Các chỉ số chứng khoán quan trọng như S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,06%, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,07% trong khi Topix giảm 2,69%. Kospi của Hàn Quốc giảm 1,15% và Kosdaq giảm 0,68% trong phiên sáng 4-4.

Màn hình phát sóng tin tức thị trường chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại New York vào ngày 3-4. Ảnh: Bloomberg
Trước đó, chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm hôm 3-4 khi các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020, kết thúc với mức giảm % trong một ngày cao nhất trong nhiều năm.
Các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi những tài sản mang tính rủi ro cao, tìm kiếm sự an toàn từ trái phiếu chính phủ.
Chỉ số biến động CBOE (.VIX), được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi của phố Wall”, đã chạm mức cao nhất trong 3 tuần.
Theo dữ liệu sơ bộ, chỉ số S&P 500 (.SPX) đóng cửa ở mức 5.395,92 điểm vào cuối ngày 3-4, mất 275,05 điểm (tương đương 4,85%). Chỉ số Nasdaq Composite (.IXIC) giảm 1.053,60 điểm (5,99%) xuống còn 16.547,45 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (.DJI) giảm 1.682,61 điểm (3,98%) xuống còn 40.542,71 điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn như Apple, Nvidia, Amazon… cũng chịu mức giảm mạnh.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Citigroup, Bank of America, JPMorgan Chase & Co… vốn nhạy cảm với rủi ro, đã giảm theo tình hình chung.
Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro vì lo ngại thuế quan của ông Donald Trump sẽ châm ngòi một cuộc chiến thương mại và thúc đẩy suy thoái.
Theo đài CNBC, khi được hỏi hôm 3-4 về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, ông Donald Trump chỉ ra rằng đây là phản ứng tạm thời đối với thuế quan.
Ông Donald Trump nói: "Tôi nghĩ mọi thứ đang diễn ra rất tốt. Nó giống như một ca phẫu thuật, như khi một bệnh nhân được mổ và đó là chuyện lớn. Tôi đã nói rằng mọi việc sẽ đúng như thế này… Thị trường sẽ bùng nổ. Cổ phiếu sẽ tăng vọt. Đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Phần còn lại của thế giới đang muốn xem liệu họ có thể thỏa thuận gì được không".
Các nhà kinh tế của Ngân hàng JPMorgan Chase cho biết suy thoái hiện có khả năng xảy ra nếu các mức thuế quan mới này được duy trì và không đàm phán giảm xuống.
Những ngày tới dự kiến sẽ rất biến động khi các sự kiện diễn ra và toàn bộ tác động của các hành động kinh tế của ông Donald Trump bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
Các nhà giao dịch đang tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, bắt đầu bằng lần cắt giảm 0,25 điểm% vào tháng 6. Ông George Bory, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý tài sản Allspring Global Investments, nhận định: "Cục Dự trữ Liên bang (FED) có rất nhiều khả năng để hỗ trợ thị trường".
Bình luận (0)