Trong tháng 8, ở Hậu Giang, sản xuất nông nghiệp tập trung hoàn thành gieo trồng và chăm sóc các vụ lúa, rau màu. Tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa, cây ăn trái và rau màu trong tháng tăng so với tháng trước do thời tiết mưa nắng xen kẻ tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật gây hại phát sinh và phát triển.
Có 266 sản phẩm OCOP
Chăn nuôi phát triển ổn định, số lượng, sản lượng đều tăng so với cùng kỳ, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; đẩy mạnh phát triển thủy sản, khai thác lợi thế sản xuất địa phương. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn được chú trọng thực hiện, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản, chăn nuôi tập trung, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, tổ chức thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 80,39% (5 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 18,2 tiêu chí/xã.
Đến nay, tỉnh có 266 sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có 718 tổ hợp tác nông nghiệp với 10.995 thành viên, 4 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với 70 thành viên và 238 hợp tác xã nông nghiệp.
Công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, sạt lở, tìm kiếm cứu nạn được tăng cường.
Về công nghiệp, đầu tư, xây dựng: Các cơ chế, chính sách được tập trung rà soát để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; tổ chức thăm và làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh 2010 ước thực hiện được 3.725 tỉ đồng, tăng 2,88% so với tháng trước và tăng 12,35% so với cùng kỳ, lũy kế thực hiện được 26.945 tỉ đồng, tăng 12,41% so với cùng kỳ và đạt 63,43% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá hiện hành ước thực hiện được 6.695 tỉ đồng, tăng 2,77% so với tháng trước và tăng 13,91% so với cùng kỳ, lũy kế thực hiện được 48.657 tỉ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ và đạt 65,29% kế hoạch.
Có 393 chủ trương đầu tư đã được cấp
Về phát triển doanh nghiệp: có 94 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14 doanh nghiệp so với tháng trước; tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký mới 267 tỷ đồng, giảm 493 tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế: có 675 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 21% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ; tổng số vốn 3.538 tỉ đồng, tăng 99% về số vốn so với cùng kỳ.
Trong tháng, có 5 hồ sơ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tổng vốn là 34,50 tỷ đồng, lũy kế có 230 hồ sơ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tổng vốn là 167,26 tỉ đồng; có 10 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký giải thể, tổng vốn là 24,3 tỉ đồng, lũy kế có 173 hồ sơ doanh nghiệp giải thể, tổng vốn là 164,85 tỉ đồng, so cùng kỳ tăng 108% về số doanh nghiệp và giảm 8% về vốn điều lệ.
Về thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng không cấp mới chủ trương đầu tư, lũy kế 8 tháng năm 2024 cấp mới 4 chủ trương đầu tư dự án ngoài khu, cụm công nghiệp, với số vốn 1.060 tỉ đồng, đến nay toàn tỉnh có 393 chủ trương đầu tư đã được cấp, với tổng số tiền 188.358 tỉ đồng.
Trong tháng 8, không thu hồi chủ trương đầu tư, lũy kế 8 tháng năm 2024 thu hồi 11 chủ trương đầu tư với số vốn 319 tỉ đồng, lũy kế từ trước đến nay thu hồi 72 dự án với tổng số vốn là 3.625 tỉ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 321 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 184.733 tỉ đồng, trong đó: có 256 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 35.538 tỉ đồng và 62 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 148.906 tỉ đồng, 3 dự án trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 290 tỉ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng không cấp dự án mới, không thu hồi chủ trương đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến nay cấp mới 01 dự án với số vốn 0,15 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án FDI (trong khu công nghiệp là 6 dự án, ngoài khu công nghiệp 20 dự án), với tổng số vốn đăng ký 755 triệu USD.
Về thương mại, giá cả, dịch vụ: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa dịch vụ trên địa bàn diễn ra ổn định, các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nguồn cung, giá cả thị trường được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá làm bất ổn thị trường.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác ước thực hiện được 5.354 tỉ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 14,21% so với cùng kỳ; lũy kế thực hiện được 39.523 tỉ đồng, tăng 7,21% so với cùng kỳ và đạt 68,44% kế hoạch.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 96,195 triệu USD, giảm 30,44% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ; lũy kế thực hiện được 815,411 triệu USD, tăng 2,52% so với cùng kỳ và đạt 64,13% kế hoạch.
Một số nhiệm vụ chủ yếu trong tháng 9-2024
Về lĩnh vực kinh tế, tập trung hoàn thành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo sản xuất và thu hoạch dứt điểm lúa vụ hè thu còn lại và thực hiện sản xuất vụ lúa Thu Đông theo kế hoạch; tăng cường hướng dẫn nông dân phòng ngừa các loại sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất rau màu, cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn có thị trường tiêu thụ tốt để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhân rộng điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi; chú trọng nâng cao giá trị nông sản.
Chủ động công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ và phát triển tổng đàn hiện có, chỉ đạo đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác.
Quan tâm phát triển cả số lượng và chất lượng thành viên, lực lượng lao động tham gia lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Theo dõi, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động và đầu tư cơ sở hạ tầng của các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Bình luận (0)