xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao... họ khóc?

Thanh Phong

(NLĐO)- Theo dõi những lùm xùm chung quanh bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo thời gian qua, tôi thấy… kiêng nể người phụ nữ ấy. Kiêng nể là vì mặc cho búa rìu dư luận đang ầm ầm giáng xuống kể từ ngày bà trúng cử đại biểu Quốc hội, nhưng bà vẫn không mảy may nao núng.

Bà vẫn đăng đàn Quốc hội với những ý kiến… đanh thép; vẫn trả lời phỏng vấn báo chí trong, ngoài nước với những lập luận lắt léo nhưng rất khó bắt bẻ; vẫn tươi cười như hoa khi xuất hiện trước ống kính các phương tiện truyền thông; thậm chí khi người ta công kích trực diện, bà vẫn thản nhiên như không…
img
 
Bà Hoàng Yến rơi nước mắt khi nhắc đến cha già...

Thế nhưng, bất chợt có một ngày, người ta thấy bà Hoàng Yến rơi nước mắt. Đó là cái ngày bà “vượt rào” tổ chức gặp gỡ báo giới mới đây. Bà hùng hồn chỉ trích báo chí thiếu công bằng với mình; rằng các cơ quan hữu quan đề nghị bãi miễn này nọ mà không hề có yêu cầu trực tiếp nào với bà; rằng bà đã làm đơn và sẵn sàng đối diện với trường hợp xấu nhất là bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội… Thế rồi, giữa những dòng suối ngôn từ ấy,  bỗng dưng người ta nghe giọng bà chùng xuống. Rồi mắt bà rưng rưng, giọng bà nghèn nghẹn khi nhắc tới người cha già năm nay đã 83 tuổi đang bị tai biến nhưng vẫn theo dõi sự việc đang diễn ra với con mình.

Thú thật, khi xem video clip tới đoạn này, tôi cũng thấy lòng chùng xuống. Tôi thấy thương cảm cho người làm cha mẹ trong hoàn cảnh này. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi. Đối với những bậc làm cha mẹ, con cái dù nên hay hư đều là con của mình nên không thể chối bỏ, không thể rời xa; thậm chí, dù biết mình bất lực nhưng vẫn muốn được ở cạnh con trong những lúc chúng khó khăn, va vấp... 

Càng nghĩ, càng thương cho những người đã đi gần hết cuộc đời nhưng vẫn chưa thể thanh thản sống nốt những tháng ngày còn lại…

Cách đây mấy ngày, tôi cũng đã chứng kiến một người bạn vật vã khóc than khi ba anh qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim sau khi con trai mình bị phá sản. Anh cứ lảm nhảm: “Con xin lỗi ba, vì con đã không nghe lời ba nên mới ra nông nỗi này…”. Cái sự “không nghe lời” của anh là chuyện chẳng đặng đừng. Kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn, ba anh đã nhiều lần khuyên nhủ: “Con coi gom gom lại, đừng làm quá mà mang công mắc nợ. Chờ qua khó khăn rồi tính tiếp…”.

Thế nhưng anh không nghe. Cứ đầu tư, cứ vay nợ, cuối cùng mấy căn nhà phải bán vẫn không trả hết nợ. Ngày đầu tiên dọn về nhà trọ sau khi bán căn nhà cuối cùng, ba anh đã lên cơn đau tim và vĩnh viễn ra đi. Nhìn anh rền rĩ khóc than, tôi chợt nghĩ, ở đời, sống thế nào để không phải ăn năn là rất khó...

Tôi lại nhớ đến một chuyện xảy ra cách nay đã khá lâu. Khi ấy trên Báo Người Lao Động có đăng một mẫu tin nhỏ về việc Công ty P.H bắt công nhân phải tăng ca cả ngàn giờ mỗi năm. Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý. Đoàn kiểm tra liên ngành TPHCM được thành lập do phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH lúc bấy giờ là bà Nguyễn Kim Lý làm trưởng đoàn.

Khi đến kiểm tra, đoàn đã phát hiện ngoài sai phạm như báo nêu, công ty còn rất nhiều sai phạm khác. Kết thúc buổi thanh tra, khi được quyền phát biểu ý kiến, ông giám đốc nói rằng: “Tôi thừa nhận tất cả các sai phạm mà đoàn đã chỉ ra, tôi không có gì thắc mắc, khiếu nại, chỉ xin được nói một lời với chị phóng viên Báo Người Lao Động. Tôi xin lỗi chị vì đã có thái độ không đúng trong buổi làm việc với chị hôm trước. Thú thật là tôi bị sốc khi nghe chị nói rằng tôi đã sai. Lúc đó tôi nghĩ, một người có mấy bằng đại học trong, ngoài nước như tôi thì không thể nào sai được. Mặt khác, từ nhỏ, tôi đã quen với việc chung quanh mọi người chỉ khen ngợi mình; thậm chí, khi tôi làm một chuyện rất bình thường là bỏ rác đúng chỗ, người ta cũng khen ngợi. Thế mà chị lại dám phê bình tôi làm sai luật khiến tôi không dễ chấp nhận được. Chị biết không, ngay khi báo đăng tin Thủ tướng chỉ đạo thanh tra, ba tôi không chịu nổi nên đã bị tai biến, hiện vẫn còn nằm trong Bệnh viện Thống Nhất…”.

Nói đến đây, vị giám đốc ấy cũng nghẹn lời, hai mắt đỏ hoe. Nhưng điều đáng nói nhất là kể từ đó, Công ty P.H đã hoàn toàn thay đổi. Sau này, khi ông giám đốc nọ góp vốn liên doanh với một doanh nghiệp nước ngoài thì công ty liên doanh ấy cũng trở thành một doanh nghiệp điển hình về thực hiện pháp luật lao động, chăm lo cho công nhân trên địa bàn quận 12- TPHCM.
 
Tôi thấy ở đời cũng như trong phim ảnh, khi ăn năn, hối hận người ta hay rơi nước mắt. Nhưng thường khi người ta ăn năn, hối hận thì hậu quả đã nghiêm trọng, thậm chí phải trả giá. Đến giờ trong số bạn bè tôi, nhiều người vẫn nghi ngờ những giọt nước mắt của bà Hoàng Yến. Họ cho là bà “diễn” để xoa dịu dư luận. Riêng tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi tin bà Hoàng Yến không đến nỗi phải lấy các đấng sinh thành của mình ra để “mà mắt” thiên hạ.

Chỉ có điều là sau những giọt nước mắt ấy, nếu bà Hoàng Yến vẫn xử sự như những ngày đã qua thì e rằng, người cha già 83 tuổi của bà vẫn chưa thể có được những tháng ngày thanh thản…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo