Tôi và chồng đi mua sắm ở Ikea. Chúng tôi đi đúng vào một ngày nghỉ lễ. Đó là một quyết định không sáng suốt. Tìm được chỗ đậu xe trong khu vực đậu xe của Ikea vào ngày toàn dân đi mua sắm là một thử thách!
Khi tới bãi đậu xe, chúng tôi đi mấy vòng vẫn không tìm được chỗ, cả bốn đôi mắt cùng lia bên phải, đảo bên trái, mở hết công suất nhằm tìm được một chỗ đậu xe còn trống. Sau một hồi tìm kiếm, tôi đánh liều chỉ một chỗ có vị trí cực đẹp, ngay gần cửa ra vào khu mua sắm, nói với chồng: "Hay mình đậu tạm nửa giờ chỗ đó, nửa giờ sau quay lại, thế nào cũng tìm ra chỗ trống khác…". "Không được em, mình không được làm như thế, đây là chỗ dành riêng cho người già, người khuyết tật, mình mạnh khỏe, không thể lấy chỗ của họ".
Bài học tôn trọng quyền ưu tiên
Trên đường về, tôi hỏi chồng tôi: "Anh có chắc chắn là tất cả mọi người ở bãi đậu xe hôm nay tuân thủ quy định về chỗ dành riêng cho người khuyết tật; tất cả xe đậu ở đó là do những người được hưởng quyền ưu tiên lái không?". Anh bảo: "Không, anh không chắc". "Thế tại sao anh phải tuân thủ quy tắc đó như vậy?". "Vì điều đó có lợi cho anh". "Có lợi như thế nào ạ?". "Khi anh già hoặc bị khuyết tật, lúc tìm chỗ đậu xe, có thể anh cũng sẽ tìm được chỗ đậu xe ưu tiên vì những người khác tôn trọng quyền ưu tiên đó của anh".
Sự tôn trọng các nguyên tắc về công bằng trong xã hội là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người trong xã hội đó. Đó là một trong những giá trị cốt lõi (core value) mà cộng đồng xã hội phương Tây hướng đến và gìn giữ.
Trong những giá trị về sự bền vững xã hội, yếu tố bình đẳng (equality) và công bằng (equity) là 2 trong những yếu tố then chốt. Tuy chúng có cùng mục tiêu nhưng không đồng nghĩa với nhau.
Chúng ta thường nghe nói rất nhiều đến khái niệm bình đẳng như bình đẳng giới, bình đẳng sắc tộc, bình đẳng tôn giáo… Bình đẳng là sự công nhận của xã hội cho những quyền của con người phải được giống như nhau trước pháp luật. Tuy nhiên, bình đẳng có luôn đồng nghĩa với công bằng không?
Sự thật là chúng ta không có những xuất phát điểm giống nhau. Ngôn ngữ phổ thông là có những người sinh ra đã ở vạch đích của hàng triệu người khác. Sự thật là không có sự công bằng tuyệt đối trong mọi lĩnh vực. Sự thật là con người phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình để vươn lên. Những ai thấm nhuần điều này, chấp nhận thực tế thì sẽ có cơ hội để đạt được những thành tựu mà họ mong muốn trong đời.
Tuy nhiên, nếu xã hội không góp một phần công sức bằng việc đưa ra một số quy tắc phù hợp để bảo đảm những người có những bất lợi nhất định trong cuộc sống có được một chút quyền ưu tiên thì dần dần xã hội đó sẽ mất đi tính ổn định. Mà một khi xã hội mất đi tính ổn định thì hậu quả thật khó lường. Đó là lý do ngày mỗi ngày, những năm gần đây, xã hội phương Tây càng hướng đến, tăng cường tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ tính bền vững của xã hội.
Nỗ lực hướng đến sự công bằng
Một đứa trẻ dù là con nhà hoàng gia hay con một nông dân thì trước khi tròn 16 tuổi phải luôn được đi học, dưới mọi hình thức và phải được tham dự mọi bài kiểm tra để đánh giá học lực. Nếu cha mẹ của một đứa trẻ dưới 16 tuổi mà không cho con đi học, với bất kỳ lý do gì của bản thân, đều có thể bị phạt tù, dù là nông dân hay thành viên chính phủ. Điều này được ghi trong luật ở Anh. Trẻ em đến trường, không chỉ không đóng học phí mà còn được cung cấp một bữa ăn miễn phí ở trường. Cho đến nay vẫn có một số lượng không nhỏ trẻ em ở Anh được nuôi sống nhờ bữa ăn miễn phí ở trường học này. Đó là một trong những nỗ lực hướng đến sự công bằng trong xã hội ở Anh.
Ở Thụy Sĩ và Phần Lan, 2 trong số những nước giàu nhất châu Âu, có một số quy định phạt đối với việc lái xe vượt quá tốc độ ở mức nguy hiểm đến tính mạng người khác, dựa trên mức thu nhập hằng năm của người vi phạm. Số tiền phạt cho một lần vượt tốc độ có thể lên tới hơn nửa triệu USD nếu thu nhập một năm của người vi phạm gấp đôi số tiền đó. Khi mới biết điều này, tôi đã thốt lên "Như thế không công bằng. Tôi làm ra nhiều tiền hơn thì sao lại phải trả tiền phạt nhiều hơn cho cùng một lỗi vi phạm với người kiếm tiền ít hơn tôi?". Nhưng khi nghĩ kỹ lại thì hóa ra đó là một trong những quy định thể hiện việc hướng đến công bằng của chính quyền ở đây. Họ cho rằng nếu để mức phạt cố định phù hợp với số đông thì những người có quá nhiều tiền sẽ không quan tâm đến việc đóng tiền phạt, họ có thừa tiền để đóng phạt nên họ có thể vẫn lái xe ở tốc độ nguy hiểm chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân. Như vậy thì không công bằng với những người khác vì mạng sống của con người quý giá ngang nhau.
"One thing everyday, babe, Rome wasn't built in a day" - chồng tôi nói và đó là một trong những câu thành ngữ rất nổi tiếng ở châu Âu - "Rome không được xây trong một ngày. Mỗi ngày một chút thôi, nên chỉ cần mỗi người có ý thức tôn trọng, cam kết và thực hiện các nguyên tắc bảo đảm tính công bằng của xã hội thì một ngày kia, con cháu chúng ta sẽ sống ở Rome".
Hoặc đến thăm Rome!
Chỉ tiêu "bền vững"
Trước đây, trong các báo cáo kiểm toán hằng năm của các tập đoàn lớn đều có một số tiêu chí liên quan chỉ tiêu "bền vững" (sustainability) của công ty. Tuy nhiên, càng ngày chỉ tiêu này càng trở nên quan trọng với xã hội và chính quyền châu Âu, đến mức họ muốn tách và đưa những chỉ tiêu về các yếu tố phát triển bền vững của công ty thành một báo cáo riêng biệt, quan trọng, bắt buộc, y như với những chỉ tiêu tài chính khác khi một công ty niêm yết đại chúng công bố báo cáo thường kỳ ra công chúng. Đây là một tín hiệu cho thấy châu Âu ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng thiết yếu về sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội và môi trường. Ba yếu tố này là 3 trụ cột của phát triển bền vững.
Bình luận (0)