Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện lên UBND TP HCM.
Trên cơ sở định hướng của Trung ương, chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và đặc thù của TP HCM trong giai đoạn phát triển hiện nay, Sở Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP HCM, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện.
Đơn vị sự nghiệp công lập từ 35 giảm còn 32
Theo tờ trình của Sở Nội vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP HCM được sắp xếp từ 35 xuống còn 32 đơn vị.
35 đơn vị trước sắp xếp gồm: Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Tây Bắc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, Lực lượng thanh niên xung phong, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố, Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại thành phố, Trung tâm chuyển đổi số thành phố, Viện nghiên cứu phát triển thành phố, Trường Đại học Sài Gòn, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố; 6 báo, tạp chí và 12 trường cao đẳng.

Theo tờ trình của Sở Nội vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP HCM được sắp xếp từ 35 xuống còn 32 đơn vị; Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau sắp xếp, còn 32 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Cụ thể:
- Duy trì sắp xếp, tinh gọn giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong và tinh giản tương ứng 20% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (trong đó, nghiên cứu thành lập Bộ phận thực hiện các dự án PPP), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trong đó, nghiên cứu tăng cường nguồn lực, nhân lực để thực hiện các công trình, dự án giao thông trọng điểm được giao), Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại thành phố, Trung tâm chuyển đổi số, Viện Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Thành lập Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Tây Bắc và tiếp nhận nhiệm vụ của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam (sau khi Thủ tướng Chính phủ giải thể Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam).
- Giữ nguyên tên Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố sau khi hợp nhất Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn.
- Chuyển Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc về trực thuộc UBND TP Thủ Đức.
- Đối với Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các đơn vị Báo Pháp luật, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Du lịch, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo lộ trình của Đề án sắp xếp các cơ quan báo chí.
-Đối với các Trường Cao đẳng thuộc UBND TP HCM thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo lộ trình của Đề án sắp xếp các Trường Cao đẳng.
Giảm cơ quan hành chính từ 8 còn 3
UBND TP HCM có 8 cơ quan hành chính khác, gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông, Ban Đổi mới doanh nghiệp, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam.
Sau sắp xếp, UBND TP HCM có 3 cơ quan hành chính khác, gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp thành phố.
Trong đó, hợp nhất Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao, tiếp nhận Trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố, Trung tâm Thủy sản Thành phố từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND thành phố sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong.
- Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp Thành phố sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong.
- Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông chuyển vào Sở Giao thông công chánh.
- Ban Đổi mới doanh nghiệp chuyển vào Sở Tài chính.
- Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam trình Chính phủ giải thể, chuyển chức năng, nhiệm vụ vào Ban Quản lý phát triển đô thị TP HCM sau khi hợp nhất Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị Tây Bắc.
- Đối với Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố, UBND TP HCM đề xuất hợp nhất Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố và giữ tên là Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM.
Phương án này có ưu điểm thống nhất công tác đối ngoại nhân dân và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vào chung một cơ quan, tinh gọn, giảm đầu mối một cơ quan.
Bình luận (0)