Ở ngày thi đấu cuối cùng, cuộc đua tranh vị trí đầu trên bảng tổng sắp huy chương chỉ còn là màn tranh chấp tay đôi giữa Trung Quốc và Mỹ. Mọi ánh mắt dồn cả vào nội dung tranh tài cuối cùng là trận chung kết bóng rổ nữ giữa chủ nhà Pháp và tuyển Mỹ.
Nếu các cô gái Pháp giành HCV, họ sẽ gián tiếp định đoạt số phận cuộc đua trên bảng tổng sắp huy chương, và ngược lại…
Đua tranh ngôi đầu
Trận chung kết diễn ra vô cùng căng thẳng khi chủ nhà Pháp phải liên tục bám đuổi điểm số. Ở giây đấu cuối cùng, khi thực hiện quả ném rổ quyết định, nữ cầu thủ Pháp đã dẫm mũi giày vào vạch 3 điểm. Thay vì giành đủ 3 điểm để san bằng tỉ số 67-67 (phải đấu thêm giờ) thì Pháp chỉ được 2 điểm, đành chấp nhận thua trận 67-66.
Đội tuyển bóng rổ Mỹ đã giành chiến thắng nghẹt thở, đoạt HCV. Với chức vô địch này, đoàn thể thao Mỹ có được 40 HCV như Trung Quốc nhưng vẫn đường hoàng chiếm ngôi đầu bảng tổng sắp nhờ hơn… số HCB. Thể thao Mỹ tiếp tục thống trị đấu trường Olympic khi đây là lần thứ 5 liên tiếp họ đứng ngôi đầu bảng tổng sắp.
Trong tổng số 40 HCV giành được tại Olympic 2024, đoàn thể thao Mỹ đã có đến 22 HCV từ hai môn thể thao truyền thống của Thế vận hội là điền kinh (14) và bơi lội (8). Trong khi đó, Trung Quốc chứng tỏ thế mạnh ở nhảy cầu (8 HCV), bắn súng, cử tạ và bóng bàn (cùng 5 HCV).
Đứng sau Mỹ (40 HCV, 44 HCB, 42 HCĐ) và Trung Quốc (40 HCV, 27 HCB, 24 HCĐ) trên bảng tổng sắp huy chương lần lượt là Nhật Bản (20 HCV, 12 HCB, 13 HCĐ), Úc (18 HCV, 19 HCB, 16 HCĐ), tiếp đến là chủ nhà Pháp (16 HCV, 26 HCB, 22 HCĐ), Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Ý và Đức...
Số 1 Đông Nam Á
Philippines với 2 HCV và 2 HCĐ, xếp hạng 37 trên bảng tổng sắp huy chương và đứng đầu khối các quốc gia Đông Nam Á. Vị trí thứ nhì thuộc về là Indonesia (hạng 39, 2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan (hạng 44, 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ), Malaysia (hạng 80, 2 HCĐ), Singapore (hạng 84, 1 HCĐ).
Thể thao Việt Nam có kỳ Olympic thứ nhì liên tiếp không đoạt huy chương, sau Tokyo 2020. Đoàn thể thao Việt Nam có 16 VĐV tham dự Olympic 2024 (14 vé chính thức, 2 vé đặc cách), tranh tài 11 môn và thành tích tốt nhất thuộc về xạ thủ Trịnh Thu Vinh với vị trí thứ tư nội dung súng ngắn hơi 10m nữ. Cô cũng lọt vào chung kết nội dung 25m súng ngắn thể thao và xếp hạng 7 chung cuộc.
Olympic 2024 khai mạc vào ngày 27-7 với sự góp mặt của gần 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các vận động viên tranh tài tại 32 môn thể thao với 329 bộ huy chương. 91 đoàn có huy chương và 115 đoàn ra về trong niềm vui của riêng mình sau khi tham gia những ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Lễ bế mạc Olympic Paris diễn ra vào lúc 2 giờ ngày 12-8 (giờ Việt Nam). SVĐ Stade de France trở thành nơi tổ chức buổi hòa nhạc khổng lồ, để chia tay Thế vận hội Paris 2024 sau 17 ngày tranh tài quyết liệt.
SVĐ với sức chứa 80.000 người đã được biến hóa thành sảnh hòa nhạc khổng lồ, nơi các màn trình diễn không chỉ diễn ra trên mặt đất mà còn trên không trung, kèm theo những hiệu ứng ánh sáng rực rỡ và trang phục đậm chất Pháp.
Lễ bế mạc có tên "Records" (Kỷ lục) bởi đạo diễn nghệ thuật Thomas Jolly, hứa hẹn mang đến cho khán giả trải nghiệm đầy ấn tượng với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, vũ công, diễn viên xiếc và những màn biểu diễn âm nhạc đặc sắc.
Một trong những dấu ấn khác của kỳ Olympic này là việc 2 quốc gia vùng Caribe lần đầu tiên giành huy chương Olympic. Julien Alfred từ Saint Lucia đoạt HCV danh giá cự ly 100m nữ, trong khi Thea LaFond của Dominica cũng mang về HCV ở nội dung nhảy xa ba bước. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với những quốc gia nhỏ bé, dân số của Dominica chỉ khoảng 72.000 người, còn Saint Lucia khoảng 180.859 người.
Bình luận (0)