Trưa nắng gắt, ông Nguyễn Nguyên Vũ (53 tuổi, tài xế tuyến xe buýt số 52) cho xe đậu tại Bến xe buýt ĐHQG TP HCM để nghỉ giữa chuyến sau khi chạy từ Bến Thành về. Cái nóng hầm hập trong xe không khác gì "lò luyện đan" khiến người đàn ông trung niên mồ hôi nhễ nhại.
Áp lực vô hình
Thời gian rảnh hiếm hoi này, ông Vũ trao đổi với chúng tôi về chuyện nghề. "Lái xe buýt không chỉ cần kỹ năng, mà còn phải có tinh thần "thép" và lòng yêu nghề để vượt qua áp lực từ công việc và thời gian" - ông cho biết.
Trung bình mỗi ngày, ông Vũ chạy 6-8 chuyến xe. Bắt đầu chạy xe buýt từ năm 2006, hơn 18 năm ôm vô-lăng, ông phải tập làm quen với việc đi sớm về khuya, với những căn bệnh nghề nghiệp và cả định kiến của dư luận.
"Nhiều người gọi xe buýt là "hung thần đường phố" này nọ. Áp lực từ dư luận cũng là một gánh nặng tâm lý đối với tài xế" - ông Vũ tâm sự.
Theo ông Vũ, tài xế xe buýt có nhiều nỗi khổ, đối mặt nhiều khó khăn trong công việc, xử lý vô vàn tình huống trên đường; đồng thời phải chạy đủ chuyến mà doanh nghiệp đã sắp xếp… Cầm lái xe buýt mới biết có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười. Bấm còi xin vượt, xe máy không cho, tài xế cũng đành chịu. Xe buýt chạy vào trạm, nhiều người nói xe lấn làn rồi buông lời nặng nhẹ.
Giờ cao điểm, đường ken đặc, tài xế xe buýt có muốn cũng không thể chạy đúng giờ so với quy định. Nếu chạy đúng giờ thì còn có thể nghỉ được chút ít, nếu bị "âm" giờ thì sẽ không có thời gian nghỉ, chỉ thư giãn 1-2 phút rồi lại lên xe tiếp tục hành trình.
Thêm vào đó, tài xế xe buýt phải làm việc với cường độ cao, 9-10 giờ/ngày, thậm chí 12-14 giờ. Nơi lấy xe và trả xe tùy theo doanh nghiệp sắp xếp. Nhiều khi ông Vũ trả xe tại bến xe làng đại học lúc 21 giờ, sáng hôm sau phải đến nhận lúc 5 giờ. Cũng có những ngày ông nhận xe từ 3 giờ, đến tận 23 giờ mới về đến nhà. "Rời khỏi nhà từ khi gà chưa gáy, lúc về thì vợ con đã ngủ, nhiều lúc không có thời gian rảnh để trò chuyện cùng gia đình" - ông Vũ kể.
Chia sẻ về góc khuất khi làm nghề, ông Võ Tấn Phát (51 tuổi, tài xế tuyến 52), chạy xe buýt hơn 24 năm, cũng cho biết tài xế bị rất nhiều áp lực vô hình đè nặng. Đây là nghề phục vụ mọi người, phải luôn chú ý từng phút, từng giây để bảo đảm xe chạy đúng giờ. Đường hẹp, phương tiện đông, xe buýt thường xuyên ra vào trạm, nhiều người chưa hiểu nên tỏ ra khó chịu, thậm chí còn bảo kẹt xe là do xe buýt...
"Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn liên quan xe buýt. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn của xe buýt bởi vận tốc khi xảy ra tai nạn không quá 20 km/giờ. Xe buýt di chuyển trong nội đô rất chậm vì phải ghé trạm liên tục" - ông Phát giải thích.
Ông Phát cũng thừa nhận vì nhiều áp lực, một số tài xế xe buýt chạy lấn làn, bóp còi inh ỏi trên đường, dừng trả khách sai trạm, bỏ trạm, giao tiếp chưa đúng mực với hành khách… Song, đa số tài xế vẫn kiên trì bám trụ, yêu nghề và có ý thức trách nhiệm.
"Là người cầm vô-lăng, hơn ai hết chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm đối với tính mạng người đi đường và hành khách trên xe. Tôn chỉ khi làm nghề của chúng tôi là dù chậm nhưng hành khách an toàn" - ông Phát trải lòng.
Ăn vội, ngủ ít
Hơn 18 năm trong nghề, rong ruổi trên những cung đường quen thuộc, ông Vũ nhớ rõ từng ổ gà, hố ga trên những tuyến mà xe buýt đi qua; thuộc lòng bàn tay những đoạn thường xuyên kẹt xe, ngập nước... Thế nhưng, ông không thể chạy nhanh tại những đoạn đường vắng để bù thời gian cho việc đi qua điểm kẹt xe vì vi phạm quy định và vì an toàn giao thông.
"Nhiều khi chúng tôi dùng bữa vội vã, chỉ kịp mua đồ ăn rồi dùng trên xe, tranh thủ thời gian đi cho kịp chuyến. Hơn nữa, không có nhà vệ sinh trên xe nên chúng tôi cũng không dám ăn uống nhiều. Đang lỡ chuyến mà có nhu cầu đi vệ sinh thì không biết phải làm sao" - ông Vũ tiết lộ.
