xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tổng kết Nghị quyết 18 là đặc biệt hệ trọng

Thế Dũng

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Trung ương thảo luận tổng kết Nghị quyết 18 là nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị Trung ương và là vấn đề mang tính cách mạng cao

Chiều 23-1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương) khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường điều hành phiên khai mạc.

Trung ương đi đầu nêu gương

Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Hội nghị Trung ương sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng.

Đó là: Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW (NQ18) của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030; Công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương.

BCHTƯ Đảng cũng cho ý kiến về đánh giá kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024; Báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025. Tổng Bí thư cũng gợi mở một số vấn đề để Trung ương nghiên cứu thảo luận và quyết định đối với những nội dung.

Về tổng kết NQ18, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là nội dung trọng tâm nhất tại hội nghị lần này.

Thực hiện kết luận của Trung ương tại Hội nghị ngày 25-11-2024, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện NQ18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương triển khai tổng kết NQ18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "không cầu toàn nhưng không nóng vội".

Chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết NQ18 đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết nghị quyết này.

Các cơ quan, Ban đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đã đi đầu nêu gương, khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng. Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện việc tổng kết; nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.

Việc tổng kết NQ18 và sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ươngẢnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương - Ảnh: Nhật Bắc

Tinh gọn gắn với cơ cấu

Tổng Bí thư nêu rõ trong quá trình thực hiện, những nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được thực hiện ngay theo đúng tinh thần "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".

Nhìn tổng thể đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra và bảo đảm đúng định hướng Trung ương đã chỉ đạo. Sở dĩ triển khai thuận lợi, nhanh vì chúng ta đã biết kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước.

Nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, nay Trung ương đặt vấn đề tổng kết nên đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng và trong nhân dân, bởi đó còn là những vấn đề "đã chín, đã rõ".

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến về báo cáo tổng kết NQ18 và Phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ, như giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức Công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân…

Đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao nên đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện; đồng thời, cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu

Về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư cho biết tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 9-2024), Trung ương đã thảo luận thông qua chủ trương định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5%-7%, phấn đấu đạt 7%-7,5%; giai đoạn 2026 - 2030 định hướng mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5%-8,5%/năm. Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các mục tiêu để tổ chức thực hiện.

Từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng tạo nền tảng để phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực; phân cấp phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hoàn thiện hạ tầng, nhân lực, nhất là những vấn đề mới để thúc đẩy tăng trưởng; chỉ đạo các giải pháp để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đến nay, cập nhật đầy đủ tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cho thấy chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động, doanh nghiệp, thu hút FDI, văn hóa, an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống người dân… đạt kết quả nổi bật, cao hơn chỉ tiêu phấn đấu đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đây là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận cho ý kiến về những vấn đề này, đặc biệt là các giải pháp làm thế nào để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tranh thủ được cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, các "dư địa" để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần đạt được mục tiêu đã đề ra năm 2025 và cả giai đoạn 2026 - 2030.

Về Đánh giá kiểm điểm sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024 và Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra giám sát năm 2025, Tổng Bí thư cũng đề nghị Trung ương cho ý kiến, đặc biệt là nội dung liên quan đến sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, sự quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện, do vậy đề nghị Trung ương, các đại biểu dự Hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để Hội nghị đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cùng ngày, BCHTƯ Đảng làm việc tại tổ, thảo luận các nội dung: Báo cáo tổng kết việc thực hiện NQ18; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024… 

"Những phần "được", phần "hay" thì chỉ cần các đồng chí ghi nhận. Chúng tôi cần các đồng chí tập trung cho ý kiến về phần "chưa được", những nội dung cần sửa chữa, điều chỉnh, cần triển khai thực hiện đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí là đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư" - Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị.

Bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư

Chiều 23-1, BCHTƯ Đảng đã thực hiện một số nội dung về công tác cán bộ. Theo đó, thống nhất để ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) - thôi giữ chức Chủ nhiệm UBKTTƯ để tập trung thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư.

Bầu bổ sung 3 Ủy viên UBKTTƯ khóa XIII, gồm các ông: Nguyễn Duy Ngọc - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Bầu ông Nguyễn Duy Ngọc - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên UBKTTƯ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - giữ chức Chủ nhiệm UBKTTƯ.

Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKTTƯ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; ông Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - giữ chức Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.

Đồng ý để ông Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - thôi giữ chức Ủy viên BCHTƯ Đảng khóa XIII.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo