Truyện tranh là một loại hình giải trí mà nhiều người nghĩ là dành cho trẻ em. Thế nhưng, hiện tại đang có rất nhiều thanh niên đã ở tuổi trưởng thành thích đọc truyện tranh. Từ khi manga- truyện tranh hiện đại Nhật Bản – mà đầu tiên là bộ Doremon được xuất bản ở Việt Nam cách nay 12 năm, những người yêu truyện tranh thế hệ đầu tiên đã trưởng thành, nhưng họ vẫn giữ niềm đam mê của mình với truyện tranh như ngày nào...
Đam mê
Hiền, 24 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế và đang đi làm. Hầu hết thời gian nghỉ ngơi của cô là để xem phim hoạt hình và đọc truyện tranh – như cô tự nhận. Phòng của Hiền có một bộ sưu tập khổng lồ đĩa hoạt hình và poster của các nhân vật truyện tranh. Không chỉ đọc một mình, cô còn chia sẻ với bất cứ ai có cùng sở thích. Vì thời gian đi làm gần đây rất bận, Hiền không còn có thể dành nhiều thời gian cho đam mê này như trước nhưng cô vẫn có mặt trong các buổi họp mặt online của những thành viên trang web truyện tranh.
Tác giả của bài viết này là một cô gái 21 tuổi, sinh viên Khoa Ngữ văn - Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, tự nhìn lại thế hệ của cô và không khỏi thảng thốt tại sao các bạn lại thích đọc truyện tranh đến như vậy? Cô đã phỏng vấn nhiều bạn bè và tự lý giải vấn đề. Đó là những suy nghĩ chân thực nhất của chính lớp trẻ nói về họ. Và đây là điều chúng tôi muốn chuyển đến các bậc cha mẹ để gần gũi và hiểu con em mình hơn. |
Bích Thảo, sinh viên năm 4 Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM, có biệt danh “Thảo truyện tranh”, đơn giản vì bất cứ ai muốn biết thông tin về bộ truyện tranh nào mới xuất hiện thì phải hỏi Thảo. Mỗi tuần Thảo bỏ ra khoảng 10.000 -15.000 đồng để mua truyện tranh, bộ nào cũng phải mua trọn, có những bộ dài đến 70-80 tập. Gặp Thảo tại một cửa hàng bán truyện tranh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai khi trên tay Thảo đã có vài bộ truyện, không khỏi tò mò tôi hỏi Thảo tiền đâu để mua nhiều như vậy? Thảo trả lời: “Mình có thể nhịn ăn sáng để mua truyện”.
Thích là thích, thế thôi!
“Tôi cũng chẳng biết tại sao mình lại thích truyện tranh nữa, chỉ biết rằng lần đầu cầm cuốn truyện tranh trên tay tôi đã cảm thấy nó sẽ là thứ không thể thiếu đối với tôi. Tôi bắt gặp trong truyện tranh ước mơ của mình, những điều mà tôi không hề gặp ở cuộc sống thực tại, từ những câu chuyện nhỏ đến những bài học sâu sắc...". Đó là tâm sự của bạn M.Hân, 18 tuổi. Còn bạn H. Anh, 22 tuổi: “Mình đã từng lỡ mắng nhỏ bạn thân vì quấy rầy mình trong lúc đọc truyện, giận gia đình cả tuần chỉ vì đã “delete” số tranh ảnh truyện tranh yêu thích của mình. Mình thích truyện tranh lắm chẳng biết tại sao nữa. Có lần mình đã thử bỏ không đọc trong hai tuần nhưng mình không thể bỏ được”.
Hầu hết các bạn trẻ khi được hỏi tại sao bạn thích đọc truyện tranh đều trả lời thích là thích thế thôi, không thể lý giải được.
Ý KIẾN |
Một loại hình giải trí
Việc giới trẻ hiện nay yêu thích truyện tranh không có gì đáng lo ngại, bởi truyện tranh chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí. Truyện tranh có nhiều loại, cũng giống như âm nhạc hay phim ảnh vậy, có loại nhiều người thích nghe, xem và cũng có loại nhiều người không thích.
Thầy Nguyễn Văn Hà, giảng viên bộ môn Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM:
Ảnh hưởng đến cảm thụ văn học
Việc đọc truyện bằng hình ảnh sẽ làm giảm khả năng tư duy sáng tạo của người đọc. Văn phong của truyện tranh là văn nói, vắng bóng loại văn miêu tả, phân tích, điều này dễ ảnh hưởng đến lối viết, lối hành văn, lối suy nghĩ, nhất là ảnh hưởng lớn đến việc cảm thụ văn học. Và bạn trẻ sẽ mất dần thói quen đọc những tác phẩm văn học dài.
Bình luận (0)