Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, vấn nạn tự tử đang là “sát nhân thầm lặng” ở châu Á. Đáng lo ngại nhất, đối tượng gây ra vấn nạn này lại đang là giới trẻ.
Những con số đau lòng
Không phải ngẫu nhiên, con số thanh niên ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và cả Việt Nam quyết định chấm dứt sự sống của mình lại tăng cao trong những năm vừa qua. Theo ước tính của WHO, hiện nay, cứ 100.000 người Nhật thì có 27 người tự tử. Con số này tăng lên đến 148/100.000 tại Ấn Độ. Gần đây, số vụ tự sát tại Trung Quốc cũng tăng lên đáng ngại, 250.000 vụ/năm. Đáng ngại nhất, mỗi ngày lại có đến hơn 38 người Hàn Quốc tự kết liễu cuộc đời. Bác sĩ Lee Hong Shick, người lập ra Hiệp hội Ngăn chặn tự tử Hàn Quốc, khẳng định nền kinh tế và hệ thống gia đình đang thay đổi nhanh chóng trong khi hệ thống hỗ trợ của xã hội không có khả năng đáp ứng kịp. Điều này khiến giới trẻ không thích ứng kịp sẽ dẫn đến stress và áp lực.
Đồng quan điểm với bác sĩ Lee, phát biểu trên tờ China Daily, nhà thần kinh học Lui Hong nhấn mạnh, xã hội hiện nay đầy rẫy cạnh tranh và áp lực, do đó, giới trẻ những người chưa có kinh nghiệm đối phó với khó khăn dễ bị trầm cảm và cuối cùng là dẫn đến tự tử.
Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tình trạng chán nản, tự tử cũng đã bắt đầu trở nên đáng báo động trong thời gian qua. Điển hình nhất là những vụ “rủ” nhau tự tử của các em học sinh Trường THCS Phượng Hoàng (Hải Dương), Trường THCS Cổ Nhuế (Hà Nội), THCS Bến Tre (Bến Tre)...
Người trẻ không muốn sống
Trên các diễn đàn hiện nay, từ khoá “chán nản”, “thất vọng”, “muốn chết”... đã trở thành những đề tài bàn luận của giới trẻ muốn trải lòng mình. Các bạn sinh viên năm 2 Trường ĐH Bán công Marketing (TPHCM) vẫn nhắc nhau về câu chuyện của H.Th, một nam sinh viên của trường. Ba mẹ ly thân, mái nhà hạnh phúc ngày xưa dẫu đã ngăn vách, chia nửa nhưng tiếng cãi cọ, chì chiết nhau về vấn đề tiền bạc giữa đôi vợ chồng này vẫn không sao dứt được. Cô em gái của H.Th không được yêu thương, giáo dục, thích vũ trường hơn giảng đường rồi trở thành gái bao cho các ông Việt kiều lắm tiền lúc nào chẳng biết. Biết mình không có khả năng vượt trội, càng ngày H.Th càng co mình vào vỏ ốc tự xây. Không đủ điểm vào Trường ĐH Ngân hàng như mong muốn của mẹ, H.Th nhập học Trường ĐH Bán công Marketing trong tiếng chửi rủa của mẹ mình. Không tập trung, kết quả học tập của cậu sinh viên 19 tuổi này cũng không tốt. Để giải quyết những vướng mắc, H.Th mua thuốc an thần, tích trữ và uống hết cả lọ trong một buổi chiều. May mà gia đình kịp thời phát hiện.
Thiếu tình thương, chịu áp lực cuộc sống quá lớn nhưng không đủ nghị lực nên kết cục mà H.Th chọn cho mình cũng là điều dễ hiểu, nhưng trường hợp của hai bạn L.M và T.T (Long Khánh) thật khó chấp nhận. Yêu nhau suốt 4 năm, đến ngày ra mắt gia đình, xin phép thành hôn, đôi bạn trẻ này phải đối mặt với nỗi đau khi bị gia đình cực lực phản đối. Thuyết phục song thân không thành, lại chịu áp lực từ các cô chú suốt ngày mắng chửi, ngăn cấm, đôi tình nhân quyết định nấu cháo cóc, cùng nhau ăn để tìm đến kiếp khác. Trong cơn đau, đôi bạn trẻ này vẫn cầm tay nhau chờ cái chết. Khi người đi rẫy phát hiện, đưa đi cứu chữa, oái oăm thay, T.T sống sót nhưng người con gái anh yêu đã không vượt qua được lưỡi hái tử thần.
Đối mặt với cuộc sống
Trở về từ cái chết, nỗi thất vọng không được giải tỏa nhưng vẫn phải đối mặt với trách nhiệm nặng nề từ những hành động thiếu suy nghĩ của mình, những nạn nhân này dù có hiểu và quý trọng sự sống hơn nhưng cũng rơi vào chứng trầm cảm. Rời khỏi bệnh viện khi người yêu đã nằm yên dưới đáy mồ, trong suốt một thời gian dài, T.T hạn chế tối đa việc giao tiếp với những người xung quanh rồi bỏ đi biệt xứ. Trong nhà, cũng chẳng ai tìm kiếm, chỉ biết hy vọng T.T tìm được một cuộc sống bình yên ở một nơi nào đó.
Không có khả năng tự lập, cậu sinh viên H.Th không đủ can đảm tìm cuộc sống mới nên vẫn tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, với những bạn bè cũ, H.Th gần như tránh mặt và tỏ ra xa lạ. Tình tranng bố mẹ cãi nhau, em gái sa đọa, ông bà xa lánh... tiếp tục đẩy H.Th đến quyết định chấm dứt cuộc sống của mình. Lần tự tử thứ hai, mọi người đã cứu không kịp chàng trai yếu đuối này khỏi tay thần chết.
Chán nản, áp lực công việc, học hành, thiếu thốn và đổ vỡ tình cảm, bị cô lập khỏi cộng đồng... đã trở thành nguyên nhân đẩy giới trẻ đến sự tuyệt vọng, không muốn tiếp tục sống. Những nguyên nhân ấy thật ra là điều bình thường trong cuộc sống, đặc biệt trong cuộc sống đầy sự cạnh tranh như hiện nay. Vấn đề là bạn trẻ phải sống có bản lĩnh. Bản lĩnh được xây dựng từ một nền tảng văn hóa vững chắc của cá nhân, gia đình và cả xã hội. Mở rộng sự giao lưu với gia đình, xã hội càng nhiều, sẽ hạn chế được vấn nạn tự tử - các chuyên gia tâm lý đã đúc kết như vậy.
Ngay khi bài viết này vừa hoàn thành, vào lúc 7 giờ 30 sáng 12-1, khi tàu hàng SY1 từ Đông Hà vào Huế qua đoạn km 686+450 thuộc phường Phú Thuận, TP Huế thì bất ngờ một thanh niên từ bên kia đường lao thẳng vào tàu. Nạn nhân bị cán đứt đôi người, chết rất thương tâm. Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được nạn nhân là Phan Đình Phúc, sinh năm 1989, quê ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Công an TP Huế đã có mặt tại hiện trường và xác định đây là vụ tự tử. Trên người nạn nhân có một ví bên trong có một giấy chứng minh nhân dân mang tên mình và hình một cô gái. X.Hồng |
Bình luận (0)