Chiều 26-4, Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng gặp mặt báo chí giới thiệu về công tác tuyển sinh quân sự năm 2024. Trung tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, cho biết 3 năm qua lượng thí sinh đăng ký vào các ngành quân đội liên tục giảm.
Theo khảo sát của Bộ Quốc phòng, có hơn 10 nguyên nhân dẫn tới lượng thí sinh hàng năm sụt giảm, một trong những lý do lớn nhất là các thí sinh mắc tật khúc xạ ngày càng cao nên không đáp ứng tiêu chí về sức khỏe trong sơ tuyển.
"Số lượng trường yêu cầu thí sinh không mắc tật khúc xạ rất lớn khiến cho nguồn tuyển vào các trường quân đội ngày một thu hẹp, đặc biệt là khối chỉ huy" - Trung tướng Nguyễn Văn Oanh nói.
Ông cũng cho biết thêm sự dịch chuyển của nền kinh tế cũng khiến nhiều thí sinh không lựa chọn trường quân đội. Trong khi đó, lương quân đội những năm gần đây bị đánh giá là thấp so với năng lực, thời gian, công sức và áp lực công việc. Ngoài ra, khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình không còn bị gánh nặng kinh tế nuôi con ăn học nên thí sinh cũng không chọn trường quân đội.
Do đó, để có thêm nguồn tuyển, năm nay, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án đa dạng phương thức tuyển sinh để khuyến khích thí sinh đăng ký vào các trường quân đội.
Thứ nhất, xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức. Trong đó, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa 150) hoặc kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa 1.200).
Thứ hai, xét tuyển dựa vào học bạ THPT các thí sinh điểm trung bình từ 7,0 trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên. Riêng với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y không sử dụng phương thức này.
Ngoài ra, giữ nguyên 2 phương thức xét tuyển như năm ngoái: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo quy định, để xét tuyển vào các trường quân đội, thí sinh nộp hồ sơ sơ tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.
Nhóm 1 gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
Nhóm 2 gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.
Thời gian, phương pháp điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng ban hành năm 2024.
Thí sinh lưu ý phải đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.
Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội. Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, sẽ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này
Theo kế hoạch, chỉ tiêu dành cho kỳ thi tuyển sinh riêng tối đa 30% tổng chỉ tiêu.
Cục Nhà trường hiện cũng đang xây dựng đề án báo cáo cấp trên cho phép đào tạo hệ dân sự trong trường quân sự. "Chúng tôi chỉ đào tạo hệ dân sự những ngành mà trường có thế mạnh với số lượng hợp lý, không đào tạo tràn lan" - Trung tướng Nguyễn Văn Oanh nói.
Bình luận (0)