Ngày 18-12, tại Trường ĐH An Giang đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024 với chủ đề "Nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực cho liên kết bền vững". Tham dự sự kiện này có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM; ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Sẵn sàng hợp tác và chia sẻ
Ông Hồ Văn Mừng cho biết Diễn đàn Mekong Connect 2024 là cơ hội tốt để tỉnh An Giang giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh ở lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu theo quy hoạch của tỉnh được duyệt, thúc đẩy liên kết vùng và sự ủng hộ của Trung ương để đầu tư phát triển kinh tế các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang với TP HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng mong muốn thông qua diễn đàn lần này, chuyển thông điệp mạnh mẽ đến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP HCM, các đối tác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng: "An Giang sẵn sàng hợp tác và chia sẻ có trách nhiệm với tất cả các bên trong tất cả các lĩnh vực từ việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng, phát triển các hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Thành Đạt, cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của diễn đàn và cho rằng Mekong Connect chính là cầu nối vững chắc giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với TP HCM và cả nước. "Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn với cách làm sáng tạo, có tính kế thừa, có mục tiêu rõ ràng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Được khởi nguồn từ sáng kiến liên kết vùng ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), Mekong Connect không chỉ là nơi hội tụ các ý tưởng, sáng kiến, mà còn là không gian để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn vùng" - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, nhận thức được vai trò và trách nhiệm đầu tàu kinh tế của cả nước, trong các năm qua, TP HCM luôn chủ động và đồng hành cùng các tỉnh, thành triển khai nhiều giải pháp, phương thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương; trong đó xác định liên kết vùng, liên kết ngành là điều kiện, động lực, cũng như nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.
Thúc đẩy liên kết thực chất hơn
Ông Dương Ngọc Hải nhìn nhận tiềm năng hợp tác giữa TP HCM với ĐBSCL rất lớn nhưng kết quả đến nay chưa đạt như mong muốn, hoạt động liên kết vùng chưa đi vào chiều sâu. Nguyên nhân chủ yếu do những khó khăn, thách thức về điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư - kinh doanh và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng, từ đó, việc khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch còn nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.
Để thúc đẩy hoạt động liên kết vùng thực chất và hiệu quả hơn trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới của thế giới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM khẳng định thành phố sẽ phát huy tối đa vai trò nòng cốt, đầu tàu trong hợp tác phát triển. Với nhiều lợi thế so với các địa phương khác, TP HCM cam kết triển khai các chiến lược đột phá, tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những nỗ lực này nhằm tạo động lực và mở rộng không gian phát triển mới không chỉ cho khu vực ĐBSCL mà còn cho các vùng và địa phương trên cả nước.
Theo đó, ưu tiên hợp tác đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học; đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của các địa phương để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Bên cạnh đó, TP HCM và ĐBSCL chú trọng phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay và các hệ thống logistics, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, cầu cảng, hệ thống kho bãi hiện đại để giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, nghiên cứu và khai thác các phương thức vận tải để phát triển du lịch kết hợp với giao thương hàng hóa, dịch vụ. TP HCM sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, tạo động lực cho chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành.
Úc cam kết hợp tác lâu dài tại ĐBSCL
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kayzad Namdarian - Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP HCM - đánh giá ĐBSCL là khu vực địa lý quan trọng trong mối quan hệ Úc - Việt Nam. Chính phủ Úc rất tự hào khi đã đầu tư hơn 650 triệu đô la Úc vào khu vực này kể từ năm 2000. Các khoản đầu tư bao gồm việc mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL. Chính phủ Úc sẽ tiếp tục là đối tác với cam kết hợp tác lâu dài vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Bình luận (0)