Chị đang giữ chức phó phòng marketing tại một công ty kinh doanh nội thất lớn đang ăn nên làm ra. Vốn dĩ công việc tiếp thị đã bận rộn, đằng này lại ở cương vị phó phòng và đang phấn đấu tiến lên vị trí trưởng nên chị chỉ mong một ngày kéo dài ra 30 tiếng để có thời gian đảm đương được một núi công việc ở công ty và khỏi mang tiếng sơ sểnh, chểnh mảng trách nhiệm gia đình.
Vợ tiền tuyến, chồng hậu phương
Nhiều người nói chị tốt số vì có một anh chồng hiền lành, ít nói, hết lòng với vợ, xứng danh là “chỗ dựa vững chắc”, gánh vác hết mọi gánh nặng gia đình, chăm bẵm hai đứa con để tạo điều kiện cho vợ được “hoạn lộ thênh thang”. Anh cũng làm cùng công ty nhưng chỉ là nhân viên phòng hành chính, công việc khá nhàn nên cứ đúng giờ là anh thẳng tiến về nhà, chú tâm vào “sự nghiệp” của bản thân là hai đứa con kháu khỉnh, bụ bẫm.
Sáng nào cũng thế, bảy ngày trong tuần, không cần ngày nghỉ, chưa đến bảy giờ đã thấy chị có mặt tại phòng làm việc. Mọi người quan tâm hỏi han việc đưa đón hai đứa trẻ đi học ra sao thì chị cười cười ngượng nghịu: “Hai lần em chở các cháu đi đường bị chóng mặt nên làm các cháu bị ngã. Ông xã nhà em xót con nên tình nguyện sáng đưa bọn trẻ đi học, chiều đón chúng về cho an tâm!”. Thế là từ đó đến tận chiều tối, chị cũng an tâm tất bật với các thương vụ, các chiến lược kinh doanh dài hạn, trung hạn… để làm sao đưa con số doanh thu của công ty ngày càng lũy tiến theo cấp số cộng, thậm chí theo tham vọng của chị là tới cấp số nhân. Sáu, bảy giờ tối chị vẫn thong thả, đủng đỉnh chẳng có vẻ gì là vội vã, vẫn như gái độc thân, thu gom giấy tờ, tài liệu, xách laptop về nhà để tối giở ra… làm việc tiếp.
Anh chị em trong phòng vài lần giục giã, “nhắc việc” cơm nước cho chồng con, mấy lần đầu chị còn viện cớ này cớ nọ, nghe rất hợp lý, nhưng lâu dần tình trạng đó cứ liên tục kéo dài không điểm dừng thì chị lại ngượng ngùng thú nhận: “Chồng chị xung phong nhận nhiệm vụ cơm nước vì anh ấy nấu nướng ngon lắm! Bọn trẻ chỉ thích ăn cơm của bố nấu”. Thế là chiều nào chị cũng yên tâm “thường trực” ở công ty vì đã có chồng đôn đáo, sấp ngửa chạy về đón con gái ở trường tiểu học, rồi lại ghé qua trường mẫu giáo đón con trai, tiếp tục chở cả hai đứa trẻ tạt vào chợ mua rau dưa, thịt cá… để kịp về nhà nấu nướng, cho các con ăn trước, và phần một mâm chu đáo cho vợ về ăn cơm được nóng sốt.
Chị thản nhiên coi đó là việc đương nhiên, vì chị cũng đang “lao tâm khổ tứ” vì sự phát triển của công ty, vì sự thăng tiến trong sự nghiệp của bản thân, đó cũng có nghĩa là sự đảm bảo kinh tế vững chắc của gia đình đó thôi! Và anh cũng chấp nhận như vậy! Thôi, vì vợ ham việc, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn mình thì mình lùi về “sân sau”, tạo điều kiện cho vợ tiến lên phía trước, hai vợ chồng cùng vì tương lai của gia đình, của các con mà thôi!
Quên con…
Có vài lần, đang ngập đầu với các phương án quảng cáo sản phẩm, chị bỗng giật thót lên, tá hỏa: “Thôi chết, chị phải đi đón con gái! Muộn mất nửa tiếng rồi!”. Hóa ra, hôm đó con gái chị được nghỉ học buổi chiều, nên cuối giờ trưa phải đến trường đón về. Chẳng may đúng giờ đó anh xã chị bị sếp phụ trách triệu tập đột xuất, ngậm ngùi gọi điện “nhờ vợ đi đón con hộ”. Ngờ đâu mẹ mải mê việc quá để con gái lang thang trong sân trường với bác bảo vệ gần tiếng đồng hồ!
Rồi những hôm anh bị điều đi công tác với sếp - dù chỉ họa hoằn một năm đôi ba lần, chiều đến không có người đi chợ, đón con, chị lại cầu cứu sang ông bà ngoại. Cứ hôm nào chị gọi điện nỉ non: “Bà ơi, chiều nay bà đón thằng Bo, bà nhờ ông ngoại đón con bé Bông giúp con chút nhé! Tiện thể hôm nay bà đi chợ bà mua giúp con một ít thức ăn chín để tối về con đặt nồi cơm cho nhanh!”. Hoặc “tiện” hơn thì: “Tối nay bà cho ba mẹ con ăn cơm tối với ông bà nhé! Các cháu kêu nhớ ông bà ngoại, đòi đến ăn cơm cùng ông bà” là y như rằng hôm ấy chồng chị đi công tác đâu đó. Còn chuyện anh bị ốm không đi đón con được, không nấu cơm chiều được thì dường như tình huống đó không thể - và không được - xảy ra, vì thực tế chưa bao giờ xảy ra.
Đồng nghiệp cảnh báo chị: làm quá coi chừng ổng có bồ đó nhe. Nhóm khác lại bóng gió anh: hay là bả “say nắng” anh giám đốc?
Cả hai đều ra vẻ bỏ ngoài tai nhưng không biết có thật thế không và được đến bao giờ.
Bình luận (0)