Ngày 31-10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi phát biểu trong thảo luận tổ về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trước hết cần căn cứ vào các quy định, đối chiếu với tiêu chí theo quy định hiện hành.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng thành phố trực thuộc Trung ương phải là cực tăng trưởng kinh tế của vùng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. "Không thể lên thành phố trực thuộc Trung ương mà nay mai thành phố lại "quyết tâm xây dựng nông thôn mới", như vậy là chúng ta đang nông thôn hóa đô thị. Do đó, các tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên, các tiêu chí đi kèm khác vẫn là quan trọng nhất để xem xét"- Tổng Bí thư nhấn mạnh và nêu rõ không thể nhìn nhận theo cảm xúc trong việc này.
Bên cạnh đó, cần đánh giá được triển vọng phát triển của thành phố khi trực thuộc Trung ương. Theo Tổng Bí thư, hiện một số địa phương cũng đang phấn đấu trong việc này. Tuy nhiên, cần lưu ý kỹ về cực tăng trưởng, lên thành phố trực thuộc Trung ương rồi không thể trở thành gánh nặng cho vùng được.
"Lên thành phố trực thuộc Trung ương để có cơ chế cho phát triển, nhưng bản thân các thành phố cũng phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách... Thành phố phải phát triển hài hoà, bền vững, không để khu vực đô thị thì phát triển nhanh, còn khu vực nông thôn thì ngày càng khó khăn"- Tổng Bí thư nêu rõ.
Đối với TP Huế, Tổng Bí thư cho biết Trung ương đã thảo luận vấn đề này, các bộ ngành liên quan cũng đã xem xét, cho ý kiến. Tổng Bí thư đánh giá TP Huế đã đủ tiêu chí để lên thành phố trực thuộc Trung ương. Song vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra để thảo luận.
"TP Huế xứng đáng, nhưng cũng cần chia sẻ với những khó khăn mà Huế sẽ phải đối mặt khi lên thành phố trực thuộc Trung ương"- Tổng Bí thư nói và lưu ý khi trực thuộc Trung ương, tư thế sẽ khác, có nhiều việc cần giải quyết, phải nỗ lực để vượt qua.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều thời gian để nói về tổ chức bộ máy hiện nay và các trăn trở khi bộ máy còn quá cồng kềnh.
Theo Tổng Bí thư, các Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, đặt ra nhiệm vụ phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy. "Trung ương mấy nhiệm kỳ đều nói về tổ chức bộ máy, đều đánh giá cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả"- Tổng Bí thư nói và nêu rõ mỗi ngày chúng ta làm việc 8 tiếng, đã là tròn công việc, xứng đáng để nhận đồng lương hay chưa, nếu làm không đạt thì phải thấy xấu hổ.
Tổng Bí thư cho biết Nghị quyết Trung ương chỉ rõ bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả nhưng một số cơ quan lại đánh giá là hiệu lực, hiệu quả, như vậy là "mâu thuẫn" với Nghị quyết của Trung ương. "Phải thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận điều đó"- Tổng Bí thư lưu ý.
Nhấn mạnh không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết hiện nay 70% ngân sách đang dành cho chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động của chúng ta, như vậy nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế. "Muốn đầu tư dự án này, dự án khác cũng gặp khó, tiền đâu cho quốc phòng an ninh, cho xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Những việc này là Nhà nước phải lo"- Tổng Bí thư nêu thực tế và cho biết các nước chỉ dùng khoảng 40% ngân sách cho chi thường xuyên.
Theo Tổng Bí thư, ít nhất phải dành trên 50% ngân sách cho quốc phòng an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... "So sánh như vậy để thấy sốt ruột vô cùng. Bộ máy cứ phình lên, chi phí lớn"- Tổng Bí thư nói và cho biết việc tăng lương rất áp lực, vì sẽ tăng chi ngân sách, có thể lên tới 80% chi thường xuyên, lúc này không còn nguồn lực cho các hoạt động khác. Tổng Bí thư nêu nhiệm vụ cần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trăn trở khi bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển, Tổng Bí thư nêu thực trạng một số bộ ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, thậm chí tạo cơ chế xin - cho. Nhiều vấn đề địa phương hỏi mãi nhưng không trả lời, rất mất thời gian.
Theo Tổng Bí thư, quy định đã có, tại sao không phân cấp cho địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm mà bộ ngành phải giữ lại cho mình. "Có những việc, chỉ một ông chuyên viên có ý kiến khác là toàn bộ hệ thống phải dừng lại, đánh giá lại, họp lại để giải trình toàn bộ. Cơ chế hiện nay là như vậy"- Tổng Bí thư cho hay. Nhiều việc "hết tháng này đến tháng nọ" nhưng chưa làm được, do bộ này, bộ kia chưa có ý kiến.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nêu thực tế nhiều việc không tìm được cơ quan chủ trì, cơ quan chịu trách nhiệm chính. Dẫn chứng về quản lý cát sỏi lòng sông, Tổng Bí thư cho biết liên quan tới nhiều bộ ngành, địa phương mà không biết ai chủ trì, biết bao nhiêu cuộc họp rồi.
"Về cát sỏi lòng sông, Bộ GTVT thì nói đó là khơi thông luồng lạch, nếu doanh nghiệp khai thác là khơi thông luồng lạch, có thể được trả tiền. Bộ TN-MT thì nói đó là kho tài nguyên của tôi, ai khai thác phải trả tiền cho tôi. Như vậy, với cát sỏi đó, doanh nghiệp vừa được nhận tiền, vừa phải trả tiền. Bộ Xây dựng thì nói đó là nguyên vật liệu xây dựng. Chỉ một vấn đề thôi mà không biết ai chịu trách nhiệm"- Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu và cho rằng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo như vậy làm sao phát triển được.
Ở cấp địa phương cũng tương tự, liên quan cát sỏi cũng phải qua Sở GTVT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng... Do đó, doanh nghiệp rất khổ sở, phải hỏi đủ cơ quan mà chưa ra vấn đề. Quản lý chồng chéo, nhiều cơ quan như vậy, song Tổng Bí thư nhấn mạnh vẫn xuất hiện tiêu cực, có kẽ hở.
Tiếp tục dẫn chứng về cát sỏi lòng sông, Tổng Bí thư nêu rõ "giá bán, giá mua", lời lãi bao nhiều không rõ ràng, rồi tình trạng khai thác chui, thậm chí tội phạm còn xen vào. "Từ ông khai thác, vận chuyển, đổ vào công trình công đều có bóng dáng tội phạm"- Tổng Bí thư nói và cho biết thậm chí tội phạm còn đe dọa cả lãnh đạo tỉnh trong vấn đề này.
Bên cạnh tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh năng suất lao động của chúng ta đang giảm và đây là chỉ tiêu không đạt thời gian qua. Theo Tổng Bí thư, phải tăng năng suất lao động, huy động mọi người đều tham gia vào sản xuất, kinh doanh. "Kỷ nguyên mới là thế nào, là phải bứt tốc với mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bình luận (0)