Thông cáo báo chí của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ xác nhận tham dự hội nghị trong ngày 15 và 16-6 có 100 đoàn đại biểu, trong đó có 57 nguyên thủ quốc gia. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Nhật Bản nằm trong số những người tham dự.
Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - những nước duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga - dự kiến cũng sẽ tham gia.
Đáng chú ý, do bận tập trung cho chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng nên Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham gia mà cử Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế.
Đáng chú ý, hội nghị vắng mặt đại diện Trung Quốc. Nga mô tả hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ lần này "lãng phí thời gian", còn Trung Quốc từ chối tham dự với lý do các cuộc đàm phán hòa bình sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không có Nga, bên liên quan trực tiếp.
Hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ cũng phải đối mặt với "sáng kiến hoà bình mới" mà theo nhiều nguồn tin là do Trung Quốc đang giới thiệu.
Các nguồn tin cho biết hội nghị sẽ tập trung vào những mối quan ngại rộng lớn hơn do xung đột gây ra, chẳng hạn như an ninh lương thực và hạt nhân cũng như tự do hàng hải …
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi sự kiện này là một bước quan trọng hướng tới sự tiến bộ.
"Hội nghị thượng đỉnh cũng cho thấy những giới hạn ngoại giao của Ukraine" - ông Richard Gowan, Giám đốc Liên Hiệp Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) nhận định – "Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Ukraine nhắc nhở thế giới rằng họ đang bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Trung Quốc ban đầu cho biết sẽ cân nhắc tham gia Hội nghị thượng đỉnh hoà bình về Ukraine nhưng cuối cùng từ chối vì Nga vắng mặt.
Cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Trung Quốc Bernardino Regazzoni đánh giá: "Rõ ràng vào thời điểm hiện tại, về mặt địa chính trị đối với Trung Quốc, mối quan hệ đặc biệt với Nga được ưu tiên hơn bất kỳ sự cân nhắc nào khác".
Các quan chức châu Âu từng thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ từ các đồng minh chính của Moscow, tác động của hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ sẽ bị hạn chế.
Bình luận (0)