icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thời... fast-food

Tổng hợp từ Internet 

Tôi bước vào tiệm ăn nhanh Lotteria ngay góc Nguyễn Đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), các bàn gần như đã kín chỗ và dường như chẳng ai để ý đến ai. Họ đang “tranh thủ” thưởng thức những món ăn nhanh kiểu Mỹ mà giới trẻ TP HCM vẫn thường nói vui là... ăn công nghiệp.

Món của người bận rộn

Chần chừ hồi lâu, tôi gọi một cái burger thịt heo. Thằng bé ngồi bàn kế bên vừa xì xụp xong món salad đã kì kèo mẹ: “Con ăn thêm một cái đùi gà nữa”. Chị nó thấy thế cũng không cầm được sự thèm thuồng: “Con cũng một cái, mẹ nha”. Bà mẹ vuốt đầu thằng nhỏ rồi liếc nhìn bố chúng, cười trìu mến: “Ăn trừ bữa tối luôn nhé, tối nay không có cơm đâu”.

Đảo mắt một vòng quanh tiệm, tôi thấy không những gia đình của cậu bé bàn kế bên mà trên nhiều bàn khác, giấy gói bánh, đĩa cũng đã xếp chồng. “Tôi thường làm về muộn, lại phải đưa đón thằng bé nên cả nhà vẫn hay đến đây ăn tối thay vì phải nấu nướng”, chị Cẩm Thúy (ở quận 3) nói vậy khi tôi bắt chuyện.

12 giờ trưa, tôi ghé tiệm Chicken Town nằm ở góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn (quận 1). Nhân viên phục vụ chạy ra chạy vào như những con thoi. Đây là tiệm thức ăn nhanh kiêm cơm trưa văn phòng. Tuy nhiên, theo một nhân viên ở đây thì thức ăn nhanh vẫn được khách lựa chọn nhiều hơn. Là nhân viên bán hàng thời trang ở Trung tâm Dịch vụ-Thương mại Saigontourist gần đấy, Lan trở thành “khách ruột” của tiệm thức ăn nhanh này gần một năm nay. “Buổi trưa nghỉ có 45 phút, để tranh thủ ngủ một tí nên em chọn thức ăn nhanh cho tiện, mà ăn cũng thấy ngon miệng”, Lan cho biết.

Đã 7 giờ tối nhưng tiệm thức ăn nhanh Jollibee ở Saigon Superbowl (đường Trường Sơn, quận Tân Bình) vẫn đông khách. Nhìn thực đơn với những burger bò, gà rán, khoai tây, bánh mì hotdog..., tôi có cảm giác như chất béo đang chạy rần rần trên lưỡi. Tôi chọn burger bò, giá 15.000 đồng/cái, trả tiền và nhận một số thứ tự. Anh nhân viên chạy bàn nhanh nhảu mang thức ăn đến và không quên câu cửa miệng: “Chúc ngon miệng”. Không gian và cách bài trí ở tiệm ăn nhanh Jollibee ở Saigon Superbowl trông chẳng khác gì một nhà hàng thu nhỏ. Những nhân viên bán hàng ở đây cho biết, “thượng đế” của họ đa số là các cháu thiếu nhi từ 10-15 tuổi, một bộ phận không nhỏ là nhân viên bán hàng tại Saigon Superbowl và người nước ngoài, nhất là người Hàn Quốc, Đài Loan.

Định hình lối sống công nghiệp

Có mặt tại Việt Nam từ những năm 1990, thức ăn nhanh (fast-food) phát xuất từ Mỹ đã nhanh chóng trở thành món “khoái khẩu” của nhiều nhóm đối tượng người Sài Gòn. Theo hãng Lotteria thì lứa tuổi từ 10 đến 25 là đối tượng phục vụ phổ biến của họ. Thực tế cho thấy, với phong cách phục vụ tận tình, lịch sự, giá cả phù hợp (từ 10.000-50.000 đồng/suất) và có mặt trong các siêu thị, trung tâm thương mại, fast-food đã nhanh chóng được người dân Sài Gòn lựa chọn. Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, quản lý tiếp thị hệ thống thức ăn nhanh Lotteria, sở dĩ fast-food đang ngày càng có xu hướng bùng nổ tại TPHCM là do đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là giới trẻ vì tiết kiệm được thời gian, lại có không gian trao đổi khi bàn công việc, thậm chí nhiều đôi tình nhân cũng có thể vừa ăn vừa tâm tình.

Trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều hãng thức ăn nhanh nước ngoài đã nhanh chóng nhảy vào thị trường TPHCM. Hiện toàn TP đã có 4 hãng thức ăn nhanh nước ngoài cạnh tranh nhau quyết liệt, đó là KFC (Kentucky Fried Chicken), Lotteria, Chicken Town, Jollibee, (McDonald là tập đoàn thức ăn nhanh lớn nhất thế giới chưa có chi nhánh tại TPHCM). Trong đó, sự “bành trướng” của KFC là đáng kể nhất khi tập đoàn thức ăn nhanh này có tới 10 cửa tiệm ở TPHCM. Kế sau đó là Lotteria với 7 cửa tiệm. Mới đây, hãng này đã khai trương thêm một cửa hiệu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) và dự tính từ nay đến hết năm sẽ khai trương thêm 2 tiệm nữa. Nhãn hiệu thức ăn nhanh Jollibee do Công ty Tân Việt Hương mua của nước ngoài thuộc vào hạng “em út” so với các “đại gia” khác nhưng cũng đang có kế hoạch mở thêm nhiều tiệm mới ngoài 3 cửa tiệm hiện đang đặt tại Saigon Superbowl, Thuận Kiều Plaza và Citi Plaza. Để cạnh tranh, các hãng thi nhau thực hiện những chiêu thức như thiết kế tiệm ăn cầu kỳ, đẹp mắt, chế biến phù hợp khẩu vị của khách, phục vụ tận nơi...

Theo thống kê của Sở Thương mại TPHCM thì hiện toàn TP có khoảng 25 tiệm thức ăn nhanh của tất cả các hãng, tập trung chủ yếu trên các đường phố chính ở quận 1, 3, 5 như Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi... hay trong các siêu thị Zen, Co-op Mart, Diamond..., thậm chí trong một số nhà sách cũng có. Điều đó cho thấy đã hình thành một nhịp sống mới, nhịp sống công nghiệp tại những đô thị lớn ở Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều nhà xã hội học thì thức ăn nhanh phổ biến là điều tất yếu một khi đời sống xã hội ngày một phát triển. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ cũng lo ngại về những hệ quả của việc mất dần đi bữa cơm truyền thống gia đình Việt Nam, bên cạnh đó là các hệ lụy khác như tỉ lệ người béo phì gia tăng, nhất là trẻ em.

Theo SGGPTB

------------------------

Lịch sử fast food

Một trong những người sáng lập nên ngành công nghiệp fast-food là Carl Karcher, sinh trưởng tại Ohio (Mỹ). Năm 1939, ông đến California và mua một chiếc xe ngựa để đi bán xúc xích dạo cho khách ngồi trong xe hơi. Công việc rất phát triển, Carl đã mở một quầy ăn di động chuyên phục vụ cho các thực khách ngồi trong ô tô với tên gọi “Quầy thịt nướng lưu động dành cho thực khách xe hơi Carl” (Carl’s Drive-in Barbecue).

Cũng trong thời gian đó, hai anh em nhà McDonald, Richard và Maurice, đã rời quê nhà New Hampshire, đến California mở một rạp hát nhưng thất bại. Biết dân Mỹ đang rất thích ăn trong quầy hàng drive-in, họ đã mở một quầy hàng như thế tại Pasadena, California vào năm 1939 với tên gọi “Thịt băm viên nổi tiếng của McDonald” (McDonald’s Famous Hamburgers). Cuối những năm 1940, anh em nhà McDonald cảm thấy mệt mỏi với việc phải thay những đĩa, đồ thủy tinh, đồ bạc nên đã quyết định đóng cửa quầy hàng và mở một quầy hàng McDonald mới với thức ăn được để trong túi, bao nhựa hoặc giấy. Nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đã tìm đến quầy hàng McDonald ở California để xem quầy hàng hoạt động như thế nào. Sau đó họ đã trở về địa phương và dựng lên những quầy hàng giống McDonald của riêng mình như Burger King, Taco Bell, Wendy’s Old – Fashioned Hamburgers, Dunkin’ Donuts, Kentucky Friend Chicken (KFC)... Ngay cả Carl Karcher, cha đẻ của ngành thức ăn nhanh đã khởi nghiệp bằng việc bán xúc xích trên xe ngựa, cũng mở một loạt các quầy hàng thức ăn nhanh với tên gọi là Carl Jr.’s.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo