới thì người kia không được ghen tuông nhưng phải khéo để mọi người không biết, kể cả 2 đứa con” - giọng chị Loan nghèn nghẹn. “Sống như vậy mà chị chịu được sao? Chia tay là điều không ai muốn nhưng em tin 2 con chị sẽ hiểu, thông cảm” - tôi phản đối. Chị cười buồn: “Chia tay vào lúc này không được đâu, nhất là khi bé Thi còn nhỏ quá. Nếu anh chị chia tay, con bé sẽ bỏ học về nước ngay. Rồi việc vợ chồng gãy đổ sẽ ảnh hưởng đến gia đình hai bên, công việc làm ăn của anh chị...”. Chị còn nói thêm nhiều lý do nữa nhưng tôi chẳng nhớ hết.
Vậy mà mới hôm qua, tôi lại thấy vợ chồng chị tay trong tay đến tham dự đám cưới của một người bà con. Trong mắt mọi người, họ vẫn là cặp đôi rất hạnh phúc.
Sợ bị cười chê
Nhiều cặp vợ chồng cố gắng diễn cảnh hạnh phúc dù gia đình họ đã đứng bên bờ vực tan vỡ. Chỉ có người trong cuộc mới biết mình “gồng” được bao lâu nữa, như trường hợp của Hoa - ngụ đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP HCM.
Ngày Hoa lên xe hoa, bà con và bạn bè ai cũng mừng vì cô lấy được chồng giàu có. Nhưng về nhà chồng, Hoa mới té ngửa khi tất cả những gì cô và mọi người nghĩ đều không thật. Ngay trong đêm tân hôn, mẹ chồng Hoa ngọt nhạt: “Bên ngoài bây giờ đầy cướp giật, đeo trang sức nguy hiểm lắm, con đưa đây mẹ giữ cho”.
Điều đó không làm Hoa buồn bằng việc chồng cô hằng ngày phát tiền đi chợ và bắt kê khai mua món gì, bao nhiêu tiền và còn dư bao nhiêu phải trả lại. Thuộc loại người “đo lọ muối, đếm củ hành” nhưng chồng Hoa ra ngoài lại khoe khoang tặng vợ quần áo đẹp, xe xịn, son phấn đắt tiền... “Sao em không vạch mặt anh ta cho mọi người biết?” - tôi thắc mắc. Hoa giải thích: “Xấu chàng hổ thiếp chị ạ. Quan trọng hơn, em sợ ba má ở quê biết được, lo nghĩ thì tội lắm. Cứ để mọi người nghĩ em đang rất hạnh phúc”.
Cũng như Hoa, Bích - bạn tôi - cố gắng tạo một vỏ bọc hạnh phúc hoàn hảo cho mình dù cuộc hôn nhân của cô chỉ tồn tại trên giấy tờ. Mỗi khi có ai hỏi đến Bích, bà Năm - mẹ cô- lại khoe: “Vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Mới tháng trước, vợ chồng nó còn gửi tiền về cho thím sửa lại nhà”.
Bà Năm hay khoe con gái lấy chồng giàu, đi xuất ngoại, thường xuyên gửi tiền về... Song, chỉ ai thân thiết mới biết được Bích đang phải cày ngày cày đêm ở xứ người để trả nợ cho hợp đồng kết hôn giả, thỏa mãn ước mơ được ra nước ngoài của cô và gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tâm An - Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc, TP HCM:
Tức nước, vỡ bờ
Nhiều gia đình không còn mặn nồng, hạnh phúc nhưng vẫn cố gắng níu kéo vì con cái, danh dự, tài sản... Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được ngưỡng chịu đựng của mình như thế nào. Sự đè nén, kiềm chế lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng tức nước, vỡ bờ. Những đứa con sống trong gia đình không còn hạnh phúc cũng rất nguy hiểm, dễ nảy sinh nhiều tâm lý tiêu cực.
Bình luận (0)