Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10-12 tuyên bố việc trình làng hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik đã giảm thiểu nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhận định về lần cập nhật học thuyết hạt nhân gần đây, ông Putin cho biết Moscow không siết chặt mà đang cải thiện học thuyết này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này giải thích Nga cần cải tiến hệ thống tên lửa mới hơn là học thuyết hạt nhân. Việc có đủ hệ thống Oreshnik sẽ đưa Nga đến ngưỡng gần như không cần sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ "thay đổi bản chất" cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng cho rằng không thể vận hành hệ thống vũ khí tinh vi như thế mà không có sự tham gia trực tiếp của các nhân sự NATO.
Cùng ngày 10-12, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố Nga sẽ không kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine "cho đến khi hoàn thành tất cả các mục tiêu do tổng thống kiêm tổng tư lệnh đề ra".
Quan chức này nói thêm các mục tiêu này có thể đạt được thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt hoặc thông qua các cuộc đàm phán phù hợp. Dù vậy, theo ông Peskov, hiện không có cuộc đàm phán nào diễn ra.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin nhận định nước này đang tiến gần việc đạt được các mục tiêu tại Ukraine, trong lúc nhận định quân đội Ukraine đang "gần như sụp đổ hoàn toàn".
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Razvedchik được đăng tải hôm 10-12, ông Naryshkin cho rằng chính phủ hiện tại của Ukraine hoàn toàn mất tính chính danh, không đủ khả năng tham gia đàm phán.
Ông này cũng nhấn mạnh cuộc xung đột tại Ukraine về cơ bản không phải là cuộc chiến chống lại Kiev, mà là một cuộc đấu tranh chống lại phương Tây, trong đó tự do và chủ quyền của Nga đang bị đe dọa.
Theo đài RT, Nga tuyên bố rằng các mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt là "bảo đảm tính trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa của Ukraine".
Nga cũng bày tỏ sẵn sàng tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ngay khi Ukraine "rút khỏi có các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye". Kiev đã bác bỏ đòi hỏi rút khỏi 4 vùng này của Ukraine vì xem động thái này là động thái đầu hàng.
Dù vậy, theo trang Sky News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết một lệnh ngừng bắn mang tính ngoại giao là khả thi. Cụ thể, theo nhà lãnh đạo Ukraine, “giai đoạn nóng” của cuộc xung đột có thể kết thúc nếu các phần lãnh thổ chưa bị chiếm đóng của Ukraine được kết nạp vào NATO, cho phép ông đàm phán việc lấy lại các khu vực còn lại sau đó. Ông cũng đề xuất khả năng triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraine cho đến khi nước này có thể gia nhập NATO.
Hồi tháng 11 qua, Nga chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân theo hướng hạ ngưỡng sử dụng loại vũ khí này. Theo đó, Moscow có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ" của nước này.
Học thuyết này cũng tuyên bố rằng một cuộc tấn công chống lại Nga bởi một quốc gia nước ngoài không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân, nên bị xem là cuộc tấn công chung của cả hai bên.
Bình luận (0)