Xăm để thể hiện...bản lĩnh! (?)
Việc xăm mình phần lớn là do các nguyên nhân như ý thích nhất thời, do bế tắc trong cuộc sống, xăm để khẳng định cái "tôi"... Vài lời khích bác của bạn bè đủ làm máu nóng bốc lên, tự hè nhau ra xăm. Nhiều tác phẩm khá đẹp, ra đời từ những bàn tay không chuyên, cũng có khi từ những thợ xăm dạo trên đường phố.
Nhiều cậu choai choai cũng rủ nhau xăm hình để... thể hiện bản lĩnh đàn ông! Mới hết 2 tháng hè, thấy đứa con trai 15 tuổi của mình có vẻ bất thường, ông bố phải kiểm tra "cưỡng chế". Ông “tá hỏa tam tinh” khi thấy hình con chim ưng trên vai cậu nhóc! Không ít trường học đã không nhận học sinh xăm mình vào lớp, sợ ảnh hưởng tới môi trường học đường.
Các cô gái trẻ thời nay có người thích xăm lên mình các hoa văn, hình bướm, bông hồng, cá, thỏ, trái tim… Nhiều dân chơi khoe "hàng xịn" là những tác phẩm xăm rất mỹ thuật, tinh tế sau chuyến đi du lịch nước ngoài. Lại có cả kiểu xăm "sữa", chỉ nổi hình khi có chút cồn trong máu. Đôi khi đi trên đường thấy mấy cô gái mặc quần lưng trễ, áo 2 dây, lộ ra mảng lưng trắng mịn, thấp thoáng một hình xăm hoặc bờ vai hoặc ngay mép lưng quần, người đi đường nhiều phen... liêu xiêu.
Tình tan, xăm tàn
Sau một thời gian yêu thích ngắn ngủi, các hình xăm bắt đầu gây trở ngại cho khổ chủ của nó. Các thanh niên không còn thích băng đảng nữa, hoặc vừa xong cai nghiện…, muốn hội nhập trở lại với xã hội nhưng với các hình xăm chằng chịt đầy người, họ rất khó giành được một chỗ làm tốt và mất cơ hội đi xuất cảnh lao động ở một số nước. Một số trường khi tuyển sinh lại không muốn nhận những người có hình xăm. Các cô gái khi lập gia đình, dù chồng tương lai có thông cảm, nhưn g gia đình chồng chắc là không thiện cảm với các hình xăm trên người cô dâu. Chưa kể trường hợp oái oăm: có cô khi đang lúc còn mặn nồng ân ái, đã để cho người tình cũ xăm tên đôi lứa lên người, nay tình duyên chia lìa mà kỷ niệm của hai người vẫn tồn tại mãi trên... da. H., một cô gái trẻ đã tìm đến một TMV để tẩy đi dòng chữ Em chỉ là của riêng Vinh thôi. Chắc hẳn cuộc tình đã "tan", cô không thể để nguyên bộ ngực như vậy để đến với chàng trai khác.
Những tình cảnh trớ trêu xảy ra sau khi xăm đã khiến “khổ chủ” phải cố tìm mọi cách để xóa hình xăm như xóa đi quá khứ không vui.
Người tự dùng kim lể, hy vọng sẽ nặn mực xăm ra khỏi da, nhưng vô vọng. Người nghe bạn bè chỉ bảo, tìm đến các cơ sở xóa xăm “bình dân” để dùng muối chà xát, dùng acid, dùng thuốc tím đậm đặc, dùng bàn ủi nóng… xóa hình xăm. Hậu quả của các phương pháp “dám nghĩ, dám làm” này là các vết sẹo loang lổ, chỗ lồi, chỗ lõm, rất dị dạng mà mực xăm vẫn không hết! Thảm hại hơn, có trường hợp một cơ sở thẩm mỹ dùng hóa chất mạnh để xóa xăm chân mày cho chị N.T.T, làm... trụi sạch 2 chân mày và làm cháy da. Ở vị trí hai chân mày này là 2 vết sẹo lồi to tướng khiến chị luôn đội nón sụp đến chân mày khi ra đường!
Khi cần thay đổi hình dáng chân mày đã xăm, một số cơ sở thẩm mỹ lại có "sáng kiến" pha màu mực xăm gần với màu da để "đè" lên màu xăm chân mày cũ rồi xăm một đường chân mày mới. Do pha màu da người không dễ, màu sắc sau khi xăm lại biến đổi theo thời gian, rốt cuộc các vị thượng đế phải dở khóc, dở cười với... 4 chiếc chân mày trên cùng khuôn mặt!
Trước đây, để xóa xăm, người ta dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ phần da bị xăm, lấy da từ nơi khác trên cơ thể để ghép vào. Cách làm này có thể gây sẹo tại cả nơi ghép da và nơi lấy da. Đối với trường hợp dùng phẫu thuật để xóa xăm chân mày, mí mắt... thường bác sĩ cắt bỏ bớt phần da có xăm để thu hẹp chân mày, nhưng sẽ tạo sẹo, và thường phải cấy lại lông mày bù phần nang lông bị lấy mất cùng với da xăm hay mắt bị lồi ra, lúc ngủ cũng mở mắt thao láo (!).
Dùng phương pháp xóa xăm bằng laser rất hiệu quả. Tuy nhiên laser có rất nhiều loại. Loại laser thông dụng nhất, giá rẻ là loại laser CO2 (phần lớn do Trung Quốc sản xuất). Do tính chất của tia laser CO2 là hủy hoại vật thể có chứa nước khi chiếu tia vào nên hình xăm bị xóa đi đồng thời phần da bên trên cũng bị hủy hoại, thành sẹo.
Gần đây, các nhà khoa học và các bác sĩ thẩm mỹ đã cùng nhau nghiên cứu thành công loại laser có độ dài xung ngắn, khoảng 10 phần tỉ giây (10 nanosecond), như laser YAG, laser Ruby… phù hợp để xóa các sắc tố trong da, xóa mực xăm mà không hủy hoại da, nên không gây sẹo, không đau đớn. Loại tia laser này chỉ tác động theo màu sắc của vật thể phù hợp với bước sóng của tia (mà không tác động vào môi trường nước), tia chỉ tác động vào màu của mực xăm (đen, xanh đen…), không tác động vào màu vàng của da nên không hủy hoại da. Loại tia laser thế hệ mới này ngoài xóa hình xăm, chân mày xăm, mí mắt xăm… còn được dùng để xóa các loại bớt bẩm sinh; kích thích trẻ hóa da mặt, cổ, ngực…, triệt lông nách, tay, chân…
Rất tiếc, hiện nay do thiếu thông tin nên nhiều người, kể cả nhiều bác sĩ, vẫn chưa biết đến tiến bộ của công nghệ laser thế hệ mới này. Có nơi lợi dụng sự thiếu thông tin của khách hàng, vẫn sử dùng cách xóa xăm rũ rích từ thế kỷ trước để kiếm lời: "xẻo" chỗ nọ, "đắp" chỗ kia, gây không ít rủi ro. Máy laser thế hệ mới rất đắt tiền, bảo trì khó khăn, tốn kém nên không phải cơ sở TMV hay bệnh viện nào cũng trang bị được.
Bình luận (0)