Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 19 đến 20-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam với tư cách là trưởng đoàn các nhà lãnh đạo cấp liên bang và khu vực cũng như các doanh nghiệp lớn. Chuyến thăm mang tính chất cấp Nhà nước, là cấp độ giao thức cao nhất trong quan hệ giữa các quốc gia.
Dự kiến trong chuyến thăm, ngày 20-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tổng thống sẽ gặp gỡ các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng du học tại Liên Xô và Nga. Trong chuyến thăm, dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung cũng như ký các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, tư pháp, y tế, năng lượng, khoa học - công nghệ...
Lãnh đạo đối thoại trực tiếp - cơ hội tăng cường tin cậy chính trị
Một điều mang tính biểu tượng là chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của Nga năm nay trùng với lễ kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những cơ sở nền tảng của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (16.6.1994 - 16.6.2024). Văn kiện lịch sử này đã góp phần mở rộng đáng kể quan hệ tương tác giữa Moscow và Hà Nội, đồng thời đặt nền móng cho việc phát triển và thực hiện các dự án, sáng kiến chung lớn trong nhiều lĩnh vực. Văn kiện này đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và tạo tiền đề cho việc tăng cường hợp tác chung, đưa quan hệ Nga-Việt lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Đại sứ cho biết còn một số ngày kỷ niệm quan trọng trong thời gian tới: Kỷ niệm 30 năm vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình là tổ hợp thủy điện lớn nhất Việt Nam do Liên Xô giúp khởi đầu xây dựng và sự giúp đỡ của Liên bang Nga để hoàn thành (tháng 12-2024), kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (tháng 1-2025), kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam (tháng 5-2025).
Ba thập kỷ qua được đánh dấu bằng sự mở rộng năng động và đa dạng hóa hợp tác song phương. Năm 2001, Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga được ký kết tại Hà Nội, năm 2012, quan hệ được nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đối thoại chính trị thường xuyên được thiết lập ở tất cả các cấp. Có các cơ chế tương tác hiệu quả trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân văn.
Đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo luôn là cơ hội để tăng cường tin cậy chính trị, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, khi mọi liên hệ được chuyển sang hình thức trực tuyến, lãnh đạo Nga và Việt Nam vẫn thường xuyên trao đổi, thảo luận những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự song phương.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã 4 lần thăm Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.
Năm 2023, thăm Việt Nam có Chủ tịch Duma Quốc gia của Quốc hội Liên bang Nga V.V.Volodin, Chủ tịch đảng chính trị toàn Nga "Nước Nga thống nhất", Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga D.A.Medvedev, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang của Quốc hội Liên bang Liên bang Nga A.V.Yatskin, Phó Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga D.N.Chernyshenko. Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov thăm Hà Nội.
Trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước Tô Lâm), Trưởng Ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Nga.
Kết quả các cuộc gặp gỡ, đàm phán đã tạo nền tảng tốt cho quan hệ ở mức cao nhất. Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga-Việt trong nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, trao đổi nhân đạo...
Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên trường quốc tế
Thế giới hiện đại đang trải qua những biến đổi nghiêm trọng, đi kèm với đó là những căng thẳng gia tăng ở nhiều khu vực.
Trong bối cảnh đó, hướng Đông trong chính sách đối ngoại của Nga đang trở thành một trong những hướng có ý nghĩa quyết định lâu dài. Trong bối cảnh này, Nga mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt với các nước hàng đầu và các hiệp hội liên quốc gia ở khu vực này trên thế giới, chủ yếu là với ASEAN, trước hết là duy trì vai trò trung tâm của hiệp hội này trong các vấn đề của khu vực.
Đại sứ khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên trường quốc tế, trước hết là tại Liên Hiệp Quốc và trong các khuôn khổ lấy ASEAN làm trung tâm, dựa trên sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, thúc đẩy các cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta, đề cao các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, tính hợp pháp và công lý trong quan hệ quốc tế.
Nga ủng hộ việc tăng cường hợp tác đa nền tảng giữa các hiệp hội hàng đầu của lục địa Á-Âu, trước hết là Liên minh kinh tế Á-Âu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và ASEAN vì lợi ích tăng cường liên kết kinh tế và hình thành Quan hệ đối tác Á-Âu mở rộng - một không gian mở duy nhất, liền mạch và hợp tác cùng có lợi với sự tham gia của tất cả các quốc gia cùng quan tâm.
"Chúng tôi thấy BRICS là một trong những nền tảng đầy hứa hẹn để tương tác với Hà Nội. Một sự kiện quan trọng trên con đường này là sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng trong cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao BRICS theo hình thức "tiếp cận" với người đứng đầu các cơ quan đối ngoại của các nước Nam Bán cầu và Đông tại Nizhny Novgorod ngày 11-6 năm nay"- Đại sứ cho biết.
Tiềm năng rất lớn
Tiềm năng để tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa sự hợp tác song phương Nga-Việt thực sự rất lớn. Sự hợp tác đó dựa trên truyền thống không thay đổi của tình hữu nghị, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi do các thế hệ cha ông chúng ta xây dựng nên và nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân hai nước.
Nga mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất công nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cũng như thực hiện nhất quán các thỏa thuận ở cấp cao và cao nhất. "Chúng tôi tin rằng việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam đáp ứng đầy đủ các lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước chúng ta"- ông Bezdetko bày tỏ.
Khẳng định phía Nga rất coi trọng những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, Đại sứ cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử cacbon cho nền kinh tế. Nga với tư cách là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện "sạch", tin cậy và ổn định, trước hết là điện hạt nhân – đây là điều được nhiều nước Châu Á lựa chọn làm giải pháp thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.
Nga và Việt Nam tích cực hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trước hết là giáo dục đại học. Liên minh các trường đại học kỹ thuật được thành lập nhằm mở rộng cơ hội đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng và chế tạo máy bay. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ có được một nghề nghiệp thú vị và có nhu cầu. Nga cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch giáo dục miễn phí lớn nhất gồm 1.000 suất học bổng.
Đại sứ vui mừng trước thành tích của các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học Nga đang làm việc trong nhiều lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, y tế, văn hóa và giáo dục của Việt Nam cũng như nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong Đảng và Chính phủ. Theo ông, chính những người này là hạt nhân của ngoại giao nhân dân Nga-Việt.
Cả ở Nga và Việt Nam, các sự kiện giáo dục và văn hóa nhằm phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc hai nước chúng ta, tiếng Nga và tiếng Việt, cũng như các sự kiện kỷ niệm những ngày đáng nhớ trong lịch sử hai nước và quan hệ song phương đều được tổ chức thành công thường xuyên. Ngoại giao nhân dân vẫn là một trong những công cụ quan trọng nhất trong sự tương tác của chúng ta trong lĩnh vực nhân văn mà nếu không có sự tương tác này về nguyên tắc khó có thể hình dung được về mối quan hệ Nga-Việt. Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách xây dựng quan hệ đối tác thực sự.
"Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta có lịch sử chung phong phú, kinh nghiệm hợp tác sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực, đối thoại chính trị sâu rộng, trao đổi nhân văn năng động cao, các giá trị và định hướng phát triển tương đồng. Tất cả những điều này là cơ sở đáng tin cậy để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ song phương và không ngừng củng cố và phát triển quán quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt trong giai đoạn hiện nay"- Đại sứ khẳng định.
Bình luận (0)