Liên quan đến vụ tai nạn do nữ tài xế Nguyễn Thị Nga (ngụ quận 12, TP HCM) gây ra tại Vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) khiến 1 người tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương, dư luận cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm minh những người say rượu lái xe.
Báo Người Lao Động trích đăng ý kiến của Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) về những vấn đề pháp lý liên quan.
Bà Nguyễn Thị Nga lái xe trong tình trạng say xỉn
Theo quy định của pháp luật, việc phạm tội trong trường hợp đã dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không phải là tình tiết để loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, kể cả trong tình trạng say đến mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Trong số các tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, không có tình tiết giảm nhẹ nào là phạm tội trong trường hợp say rượu, bia. Ngược lại, người phạm tội còn có thể bị truy tố ở khung tăng nặng đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Quy định này nhằm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu, bia và các chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.
Theo đó, hành vi nữ tài xế lái xe tông hàng loạt người tại Vòng xoay Hàng Xanh trong tình trạng say xỉn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, khi làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định; có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%..., có hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu số người chết tăng đến 3 người trở lên thì lại thuộc khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Hiện trường vụ tai nạn chết người ở Vòng xoay Hàng Xanh
Xét về vụ việc thương tâm đã xảy ra, người đáng trách chính là người phụ nữ lái xe. Ở đây, chính người này đã tự làm bản thân mình mất nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi chứ không đổ lỗi cho chất kích thích khiến cho hành động như vậy được.
Bởi ngay từ đầu, người này có thể lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng rượu, bia và khi sử dụng rồi cũng vẫn có thể lựa chọn tự mình đi về hoặc dùng cách khác để về như bắt taxi và quay lại lấy xe khi đã tỉnh.
Vậy nên, hậu quả xảy ra là từ hành vi chủ động, không vô thức, một chuỗi hành vi luôn có những lựa chọn mà người đó đều biết điều gì có thể xảy ra kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng rượu, bia. Chính người này tự đưa mình vào trạng thái không làm chủ được hành vi chứ không phải bị ép buộc sử dụng hay mất năng lực làm chủ hành vi từ đầu. Do đó, người này phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mình gây ra.
Nhìn rộng ra, ở góc nhìn toàn xã hội, chúng ta có thể thấy việc tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia đang trở thành vấn nạn lớn trong xã hội. Từng ngày, từng giờ, rất nhiều người đã vĩnh viễn không trở về nhà sau những cuộc vui vì sử dụng bia, rượu. Tệ hơn họ còn gây ra tai nạn, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho những người khác lưu thông trên đường, những người chấp hành đúng luật giao thông.
Hành vi sai trái của một người tự đặt mình vào trạng thái mất tự chủ, mất khả năng điều khiển hành vi làm bị thương, thậm chí thiệt mạng những người vô can phải bị xử lý thích đáng. Xét cho cùng, đối với hành vi gây tai nạn khi đang lưu thông trên đường trong trạng thái minh mẫn và tự chủ như vụ việc tông xe con đi lùi trên cao tốc còn đáng được cảm thông hơn hơn nhiều việc gây tai nạn khi say xỉn như vụ việc này.
Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử lý nghiêm minh trong khuôn khổ pháp luật các hành vi này để làm gương và tạo sự răn đe cần thiết trong xã hội, tránh những hành vi như vậy lặp lại.
Bình luận (0)