Một trong những món được coi là thần dược hiện nay là “huyết lình” ngâm rượu.
Thần dược cải lão hoàn đồng
Chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia là giọng Chín Tát - một đại gia mới phất nhờ buôn bán bất động sản: “Anh mới đi Hà Giang về, có món này đã lắm, đảm bảo chỉ mình anh có được: huyết lình. Chú mày có từng nghe qua? Chưa biết thì chiều ghé anh nghen!”.
Vừa thấy mặt, tay này hoan hỉ kéo vào nhà, miệng bi bô: “Thằng này ác chiến lắm! Cực hiếm và đại bổ nữa, dành cho mọi đối tượng, từ con nít đến phụ nữ, từ thanh niên đến cụ già, nhất là với những ai yếu sinh lý, di mộng tinh, đau lưng, mỏi gối... Đảm bảo với chú mày, yếu cỡ nào chỉ cần làm vài tuần huyết lình tửu này thì sớm lên gân ngay thôi. Hàng độc mà!”.
Sau một hồi gân cổ ca tụng cái món huyết lình lạ đời kia với các chiến hữu, Chín Tát ngoắc anh chàng tài xế vào trong đại sảnh bê ra một hũ rượu có màu tím tái đặt lên chiếc bàn đá hoa cương mát lạnh. Vừa chiết rượu ra 5 cái ly nhỏ, Chín Tát tuôn liền một mạch: “Hồi nào giờ có biết huyết lình là cái gì đâu! Số là tuần trước anh tình cờ gặp lại thằng bạn hồi học cấp ba, nó bây giờ là sếp của một sở ở tỉnh Hà Giang. Bạn cũ lâu ngày gặp lại, nó đãi anh món huyết lình tửu này. Đây là hàng cực hiếm và chỉ có khách quý mới được gia chủ biệt đãi. Thằng bạn tâm sự, trước đó nó yếu như chim le le, may nhờ một tay đệ tử vốn là người dân tộc mách món này và chỉ sau 3 tháng nốc huyết lình tửu, bà xã nó hết “khinh ra mặt”. Nó còn kể có một ông bạn trạc tuổi anh em mình cũng rất hom hem, chỉ sau gần 3 tuần trăng dùng huyết lình đã phương phi thấy rõ và nay thì “be như gấu, mạnh như ông ba mươi (cọp)”. Anh nghe kết liền, vậy là khẩn khoản nhờ nó kiếm giúp. Trần ai lắm mới được hũ rượu này đó!”.
Tôi nâng ly huyết lình tửu và cảm thấy buồn nôn trước mùi tanh tưởi đến lợm giọng của ly rượu đáng giá bạc triệu này. Các đại gia kia dường như đã quá quen trước những món như thế này nên ai nấy ực tỉnh bơ. Sau hai tuần rượu, mặt ông nào ông nấy đỏ bừng chẳng biết vì men rượu hay vì dược tính của món huyết lình kia gây ra? Khi đã ngà ngà, các chiến hữu cùng nhau thắc mắc “huyết lình là cái gì, con gì, cây gì, máu gì?”. Lúc này Chín Tát mới khề khà “bật mí”.
Huyết lình là gì?
Giống như con người, khỉ cái đến tuổi trưởng thành cũng “có tháng” như chị em phụ nữ. Mỗi khi đến kỳ, nó sẽ tìm tới nơi hẻo lánh, kín đáo quơ quào lá khô lót lên hang đá rồi nằm im cho máu chảy. Số lượng máu này chỉ bằng lượng máu của một con gà hai tháng tuổi bị cắt tiết, đó là huyết lình. Đã ít, huyết lình lại thấm vào đá và lá cây nên càng hiếm; hơn nữa trong thời gian khỉ cái bị hành xác thì các thành viên trong gia đình nó như khỉ bố, khỉ mẹ hoặc “ông xã” sẽ thay nhau canh gác để bảo vệ bởi sợ lúc “người nhà” đau đớn mất cảnh giác sẽ bị bọn trăn, rắn và các loại mãnh thú khác như chó sói, cọp... phục kích, vì thế món này lại càng khó lấy.
