. Phóng viên: Từ một cô giáo dạy nấu ăn bước ra kinh doanh với hai nhà hàng, trên hai con đường mà quán ăn san sát như đường Lê Quý Đôn và Nguyễn Thị Diệu, làm thế nào để chị tạo nên sự khác biệt của Dzoãn?
- Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: Giữa việc dạy và việc kinh doanh khác nhau dữ lắm, nhưng tôi nghĩ trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này, nhà hàng đẹp, phục vụ tốt, địa điểm trung tâm... chỉ là tiêu chuẩn chung, cái làm nên sự khác biệt chính là đồ ăn ngon, ngon cả những món nước chấm. Với Dzoãn, thời gian thử nghiệm đã qua. Khách đã chấp nhận món ăn, và không còn câu nệ món này có phải "cô Vân nấu hay không" nữa, bởi đội ngũ đầu bếp đã được huấn luyện kỹ càng. Trong ẩm thực, tôi coi trọng sự thuần khiết, giữ hương vị món ăn của từng vùng một cách tối đa, chỉ sáng tạo ở những món ăn mới và làm phong phú thêm thực đơn của những món ăn đặc sản. Theo tôi "ngon" tức là vừa miệng, hợp khẩu vị, tất nhiên món ăn phải trình bày đẹp, hợp vệ sinh. Người ta ăn không chỉ bằng miệng, mà còn bằng mắt, bằng tai, bằng hương, nên mọi chi tiết đều phải hoàn hảo.
. Không chỉ dạy nấu ăn trên HTV, chị còn kết hợp cùng các công ty du lịch bán tour qua các lớp học nấu ăn “Cook Family” và thành lập trang web Câu lạc bộ Nội trợ. Người nước ngoài có đánh giá cao ẩm thực Việt Nam?
- Tôi muốn mang cái không khí gia đình của Việt Nam vào những buổi dạy nấu ăn, nên đã biến ngôi nhà của mình thành lớp học. Các bạn nước ngoài rất thích thú với cách dạy đó, và tôi đã có nhiều bạn bè là đầu bếp nổi tiếng ở các nước qua những lớp học này.
Nghề nào cũng cần sự tận tâm và đạo đức nhà giáo. Tôi không chỉ dạy cách thức nấu các món ăn, tôi còn muốn truyền cho học trò tình cảm, sự hiểu biết về văn hóa, tập tục, phong thổ, con người thông qua ca dao, tục ngữ, sự tích về từng loài hoa trái, thuyết âm dương, những vị thuốc nam trong ẩm thực... Giải thích cặn kẽ cho các em vì sao cái mâm của người Việt lại hình tròn, vì sao món ăn này phải dùng với loại rau thơm nọ... Viết sách và dạy nấu ăn là một đam mê của tôi.
. Chị nghĩ sao khi có người nói rằng chị thiếu những “trò diễn hấp dẫn” như chương trình Yan can cook? Những người đã có thương hiệu trong ngành bếp như chị thường xem những "bí kíp” là tài sản riêng, vì sao chị lại cởi mở hết với mọi người?
- Tôi "thua" Martin Yan ở những "xảo thuật" như hất chảo, tung thức ăn, hay băm cắt thức ăn... Tôi rất thích phong thái trẻ trung, năng động của anh ấy. Cách dạy của tôi mô phạm hơn, đơn giản, mạch lạc, giúp khán giả luôn thoải mái. Điều tôi quan tâm là làm sao khán giả có thể nắm bắt được, nấu được những món ăn ngon ngay sau khi xem chương trình của mình. Nhiều khi các con hỏi tôi “Tại sao "bà lão" được người ta thương thế?”. Tôi tri ân tình cảm của mọi người. Tôi nghĩ có lẽ mọi người thương tôi ở sự giản dị và chân thật, chứ cái nghề của tôi nhỏ bé lắm, có gì đâu để mà nói.
Tôi bị bệnh tim, huyết áp, và đã một lần tưởng chết. Đó là vào năm 1986, nghe tin tôi đã hôn mê, anh trai tôi cùng một người bạn vào Bệnh viện Nguyễn Trãi thăm tôi lần cuối. Lúc ấy tôi đã tím đen hết, người cứng như đá, bạn anh tôi là người biết nội công, nhưng bác sĩ lại không cho phép anh làm điều đó. Cuối cùng bố tôi phải van nài bác sĩ: "Hãy cứu lấy con tôi, các cháu tôi còn nhỏ quá, đứa 2 tuổi, đứa 5 tuổi mà mất mẹ thì tội lắm!". Tôi được anh cứu sống như một phép lạ, nhưng di chứng để lại một bên mặt và chân trái bị tê, nên tôi thường bước đi rất nhanh, để không ai thấy mình bị tật. Tôi mang ơn anh, mang ơn cuộc đời, và thấy mình mạnh mẽ hơn, có ý chí hơn... Mình học được của mọi người, thì cũng phải biết chỉ lại cho mọi người, giấu diếm làm gì, chết cũng có mang theo được đâu. Cuộc sống này vô thường lắm...
* Có phải chính những đứa con là nguồn động lực để thay đổi hoàn toàn con người chị?
- Ngày xưa bạn bè vẫn gọi đùa tôi là “công chúa". Bố mẹ tôi người Hà Nội gốc, dạy con nề nếp gia phong cũng nhè nhẹ, mềm mỏng. Tôi là con út, nên được anh chị và bố mẹ cưng chiều lắm. Trước khi làm vợ, làm mẹ, tôi là người phụ nữ yếu đuối, nhưng cuộc sống gia đình và bổn phận phải lo cơm áo gạo tiền đã bắt buộc tôi phải đứng lên. Đang là giáo viên dạy giỏi lớp chuyên văn 12 Trường Nguyễn Thượng Hiền, con trai tôi bị bệnh tim phải ra nước ngoài mới mong chữa khỏi, tôi bắt buộc phải nghỉ dạy ba năm. Những ngày ở Úc, vừa chăm con, vừa may thuê kiếm tiền cho con chữa bệnh, suốt ba năm trời tôi không nhìn thấy mặt trời, ra đi từ lúc còn tờ mờ sáng, về nhà lúc trăng đã lên, mỗi ngày kiếm được 6 USD. Khi trở về thì tôi... mất việc!
Có những tháng 30 ngày đi chợ mua chịu đủ 30 ngày, nợ nần chồng chất vì tiền vay chữa bệnh cho con. Nhờ khéo tay, thích làm những việc tỉ mỉ, tôi lần mò dạy bổ túc, rồi đi may thuê, làm bánh bông lan... Cuộc sống gia đình bắt đầu dễ thở hơn từ khi tôi tham gia giảng dạy tại trường nữ công gia chánh và chuyên mục Khéo tay hay làm trên HTV. Tôi không phải là người có khiếu kinh doanh, tính toán cũng dở lắm, nhưng tôi quyết tâm mở nhà hàng cũng là để tạo công việc cho các con. Vất vả vì con, nhưng cũng nhờ con mà mình có được ngày hôm nay. Con cái là cái duyên, cái nợ với cha mẹ.
Cũng có lúc mệt mỏi quá muốn làm điều gì “bất bình thường” một chút, nhưng cứ nghĩ đến con là tự dưng lại "ngoan" hơn một tí, cứng cỏi hơn một tí, biết quý con người mình hơn, để sống đúng là "Cẩm Vân" hơn (cười).
* Cả cái chuyện bị tai tiếng vì vụ “bánh chưng thiu" trong đợt Tết cách đây 2 năm?
- Nói đến chuyện đó là tôi lại cảm thấy nhục nhã ê chề, chỉ muốn biến mất khỏi cõi đời này. Cũng may sau đó nhờ báo chí, khách hàng hiểu mà tha lỗi cho cái tội quá cả tin của tôi. Tết đó, một số bạn trẻ bàn với tôi kết hợp để bán bánh chưng cho bà con qua thương hiệu Cẩm Vân, và giao nhận hàng qua cơ sở của tôi. Ban đầu bàn với nhau chỉ làm 2.000 cái, để bảo đảm chất lượng, nhưng cũng chẳng có hợp
đồng, sau đó các bạn tự tung tự tác, nhận đến 7.000 cái, và tự làm mà không hề qua sự giám sát của tôi, đến khi bánh mốc, bánh thiu, không chịu giao hàng cho khách, khách gọi đến họ trả lời: “Cứ kiếm cô Vân mà đòi”. Tiền thương hiệu 20% họ không trả một đồng, suốt ba tháng trời tôi sống không yên vì khách hàng mắng! Mãi đến khi chị Phạm Thục Báo Sài Gòn Giải Phóng gọi điện hỏi, tự dưng tôi oà khóc nức nở. Thật cả đời tôi mới biết thế nào là oan Thị Kính! Trách những người trẻ đánh lừa một bà giá quá tội nghiệp thì ít, mà tự trách mình cả tin thì nhiều. Đến bây giờ có bạn ân hận xin lỗi tôi. Nhưng tôi chẳng giận ai lâu bao giờ, cũng chẳng ghét ai, chỉ có điều khó mà tin ai hoàn toàn. Thôi thì một mình mình làm, thua đủ mình chịu, chỗ nào "ồn ào" là không có tên mình. Thu nhập ít đi một tí nhưng còn thời gian để chơi với cháu nội, viết lách nọ kia... Còn nhiều điều tồi muốn viết lắm.
Bình luận (0)