Đỗ xe ngay bên cạnh, ông Võ Đức Lợi (51 tuổi, chạy tuyến số 10 ĐHQG TP HCM - Bến xe Miền Tây) cho hay ông làm tài xế xe buýt đã hơn 18 năm. Tuyến số 10 là một trong những tuyến mà xe buýt chạy nhiều chuyến nhất. Trung bình một ngày, ông chạy 7-9 chuyến. Thường xuyên phải xuất phát từ lúc 4 giờ và về nhà vào 23 giờ, có ngày về khuya mệt, ông không dám tắm, chỉ vệ sinh qua loa vì sợ... đột quỵ.
Ông Lợi tâm sự: "Hơn 18 năm phục vụ trong nghề, tôi hiểu rõ nỗi khổ của tài xế, tiếp viên xe buýt. Họ thức sớm về khuya; chưa từng có ngày nghỉ lễ, Tết thực sự, bởi đây là thời điểm công việc còn bận rộn hơn ngày thường. Có những ngày, do chỉ ngủ 3-4 giờ nên nhiều tài xế phải uống nước tăng lực, cà phê để tỉnh táo".
Không chỉ làm việc với cường độ cao mà còn do đặc thù công việc phải ngồi một tư thế thường xuyên, ít vận động nên lâu ngày tài xế xe buýt dễ mắc nhiều bệnh. Thậm chí, có trường hợp đột quỵ khi đang lái xe như một tài xế xe buýt tuyến số 24 (Bến xe Miền Đông - huyện Hóc Môn) mới đây. "Chung quy cũng vì cuộc sống mưu sinh" - ông Lợi ngậm ngùi.
Mỗi xe buýt phải chạy theo chỉ tiêu đã được doanh nghiệp đề ra mỗi ngày. Nếu chạy đủ chuyến, trung bình mỗi tài xế nhận trên dưới 400.000 đồng/ngày; nếu không đủ thì chỉ được phân nửa. Dù vất vả nhưng nếu chịu khó tích góp, dành dụm thì tài xế cũng có được cuộc sống tạm ổn.
Bước qua tuổi 51, khi nhiều tài xế đã chuẩn bị nghỉ ngơi, ông Phát, ông Lợi... cho biết vẫn đủ sức khỏe và yêu nghề. Điều họ mong mỏi là nên có quy định tài xế xe khách phải được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tầm soát các bệnh về tim mạch, huyết áp, thần kinh... Chỉ cần có những chiếc máy gắn ở bến hoặc trên xe, kiểm tra được sức khỏe tài xế trước khi bắt tay vào công việc là họ yên tâm phục vụ, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-12
Kỳ tới: Giảm căng thẳng cho tài xế
Nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ
Vừa đến Bến Xe buýt Sài Gòn (quận 1) trả khách, ông Cam Hoàng Văn (tài xế tuyến Bến Thành - ĐHQG TP HCM) liền tranh thủ "làm một giấc" ngay trên xe. Ông Văn cho biết do đã lớn tuổi nên gần đây bị mất ngủ. Đêm trước, ông chỉ chợp mắt được một chút đã phải bắt đầu công việc. "Tranh thủ ngủ xíu để tỉnh táo mới lái xe tốt được" - ông nói.
Ông Văn cho biết cuộc đời ông vui buồn cùng những chuyến xe buýt. Mỗi ngày, ông phải dậy sớm, làm việc liên tục trên những cung đường đông đúc và chỉ thực sự thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo nhiều tài xế xe buýt, mỗi ngày họ chạy được 8-10 chuyến. Mỗi chuyến, tài xế được trả 55.000 đồng. Trong tháng, nếu chạy từ 200 chuyến trở lên thì họ được thưởng thêm 4.000 đồng/chuyến. Bên cạnh đó, tài xế sẽ được thưởng thu nhập tăng thêm từ 200.000 đồng (nếu làm 24 ngày) đến 4 triệu đồng (nếu làm đủ 31 ngày). Tính ra, tổng thu nhập mỗi tháng của tài xế khoảng 18 đến 21 triệu đồng.
A.Vũ
Xe buýt ngày càng thân thiện
Theo những hành khách chúng tôi gặp, xe buýt ở TP HCM ngày càng có nhiều thay đổi. Xe mới, có máy lạnh, camera an ninh, hệ thống loa báo trạm...; tiếp viên, tài xế chu đáo hơn, làm việc chất lượng hơn trước đây.
Thường xuyên đi học bằng xe buýt tuyến số 52, Lê Thuý An (19 tuổi) cho biết: "Với Google Map, tôi có thể chọn tuyến xe buýt. Chừng 10 phút trước khi xe tới, app sẽ báo, rất chính xác nên khá tiện lợi. Trời nắng nóng mà ngồi trên xe buýt có máy lạnh mát rượi là thích nhất".
Với anh Đình Long (26 tuổi), đi xe buýt từ thời sinh viên, ra trường anh đi xe máy một thời gian rồi quay lại với xe buýt vì tiện lợi. "Xe buýt bây giờ sạch sẽ, lịch sự hơn nhiều. Đi xe buýt lại an toàn, mát mẻ, có thời gian ngắm phố phường, nghe nhạc, xem tin tức hoặc nảy sinh ý tưởng cho công việc" - anh Long bày tỏ.
Bình luận (0)