Cứ theo lời Chín Tát thì “thần dược” huyết lình tửu giúp người sử dụng “tráng kiện đến cuối đời, sinh lực luôn trong tư thế chiến đấu” vốn là hàng độc quyền của đồng bào dân tộc một số tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. Món này chỉ mới bùng nổ trong giới ăn chơi tại trung tâm các tỉnh ấy và đất Hà thành từ khoảng đầu năm 2005 trở lại đây.
Già làng cho biết kiếm huyết lình rất nhọc công. Phải tìm được nơi đàn khỉ sinh sống, sau đó mò mẫm trong vô số ngóc ngách, hang động và căng mắt mới phát hiện được huyết lình.
Điểm đặc biệt là con khỉ còn cẩn thận lấy lá cây phủ lên hoặc chèn đá che lấp cái hang mấy ngày qua nó nằm... Phần lớn người ta chỉ tìm thấy huyết lình từ sự tình cờ may mắn. Tìm được rồi phải nhẫn nại tách máu ra khỏi lá cây, rong rêu xong lọc rửa cho sạch và để thật ráo.
Huyết lình sau khi trải qua các công đoạn này sẽ là những cục nhỏ bằng đầu ngón tay, hình hạt đậu, màu nâu đen, có mùi tanh rất khó chịu. Phải máu của năm con khỉ cái như vậy mới ngâm được một lít rượu.
Coi chừng bị lừa
Tìm hiểu về huyết lình, chúng tôi được biết đó không phải là máu trong giai đoạn “có tháng” của chị em nhà khỉ mà là máu của khỉ cái chảy ra sau khi hạ sinh khỉ con. Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, “lình” là tên gọi chỉ con khỉ của đồng bào một số dân tộc như Thái, Dao, Mèo, Mường...
Tại các phiên chợ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc như Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La... huyết lình được bày bán nhiều dưới dạng những viên, cục nhỏ bằng đầu đũa, đầu ngón tay hoặc lắm khi chỉ là dạng hạt nhỏ (giọt máu đông lại). Huyết lình thường được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh, bồi dưỡng cho người bị suy nhược, chữa trẻ chậm lớn, kém ăn hoặc ngâm rượu xoa bóp chỗ sưng đau.
Dù không phải là thứ quý hiếm tột độ nhưng do nắm bắt được cái thú ăn chơi rởm đời và vốn hiểu biết non kém của các quý ông lắm tiền, nhiều gã bịp đã tung tin huyết lình vô cùng quý để bán giá trên trời.
Không ồn ào như cơn sốt rượu rắn, rượu ngâm tay gấu hay sừng tê, cơn sốt huyết lình tửu diễn ra âm thầm nhưng rất quyết liệt. Nhiều đại gia đánh tiếng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng cho mỗi kg huyết lình nhưng dường như “cung” vẫn không thỏa mãn được “cầu” của các quý ông vốn đang chìm sâu trước trào lưu tráng dương bổ thận.
Về phía các gã bịp, để đám trọc phú tin mấy cục đen đen, tanh tanh - được làm từ bột mì trộn muối ngâm vào nước cá rồi đem phơi khô - là huyết lình, ngay khi “con mồi” còn đang phân vân không biết đây là đồ thật hay giả, bọn này sẽ nhờ người đánh tiếng cho họ biết ở tỉnh X, tỉnh Y có ông thầy Đông y vốn là trùm huyết lình kinh nghiệm đến độ giả cỡ nào chỉ cần nhìn sơ qua là biết ngay.
Ông thầy sau khi tỉ mẩn xem xét, nếm, ngửi kỹ từng viên đã e hèm: “Làm sao mà có được thứ của quý này vậy, coi như là nợ duyên rồi. Thôi thì quý anh cho tôi hùn phân nửa để dành ngâm rượu cứu người”. Tinh vi kiểu này, quý đại gia “dính đạn” là cái chắc!
Có điều, cho đến nay vẫn chưa thấy tài liệu y học cổ truyền và cả hiện đại nào kết luận hay đề cập tính năng tráng dương bổ thận, biến yếu thành mạnh, hóa “se sẻ” thành “đại bàng” chốn phòng the của huyết lình, tất cả chỉ là màn “bơm” thông tin của những kẻ bịp bợm nhằm vào những ông lắm tiền ham vui để trục lợi.
Bình luận (0)